Thứ Hai, 18/11/2024
Thế giới
Thứ Hai, 22/6/2009 17:50'(GMT+7)

“Thái Lan ủng hộ giải pháp đàm phán về đền Preah Vihear”

Toàn cảnh đền Preah Vihear.

Toàn cảnh đền Preah Vihear.

Tuần trước, Bangkok đã yêu cầu cơ quan di sản thế giới thuộc UNESCO xem lại quyết định của tổ chức này hồi tháng 7 năm ngoái nhằm chính thức công nhận ngôi đền cổ từ thế kỷ thứ 11 ở Campuchia là di sản thế giới, khi quyền sở hữu đất đai quanh khu vực này vấn còn đang bị tranh chấp.

Campuchia chỉ trích Thái Lan đưa ra vấn đề này, cho rằng quân đội nước này sẵn sàng bảo vệ đất nước một lần nữa nếu cần. 

Nhưng Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva nói chính quyết định của UNESCO đã khiến căng thẳng gia tăng. “Chúng tôi lo ngại rằng các động thái của UNESCO có thể châm ngòi cho xung đột, căng thẳng hay đọ súng ở biên giới”, ông Abhisit phát biểu trong buổi nói chuyện cuối tuần trên đài truyền hình.

Thủ tướng Abhisit cho biết thêm là Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban sắp đến thăm Campuchia để giải thích lập trường của Thái Lan. Ông Abhisit một lần nữa nhấn mạnh lập trường của phía Bangkok lúc nào cũng thiên về giải pháp giải quyết bất đồng thông qua đàm phán.

Tại vùng tranh chấp biên giới quanh đền Preah Vihear, nơi hai lần xung đột đã gây tử vong cho 7 binh sĩ của cả hai bên, lực lượng biên phòng vẫn tiếp tục phối hợp tuần tra. Tuy nhiên, sự kiện Thái Lan kêu gọi UNESCO “xét lại hồ sơ” đền Preah Vihear vấp phải phản ứng từ phía Phnôm Pênh.

Ngày 20/6, Ngoại trưởng Campuchia Hor Nam Hong tuyên bố trước báo giới rằng quân đội Campuchia sẵn sàng hy sinh bảo vệ đất nước một lần nữa nếu tình thế đòi hỏi. “Campuchia hoan nghênh mọi nỗ lực thương lượng hoà bình, nhưng xung đột đã xảy ra hai lần, nếu Thái Lan gửi quân đến lần thứ ba, chúng tôi cũng đón chào”, ông nói.

Ngoại trưởng Campuchia nói tiếp là ông có nghe tin Phó Tư lệnh lực lượng biên phòng Thái Lan đã đặt binh sĩ dưới quyền trong tình trạng báo động. Và ông cảnh báo Thái Lan rằng binh sĩ Campuchia “cũng được đặt trong tình trạng ứng chiến”.

Tình hình biên giới hai nước láng giềng Đông Nam Á trở nên căng thẳng từ tháng 7 năm ngoái, sau khi UNESCO công nhận ngôi đền cổ Preah Vihear nằm trên đường biên giới hai nước là di sản thế giới.

(Theo Báo Dân Trí)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất