Thứ Tư, 2/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Chủ Nhật, 16/12/2012 17:57'(GMT+7)

Thái Bình đề cao tính tiền phong gương mẫu trong làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Sáng tạo trong cách làm

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả, tránh hình thức trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã chỉ đạo việc cụ thể hoá các nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng bộ theo hướng kết hợp nhuần nhuyễn nội dung học tập với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không còn là cuộc vận động mà trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và của mỗi cán bộ, đảng viên, nội dung các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được đưa vào chương trình kế hoạch công tác hàng tháng của các tổ chức Đảng, chính quyền, và vào sinh hoạt chi bộ hàng tháng. Cùng với việc tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của cấp ủy cấp trên, là phát huy vai trò tích cực, chủ động, tự giác của cấp uỷ các cấp, của mỗi cán bộ, đảng viên.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tiến hành phân công cán bộ lãnh đạo, báo cáo viên các cấp về dự sinh hoạt với chi bộ ở các xã trong tỉnh để nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; truyền đạt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp giải quyết những vấn đề bức xúc ngay tại địa phương cơ sở và chỉ đạo thống nhất thời gian sinh hoạt chi bộ vào ngày mồng 3 đến mồng 5 hàng tháng trong toàn Đảng bộ tỉnh.

Để thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, với sự tham gia của tất cả các lực lượng, phương tiện, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn phù hợp với từng đối tượng. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã chủ trì xây dựng nội dung, chủ đề sinh hoạt của chi bộ hằng tháng, đăng tải các nội dung đó trên Bản tin Thông báo nội bộ, Báo Thái Bình (ngày 25-30 hàng tháng, phát hành tới tất cả các chi bộ cơ sở ), Cổng thông tin điện tử của tỉnh và chương trình của Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh.

Căn cứ các chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Trung ương và tỉnh hướng dẫn, các đảng bộ, chi bộ xây dựng và cụ thể hoá việc học tập và làm theo vào thực tiễn địa phương với những nhiệm vụ trọng tâm như phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng, xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí, quan liêu...

Đảng uỷ Khối doanh nghiệp tỉnh chọn việc "làm theo" tấm gương đạo đức của Bác bằng hình thức phát động phong trào "tiết kiệm vật tư, nguyên liệu" trong các cơ sở kinh doanh, đồng thời đẩy mạnh tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện các mô hình "một cửa và một cửa liên thông", phát huy hiệu quả công tác gắn với tăng cường ý thức trách nhiệm. Từ đó, kỷ cương, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức từng bước được nâng lên.

Các phong trào thi đua yêu nước gắn với học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp phát triển rộng khắp như: Phong trào "Ngày vì người nghèo" của Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Sở Lao động Thương binh - xã hội; "Sổ vàng làm theo lời Bác" của Đoàn Thanh niên; "Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" của Hội Liên hiệp Phụ nữ; "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" của ngành Giáo dục...

Tại nhiều đơn vị, cơ sở, "tiết kiệm" theo tấm gương của Bác đã trở thành phong trào, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, với những cách làm sáng tạo, phù hợp và hiệu quả. Đáng chú ý và cần nhân rộng là giải pháp "tiết kiệm để tạo nguồn vốn" xây dựng các công trình phúc lợi, công cộng, phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Các giải pháp tiết kiệm tài sản công, tiết kiệm chi phí hoạt động trong các cơ quan, đơn vị cũng được triển khai tích cực và thu được kết quả hữu hiệu. Tại các cơ quan, đơn vị, nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong xây dựng cơ bản, trong chi tiêu tài chính và sử dụng tài sản công được chú trọng và tăng cường, đã góp phần quan trọng chống tham ô, lãng phí, tiết kiệm ngân sách Nhà nước và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Những kết quả bước đầu

Từ những chuyển biến về nhận thức đã tạo nên những chuyển biến về hành động trên mọi lĩnh vực. Cụ thể là, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, nhưng tỉnh Thái Bình vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Việc làm, đời sống nhân dân trong toàn tỉnh tương đối ổn định; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Năm 2011, trong điều kiện khó khăn chung của suy giảm kinh tế trong nước, tổng sản phẩm GDP của tỉnh vẫn tăng 10,12% so với năm 2010. Phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ với nhiều việc làm, nghĩa cử cao đẹp của cán bộ, đảng viên và đã thu được những kết quả tích cực. Đến tháng 7- 2012, toàn tỉnh có 267/267 xã đã phê duyệt xong quy hoạch chung. 120 xã cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã. 254 xã hoàn thành quy hoạch chi tiết giao thông thuỷ lợi nội đồng. 146 xã thực hiện xong dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và xây dựng văn hóa, xã hội đạt được những kết quả tích cực.

Đặc biệt, các chi bộ, cơ quan, đơn vị đã cụ thể hoá việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác thành các chuẩn mực đạo đức phù hợp gắn với các giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nhất là trách nhiệm gương mẫu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu cấp uỷ, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. Theo đó, việc xây dựng nội dung "chuẩn mực đạo đức" đã phù hợp với đạo đức nghề nghiệp, chức năng, nhiệm vụ, tính chất của mỗi cơ quan, đơn vị, trên cơ sở tập trung vào các vấn đề: Sống có lý tưởng, vì nước, vì dân, vì cộng đồng, xã hội; đề cao cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trách nhiệm với công việc; tôn trọng kỷ cương, phép nước; đoàn kết, nhân ái...

Một số đơn vị đã xây dựng thành các khẩu hiệu hành động ngắn gọn, dễ nhớ, tiêu biểu như: Đảng bộ huyện Kiến Xương, Đảng bộ huyện Vũ Thư, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và Sở Tư pháp. Các trường học trên địa bàn tỉnh cụ thể hoá việc xây dựng chuẩn mực đạo đức thành các quy định về cách ứng xử của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên cụ thể từ việc ăn mặc, ngôn ngữ giao tiếp cho đến thực hiện nghiêm túc giảng dạy, học tập, tổ chức các hoạt động trong nhà trường. Đảng bộ Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh ban hành các quy định cụ thể về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang,v.v..

Thực hiện những chuẩn mực đạo đức theo quy định, trên từng cương vị công tác, trong giao tiếp và tiếp xúc với nhân dân, phần lớn cán bộ, đảng viên đã thể hiện sự gương mẫu, nêu cao ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ đúng mực, nhất là trong giải quyết những công việc liên quan đến quyền lợi của nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 03 ở Thái Bình vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Đó là, việc nhận thức về mục đích, ý nghĩa của việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác ở một số chi bộ chưa đầy đủ, sâu sắc; vẫn cho đây là cuộc vận động chứ chưa phải việc làm thường xuyên; chưa gắn việc "học và làm theo Bác" với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp uỷ, cơ quan, đơn vị. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn mang tính hình thức, có biểu hiện phó mặc cho Bộ phận giúp việc. Một số địa phương, đơn vị còn lúng túng, hình thức trong xây dựng, bổ sung chuẩn mực đạo đức phù hợp với đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của mình.

Để tiếp tục đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong thời gian tiếp theo, tỉnh Thái Bình đang tập trung thực hiện tốt những nội dung sau:

Thứ nhất, quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của từng thành viên trong Bộ phận giúp việc, có cơ chế rõ ràng và đầu tư hợp lý để Bộ phận giúp việc và Bộ phận chuyên trách hoạt động hiệu quả.

Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, với nội dung hấp dẫn, phù hợp mọi giai tầng, mọi lứa tuổi và bằng nhiều hình thức như: trực quan, pano, ápphích cổ động, sân khấu hóa, sáng tác thơ, ca, giao lưu, tọa đàm… trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học - nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh và cụ thể hoá nội dung việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong nhiệm vụ chính trị thường xuyên của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Thứ tư, tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh. Kịp thời đưa nội dung giáo dục tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào kết cấu chương trình đào tạo bắt buộc trong các nhà trường bậc tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn tỉnh, đồng thời có sự đầu tư đúng mức cho vấn đề này.

Thứ năm, tiếp tục đề cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp trước quần chúng nhân dân theo tinh thần Kế hoạch số 03-KH/TW, ngày 1-7-2011 của Ban Bí thư; thống nhất giữa lời nói với việc làm, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Kết hợp chặt chẽ và gắn việc học và làm theo tấm gương của Bác với nhiệm vụ chính trị và các phong trào thi đua yêu nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Quy định 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm một cách thiết thực, hiệu quả.

Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của cấp uỷ và Uỷ ban Kiểm tra các cấp; kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, đồng thời xử lý nghiêm đối với những tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định về tiêu chuẩn đạo đức, lối sống trên tinh thần "xây và chống", "kết hợp giữa xây và chống"./.

Ngô Thị Kim Hoàn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất