Thứ Bảy, 23/11/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Sáu, 16/12/2022 8:53'(GMT+7)

Thái Nguyên: Tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên

Đồng chí Vũ Duy Hoàng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên năm 2022 (ngày 14/12/2022)

Đồng chí Vũ Duy Hoàng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên năm 2022 (ngày 14/12/2022)

Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên của tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều đổi mới về hình thức, phương pháp tuyên truyền và đã đạt được kết quả tích cực; góp phần định hướng tư tưởng, tạo sự thống nhất về nhận thức trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hiện nay, Thái Nguyên có 5 báo cáo viên Trung ương, 55 báo cáo viên cấp tỉnh, gần 600 báo cáo viên cấp huyện và tương đương; khoảng 8.000 tuyên truyền viên cơ sở. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được kiện toàn đảm bảo số lượng và trình độ, năng lực không ngừng được nâng lên. Các cấp ủy quan tâm chỉ đạo ban hành quy chế hoạt động, tổ chức quản lý báo cáo viên chặt chẽ, phù hợp với tình hình địa phương; thường xuyên theo dõi, kiểm tra hoạt động của đội ngũ này trên địa bàn.

Ban tuyên giáo các cấp luôn quan tâm đổi mới nội dung, hình thức tổ chức hội nghị báo cáo viên thường kỳ theo hướng tăng hàm lượng thông tin, bám sát thực tiễn; luân chuyển địa điểm tổ chức hội nghị hướng về cơ sở để báo cáo viên có điều kiện kết hợp tìm hiểu, nghiên cứu thực tiễn. Tại các hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh định kỳ, tùy theo nhu cầu thông tin và nhiệm vụ tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã mời lãnh đạo tỉnh, các địa phương, đơn vị đến dự và trực tiếp cung cấp thông tin để phục vụ công tác tuyên truyền. Đồng thời, Ban đã tổng hợp, biên soạn tài liệu, cung cấp cho báo cáo viên để phục vụ hoạt động tuyên truyền miệng bảo đảm kịp thời, thống nhất, đúng định hướng. Trong năm 2022, Ban đã biên soạn, biên tập trên 500 trang tài liệu với gần 100 chuyên đề thông tin thời sự trong nước, quốc tế; tình hình kinh tế - xã hội trong nước, trong tỉnh; tình hình trật tự an toàn giao thông; các chuyên đề chuyên sâu và một số tư liệu khác phục vụ cho báo cáo viên, tuyên truyền tại cơ sở. Đặc biệt, Ban đã có sự linh hoạt trong việc kết hợp tổ chức giao ban báo chí và hội nghị báo cáo viên định kỳ với những nội dung phù hợp để có sự thống nhất trong chỉ đạo, định hướng tuyên truyền đối với báo cáo viên các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh.

Cấp ủy các cấp đã quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật theo hướng hiện đại nhằm bảo đảm cho hoạt động tuyên truyền miệng được thông suốt và hiệu quả; góp phần tích cực thúc đẩy việc đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền miệng và nâng cao trình độ, kỹ năng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Đến nay, tất cả các xã, phường, thị trấn và nhiều cơ quan, đơn vị đã kết nối trực tuyến với các hội nghị do Trung ương, cấp tỉnh tổ chức với chất lượng đường truyền đảm bảo. Thông qua hình thức hội nghị trực tuyến, thông tin đến với cán bộ, đảng viên nhanh nhất, kịp thời nhất; số lượng cán bộ, đảng viên được nghiên cứu, học tập tại cùng thời điểm nhiều nhất… Tiêu biểu như Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, tỉnh Thái Nguyên tổ chức được 227 điểm cầu với trên 29 nghìn cán bộ, đảng viên tham dự, chiếm khoảng 30% số đảng viên của toàn Đảng bộ tỉnh.

Cùng với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật thông tin cho đội ngũ báo cáo viên các cấp được thực hiện thường xuyên. Trong năm 2022, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã hướng dẫn, bồi dưỡng cho báo cáo viên của tỉnh tham dự Hội thi chung khảo toàn quốc báo cáo viên giỏi tuyên truyền Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và đã vinh dự đoạt giải Nhì. Ban đã tổ chức 01 hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho hơn 170 báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức cho đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại tỉnh Nghệ An. Các đảng bộ trực thuộc và đoàn thể cấp tỉnh đã tổ chức được 32 lớp tập huấn cho trên 2.400 lượt báo cáo viên, tuyên truyền viên. Thông qua tập huấn, hội thi, đội ngũ báo cáo viên được bồi dưỡng những kiến thức và kỹ năng cần thiết về công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên, nhất là phương pháp, kỹ năng khai thác, tổng hợp thông tin, diễn đạt, trình bày vấn đề, góp phần nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ báo cáo viên; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Trong bối cảnh công nghệ thông tin, đặc biệt internet, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, với nhiều thông tin đa chiều đã tác động không nhỏ đến việc tiếp cận thông tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân; ngày càng có nhiều hình thức tuyên truyền mới đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với công tác tuyên truyền nói chung, tuyên truyền miệng nói riêng. Tuy nhiên, tuyên truyền miệng vẫn là một công cụ sắc bén trong việc đưa chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên, trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp đó là:

Tiếp tục quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên; phát huy vai trò, trách nhiệm của đồng chí bí thư cấp ủy, người đứng đầu trong việc chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Quan tâm đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Nội dung tuyên truyền phải đúng chỉ đạo, định hướng và bám sát tình hình thực tiễn, nhu cầu, đối tượng người nghe... Trong đó, phải luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm của công tác tuyên truyền miệng là quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương và các chủ trương, chính sách lớn của tỉnh trên các lĩnh vực...

Tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức hội nghị báo cáo viên, các hội nghị tuyên truyền theo hướng nhanh nhất, rộng nhất, chính xác nhất và tiết kiệm nhất (tiết kiệm cả thời gian và kinh phí). Tận dụng tối đa những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, lợi thế của công nghệ để đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền; gắn kết chặt chẽ tuyên truyền với nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên, Nhân dân và định hướng tư tưởng, dư luận xã hội; tăng cường đối thoại với người nghe, kịp thời giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng.

Thường xuyên củng cố, kiện toàn, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng; trong đó chú ý nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn và khả năng nắm bắt, dự báo tình hình, năng lực truyền đạt của báo cáo viên.

Phát huy những thành tích đã đạt được, bám sát chỉ đạo của cấp trên, chủ động nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên…, ngành Tuyên giáo tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức thực hiện để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác báo cáo viên, tuyên truyền miệng trong thời gian tới./.

 Nguyễn Lan

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất