Thứ Sáu, 27/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 30/8/2012 16:49'(GMT+7)

Thái Nguyên chọn đột phá từ xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông

 Chưa phát huy hết lợi thế

Với vị trí địa lý đặc biệt, Thái Nguyên là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc bộ; là cái nôi của nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa và là một trong 3 trung tâm giáo dục, đào tạo lớn nhất cả nước. Thái Nguyên hôm nay có tiềm năng rất lớn cả về du lịch, thương mại, công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, tài nguyên thiên nhiên phong phú nhưng với cơ sở hạ tầng giao thông còn yếu kém đang níu kéo, kìm hãm sự phát triển của vùng đất này. Thái Nguyên chỉ cách trung tâm Hà Nội 75 km, nhưng để đi quãng đường ấy phải mất hơn 3h đồng hồ thì không thể là điều kiện lí tưởng để thu hút đầu tư.

Có ý kiến tại buổi toạ đàm cho rằng, Thái Nguyên vẫn là một tỉnh nghèo và cứ với tốc độ phát triển như trong những năm vừa qua thì còn lâu nữa Thái Nguyên mới có thể đạt được mục tiêu trở thành vùng kinh tế trọng điểm của vùng trung du, miền núi phía Bắc.

Về việc này ông Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005 – 2010 của tỉnh đạt 11,11%, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2011 đạt gần 40.000 tỷ đồng, thu ngân sách 3.700 tỷ đồng. Tp Thái Nguyên đến năm 2010 đã đủ tiêu chí là đô thị loại 1 và được Thủ tướng Chính phủ công nhận, thị xã Sông Côn cũng được là đô thị loại 3. Như vậy, các mục tiêu chính đã vượt xa. Tuy nhiên, ông Dương Ngọc Long cũng thừa nhận, so với mặt bằng chung, so với tiềm năng và lợi thế, kinh tế xã hội của tỉnh còn chậm phát triển. “Hiện, chúng tôi đã tìm nhiều giải pháp nhưng vẫn còn kém phát triển. Nếu vẫn giữ tốc độ như những năm vừa qua, chúng tôi rất khó xây dựng Thái Nguyên thực sự là trung tâm vùng phía bắc, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Thủ đô Hà Nội”, ông Long nói. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã xây dựng 5 chương trình, 6 đề án, 45 công trình trọng điểm. Bộ GTVT và các bộ, ngành đã đặc biệt quan tâm giúp tỉnh xây dựng quy hoạch KT-XH, giao thông, đô thị mà điển hình là quy hoạch giao thông đến 2020 tầm nhìn 2030, các khu công nghiệp như tổ hợp dịch vụ Yên Bình trên 8.000 ha, khu đô thị phía Tây thành phố Thái Nguyên trên 5.000 ha, khu du lịch Hồ Núi Cốc, các khu và cụm công nghiệp… Thái Nguyên đang huy động mọi nguồn lực tại địa phương và sự giúp đỡ, các nguồn lực từ bên ngoài để sớm đạt mục tiêu này.

Rào cản từ giao thông

Nhiều ý kiến đặt câu hỏi vì sao với những lợi thế như vậy mà Thái Nguyên vẫn chưa thể phát huy hết tiềm năng. Vậy đâu là rào cản thực sự đối với sự phát triển của tỉnh Thái Nguyên?

Trả lời câu hỏi trên, ông Dương Ngọc Long cho rằng, trong quá trình phát triển, đòi hỏi lớn với tỉnh là cơ sở hạ tầng về giao thông. Thái Nguyên có lợi thế rất gần Thủ đô, nhiều hệ thống quốc lộ (QL) đi qua tỉnh như: QL3, 1B, 37, đường sắt Hà Nội – Thái Nguyên, đường sông. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng đó có sự xuống cấp và quá tải so với quá trình phát triển KT-XH của tỉnh. “Đây là một trong những trở ngại chính cho tỉnh trong xây dựng và phát triển. Nhiều nhà đầu tư đến thăm tỉnh có phàn nàn là dù khoảng cách gần Hà Nội, gần Sân bay Nội Bài nhưng hệ thống giao thông đi lại gặp khó khăn”, ông Long nói.

Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nhận định, hạ tầng đường bộ là điểm nghẽn để phát huy tiềm năng của Thái Nguyên. Trong quá trình thực hiện đầu tư gặp rất nhiều khó khăn để hoàn thành đúng tiến độ. Đối với dự án cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên thực hiện bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản thì có nhiều thủ tục phức tạp, kéo dài, hiện Bộ đang tích cực rút ngắn thời gian, thủ tục đầu tư. Nguyên nhân chậm thứ hai là công tác giải phóng mặt bằng do chưa chủ động làm công tác tái định cư, chính sách đền bù chưa thỏa đáng, và để giải quyết vấn đề này cần thời gian. Thứ ba là vấn đề nhà thầu chính sử dụng nhà thầu phụ có năng lực hạn chế. Đối với QL 3 cũ thì vừa làm vừa phải yêu cầu đảm bảo giao thông và chúng ta phải chấp nhận tình hình hiện nay. Đồng thời, Bộ GTVT cũng yêu cầu các nhà thầu làm gọn, đảm bảo an toàn giao thông trong triển khai dự án.

Theo ông Nguyễn Hồng Trường, Thái Nguyên là đầu mối kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc và Hải Phòng, có đầu ra kết nối với Trung Quốc qua các cửa khẩu như Hữu Nghị quan, Tà Lùng, Hà Khẩu…Vì vậy, ông Trường hy vọng vài năm nữa, Thái Nguyên sẽ là trung tâm giao thông rất thuận lợi cho các tỉnh miền núi phía Bắc…

Ưu tiên các dự án giao thông lớn


Dù được coi là tỉnh công nghiệp, GDP trên đầu người đạt mức khá so với cả nước nhưng Thái Nguyên đang tụt hậu về hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế. Giao thông kết nối chưa có những dự án hiện đại, ngay cả TP. Thái Nguyên là đô thị loại I, thị xã Sông Công là đô thị loại III đều thiếu và yếu về các tiêu chuẩn hạ tầng.

Để giải quyết tốt khâu này, ông Dương Ngọc Long cho biết, Thái Nguyên xác định các giải pháp đột phá cho hạ tầng giao thông. Trước hết, tỉnh ưu tiên hoàn chỉnh quy hoạch giao thông tới 2020 và tầm nhìn 2030. Căn cứ vào nguồn lực của tỉnh để hàng năm đẩy nhanh phát triển kinh tế xã hội với phát triển giao thông đường bộ, ưu tiên các tuyến kết nối liên vùng, liên huyện. Với các tuyến liên tỉnh, Thái Nguyên đã xây dựng khởi công và từng bước hoàn chỉnh đường quốc lộ với sự giúp đỡ của Trung ương, như Quốc lộ 3, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên… Bộ GTVT cũng đã cho phép tỉnh nâng cấp quốc lộ 1B đi Lạng Sơn, đường 37 đi Tuyên Quang. Về đường sắt, Chính phủ đã đưa việc nâng cấp tuyến Hà Nội – Thái Nguyên… vào kế hoạch phát triển đường sắt quốc gia…

Theo ông Dương Ngọc Long, lộ trình quy hoạch phát triển giao thông mà tỉnh đề ra đến 2015 là phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tổ chức thực hiện tốt các tuyến đường, dự án đã khởi công, được Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng như cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, QL3 cũ, QL 1B. Đồng thời, tỉnh tiếp tục đầu tư, lập dự án khởi công đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên. “Chúng tôi sẽ tập trung ưu tiên cho các dự án lớn. Các dự án của địa phương chúng tôi bố trí theo lộ trình theo quy hoạch hàng năm. Giai đoạn tiếp theo, các dự án trong quy hoạch sẽ được tiếp tục tổ chức thực hiện” ông Long nhấn mạnh.

Ông Long cho biết, để thực hiện được những dự án đó, Thái Nguyên cũng đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT, các bộ, ngành Trung ương quan tâm tạo điều kiện về nguồn lực từ nguồn vốn ngân sách Trung ương để tỉnh có điều kiện thực hiện quy hoạch của mình. Ngoài ra, các bên cùng kêu gọi nhiều nguồn vốn khác theo các hình thức đầu tư BT, BOT, PPP kết hợp với nội lực của tỉnh để thực hiện cho được quy hoạch giao thông./.

Hoàng Tùng (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất