Thứ Năm, 28/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Chủ Nhật, 12/1/2014 18:0'(GMT+7)

Thanh Hóa: Phát huy một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng của các đảng bộ huyện

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW ngày 15/10/2007 về "Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới” của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X), công tác TTM và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên (BCV), tuyên truyền viên (TTV) trong toàn Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đội ngũ BCV thường xuyên được củng cố, đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với điều kiện của các vùng miền trong tỉnh, thưc hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, thực sự là lực lượng nòng cốt, xung kích trên lĩnh vực tuyên truyền của Đảng bộ. Chất lượng công tác TTM từng bước được nâng lên, thích ứng và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tuy nhiên, để công tác TTM ở các đảng bộ huyện trong tỉnh đạt được chất lượng cao hơn nữa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nayi, cần phải phát huy thực hiện tốt hơn những nội dung thích hợp và trọng tâm trong các giải pháp, đó là:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác tuyên truyền miệng

Đảng ta luôn khẳng định: Công tác tư tưởng nói chung, công tác TTM nói riêng là một trong những lĩnh vực giữ trọng yếu nhất của Đảng, là phương thức quan trọng của công tác tuyên truyền và là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, Trung ương với địa phương và cơ sở. Vì thế, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cấp ủy về công tác TTM là điều hết sức cần thiết.

Thanh Hóa là một tỉnh lớn (đứng thứ hai toàn quốc cả diện tích tự nhiên và dân số) với đa dạng các thành phần dân cư, dân tộc, tôn giáo sinh sống đan xen trong cả 4 vùng sinh thái: Miền biển, đồng bằng, trung du và miền núi. Cùng với điều kiện tự nhiên, xã hội, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa cũng là một Đảng bộ lớn so với cả nước, bao gồm 27 đảng bộ cấp huyện, thị, thành phố và 8 đảng bộ trực thuộc với 1.702 tổ chức cơ sở đảng, trên 200.000 đảng viên. Trong đó, các đảng bộ cấp huyện chiếm phần lớn cả về tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, bao gồm 638 đảng bộ xã; phường thị trấn và trên 600 đảng bộ hành chính sự nghiệp, cơ sở sự nghiệp, quân đội, công an và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn; là nơi gần gũi, gắn bó rõ rệt nhất với các cơ sở, địa bàn kinh tế - xã hội.

Bên cạnh những nỗ lực và thành tích đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTM, thời gian qua ở một số huyện vẫn còn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót cần khắc phục trong quá trình nhận thức của cấp ủy. Một số ban, ngành, đoàn thể, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến việc quán triệt mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, nội dung và tầm quan trọng của công tác TTM. Do vậy, chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong huyện. Việc xây dựng chương trình và hướng dẫn công tác TTM có lúc, có nơi trong nhiều huyện còn lúng túng không chỉ do thiếu cán bộ giỏi, kinh phí hoạt động mà chính là do nhận thức của cấp ủy và đảng viên chưa đầy đủ về tác dụng, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác TTM, thể hiện ở một số mặt: Coi TTM chỉ là tuyên truyền những nội dung đã có trong nghị quyết, hoặc đã được các phương tiện thông tin đại chúng phát thanh, đăng tải; với thời lượng báo cáo rất ngắn chỉ trong vài tiếng đồng hồ không đủ chứa đựng các thông tin mà dư luận xã hội đang mong đợi. Nhận thức đó đã không thấy được những ưu thế đặc thù của TTM, đó là phương thức mang tính phổ biến trong giao tiếp xã hội, có khả năng truyền đạt thông tin đến mọi đối tượng khác nhau, trong bất kỳ hoàn cảnh nào; là dạng thông tin kịp thời nhanh nhạy, trực tiếp và tin cậy đến với người nghe, góp phần quan trọng trong việc tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội ngay trong thời điểm nhận được thông tin. Do những hạn chế đó, nhiều cấp ủy huyện trong tỉnh chưa tạo ra được cơ chế thống nhất và môi trường thuận lợi cho hoạt động BCV, TTM. Trong chỉ đạo, điều hành có lúc, có nơi chưa thực sự thể hiện quyết tâm xây dựng đội ngũ BCV, TTV, sợ tốn kém, lãng phí, không thu được kết quả, vì trong thực tế đã có nhiều BCV được xây dựng nhưng hoạt động không có chất lượng, các thông tin báo cáo không thiết thực, tuyên truyền kém hiệu quả.

Bên cạnh nguyên nhân đó, hầu hết các huyện của Thanh Hóa đều có địa bàn rộng, số lượng đơn vị hành chính nhiều, có huyện tới gần 50 đơn vị hành chính cấp xã và tương đương; 11 huyện miền núi dân tộc với trên 1 triệu dân (tương đương với dân số của nhiều tỉnh đồng bằng), chủ yếu là các dân tộc ít người, còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, địa bàn chia cắt phức tạp, giao thông chưa phát triển, dân cư phân tán. Đời sống khó khăn, trình độ nhận thức hạn chế nên đã ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác TTM. Cấp ủy từ huyện đến cơ sở chỉ đạo còn dàn trải, chưa tập trung quán triệt trong việc chỉ đạo, xây dựng đội ngũ BCV, TTV có đủ số lượng và đảm bảo chất lượng để triển khai công việc được giao.

Hiện nay, để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Bí thư, các huyện ủy trong tỉnh đang tập trung rà soát đánh giá các hoạt động TTM, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy viên và đảng viên quan điểm của Đảng về công tác này. Coi công tác TTM là nhiệm vụ của toàn Đảng, của tất cả đảng viên, trước hết là của cấp ủy các cấp và đồng chí Bí thư, của cả hệ thống chính trị... Tất cả cấp ủy các cấp từ huyện đến cơ sở, các đảng viên hoạt động trên mọi lĩnh vực đều phải có trách nhiệm làm nhiệm vụ TTM, trực tiếp tham gia tuyên truyền chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ hai, tăng cường công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện của Ban Tuyên giáo Huyện ủy đối với công tác TTM

Ban Tuyên giáo Huyện ủy vừa là cơ quan tham mưu của cấp ủy, vừa là cơ quan giúp việc, thay mặt cấp ủy chỉ đạo công tác tuyên truyền, đưa nghị quyết và các chủ trương của Đảng vào cuộc sống. Từ chức năng của mình, Ban Tuyên giáo Huyện ủy giúp cấp ủy tổ chức, quản lý và điều hành hoạt động của đội ngũ BCV, TTV. Do vậy, công tác tổ chức, quản lý đội ngũ BCV, cần phải có chiều sâu và đi vào nề nếp.

Trong nhiều năm qua, hầu hết Ban Tuyên giáo các huyện ủy của tỉnh Thanh Hóa luôn thực hiện tốt chức năng là cơ quan tham mưu cho cấp ủy xây dựng lực lượng BCV phù hợp với yêu cầu tình hình, có quy chế hoạt động cụ thể, rõ ràng, thực hiện sự phân công trong từng lĩnh vực công tác chuyên trách để báo cáo viên tập trung chuẩn bị tài liệu, tư liệu, thông tin theo hướng chuyên sâu. 100% các huyện đều xây dựng được đội ngũ báo cáo viên cấp huyện và cơ sở thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công điều động của Ban Tuyên giáo cấp huyện.

Sự nỗ lực và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động của động ngũ BCV của các Ban Tuyên giáo các huyện; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao nghiệp vụ công tác; tham mưu cho cấp ủy và Ban Tuyên giáo cấp trên xây dựng hoàn thiện các chế độ chính sách đối với BCV, chế độ trang cấp trang thiết bị cho các Trung tâm thông tin công tác tuyên giáo theo hướng hiện đại, là những cơ sở quan trọng đảm bảo điều kiện cho các BCV trong hoạt động tuyên truyền. Tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng do sự cố gắng của các ban tuyên giáo huyện ủy, nên hoạt động BCV, TTM cấp huyện ở Thanh hóa đã có nhiều khởi sắc, góp phần trong công tác tuyên giáo của huyện và tỉnh.

Thông qua các buổi sinh hoạt BCV thường kỳ do Ban Tuyên giáo các huyện tổ chức, đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh trong huyện đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn, định hướng nội dung thông tin, định hướng dư luận xã hội, giải đáp được những vấn đề thắc mắc trong nội bộ nhân dân về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, về những vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm. Thông qua hoạt đông BCV, TTM, nhiều ý kiến của cơ sở trong hầu hết các lĩnh vực KT-XH được các Ban Tuyên giáo huyện ủy tiếp thu và chuyển đến cấp ủy làm cơ sở thực tiễn bổ sung cho các chủ trương tiếp theo.

Thứ ba, đổi mới nội dung, cách thức t chức và phương pháp TTM

Đây là giải pháp quan trọng được các huyện ủy trong tỉnh quan tâm. Bởi vì, muốn nâng cao chất lượng công tác TTM, nhất thiết phải thường xuyên đổi mới nội dung, cách thức và phương pháp công tác. Hiện nay, nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng nền kinh tế thế giới. Bên cạnh những thuận lợi, chúng ta cũng gặp không ít khó khăn thách thức do những biến động khó lường, phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế thế giới cùng với những hạn chế nội tại của nền kinh tế đất nước. Các thế lực thù địch phản động tiếp tục chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới của Nhân dân ta với mức độ ngày càng quyết liệt hơn, với những thủ đoạn tinh vi xảo quyệt hơn. Trong bối cảnh đó, cùng với sự bùng nổ thông tin, sự phát triển của Internet và các phương tiện truyền thông hiện đại, đặt công tác BCV, TTM đứng trước những thách thức mới. Do đó, công tác TTM và hoạt động BCV,TTM càng cần phải được chú trọng đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức công tác.

Qua các báo cáo của Ban Tuyên giáo các huyện ủy, hầu hết trong nội dung, kế hoạch thực hiện TTM đều nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp cần đổi mới thường xuyện nội dung và cách thức tổ chức và phương pháp TTM. Trong đó nhấn mạnh, sự cần thiết phải đổi mới việc nâng cao chất lượng thông tin, vừa đảm bảo tăng cường những thông tin thời sự quan trọng trên thế giới, trong nước, trong tỉnh, vừa phải có báo cáo chuyên đề đi sâu vào những vấn đề lý luận cơ bản, những vấn đề phát sinh từ thực tiễn đang đặt ra trong cuộc sống có liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Dựa vào hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, các Ban Tuyên giáo huyện ủy trong tỉnh đã xây dựng nội dung công tác TTM, đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm, hàng quý và hành tháng. Nội dung công tác TTM được xây dựng dựa trên các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách lớn của Nhà nước; bám vào,các sự kiện chính trị quan trọng trên thế giới, trong nước, trong tỉnh và của huyện; thường xuyên được cập nhật, bổ sung khi có các sự kiện đột xuất, các diễn biến chính trị của đất nước và của địa phương, cơ sở. Các nội dung tuyên truyền tập trung vào giải quyết những vấn đề “nóng” về lý luận và các vướng mắc mà dư luận xã hội quan tâm.

Trong hoạt động BCV, TTM, cách thức tổ chức có ý nghĩa vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền. Do đó, các Đảng bộ huyện trong tỉnh vừa củng cố và duy trì đều đặn chế độ thông tin định kỳ hàng tháng cho báo cáo viên các xã, thị trấn, các ban, ngành đoàn thể trên địa bàn huyện vừa kết hợp thông tin thời sự, chính sách thông qua hội nghị giao ban Bí thư thôn, cụm dân cư hàng tháng. Nhiều huyện như huyện Đông Sơn, Thọ Xuân đã có những cách làm hay như: tổ chức hội nghị BCV, thông tin viên định kỳ cấp huyện theo cụm xã và tiến hành luân phiên, phân công báo cáo viên cấp huyện về từng xã phối hợp với bộ phận Tuyên giáo các xã, thông tin thời sự đến cán bộ chủ chốt và đảng viên; vừa tạo điều kiện cho BCV giao lưu, học tập kinh nghiệm, nghiên cứu thực tiễn ở đơn vị bạn vừa cung cấp thông tin chuyên đề đến cấp ủy cơ sở. Thông qua các buổi sinh hoạt, cấp ủy, báo cáo viên cấp huyện nắm bắt dư luận xã hội về những vấn đề bức xúc trong thực tiễn cuộc sống, để vừa giải thích cho cán bộ, đảng viên và nhân dân vừa có điều kiện tiếp thu ý kiến nhân dân để phản ảnh với cấp ủy. Những nội dung chưa rõ, BCV có trách nhiệm báo cáo với cấp ủy và trả lời trong hội nghị tiếp theo, hoặc bằng văn bản khi thấy cần thiết.

Phương pháp TTM là khoa học về sự giao tiếp giữa người nói và người nghe. Vì thế, trong nhiều năm qua cấp ủy các huyện  trong tỉnh luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng năng cao năng lực đổi mới phương pháp tuyên truyền cho đôi ngũ BCV cấp huyện trong tỉnh, tránh các phương pháp tuyên truyền thụ động, một chiều; tăng cường thông tin hai chiều, giải đáp các thắc mắc và làm rõ các vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Trên cơ sở đảm bảo nội dung tuyên truyền, phương pháp TTM tốt  thực chất là tìm sự giao lưu đồng cảm giữa người nói và người nghe trong buổi nói chuyện. Các BCV ngoài việc tiếp thu thông tin có định hướng của cấp trên còn nắm bắt được tình hình tư tưởng và dư luận ở địa phương, đơn vị phản ánh kịp thời với cấp ủy (thông qua phiếu hoạt động BCV hằng tháng hoặc thông báo với Ban tổ chức hội nghị). Thông qua sinh hoạt, tăng cường trao đổi, đối thoại trực tiếp giữa BCV và người nghe. Điều này, đòi hỏi BCV phải thường xuyên cải tiến phương pháp trình bày, nâng cao chất lượng các loại tài liệu phục vụ công tác TTM; tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân, là phương pháp hữu hiệu giúp BCV nắm bắt đúng tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội ở địa phương, đơn vị và thông tin kịp thời về cấp ủy trực tiếp hoặc cơ quan tuyên giáo cấp trên.

Thứ tư, xây dựng và kiện toàn đội ngũ báo cáo viên cấp huyện

Một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả trong công tác TTM đó là, các đảng bộ luôn chăm lo xây dựng đội ngũ BCV, TTV đảm bảo chất lượng, đồng bộ và toàn diện. Nhiều huyện đã xây dựng được đội ngũ báo cáo viên có cơ cấu hợp lý, hoạt động có hiệu quả; vững vàng về chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, trình độ kiến thức cao, đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ mới. Chủ trương xây dựng đội ngũ BCV đã được các huyện ủy quan tâm ở một số nội dung:

Một là, xây dựng đội ngũ BCV đủ về số lượng, đảm bảo các tiêu chí đề ra. Thực hiện Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tuyên giáo Trung ương về việc thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đổi mới nâng cao chất lượng công tác TTM. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với các ngành tham mưu cho Thường trực Tỉnh uỷ phân bổ, lựa chọn và công nhận đội ngũ BCV trong toàn Đảng bộ tỉnh bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Trung ương. Trong đó, ưu tiên điều chỉnh số lượng BCV cấp huyện, xã phù hợp hơn với thực tiễn của tỉnh và các địa phương, đơn vị trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 7 BCV cấp Trung ương; trên 60 BCV cấp tỉnh; và trên 1.000 BCV cấp huyện (trong đó bao gồm cả báo cáo viên của cấp uỷ xã, phường, thị, trấn). So với năm 2010 số lượng BCV các cấp trong toàn tỉnh được chọn lọc kỹ hơn do đó giảm khá nhiều. Song những chuyển biến tốt về chất lượng, công tác quản lý và tổ chức hoạt động của đội ngũ BCV toàn tỉnh đã được khẳng định. Đội ngũ BCV đều đảm bảo các tiêu chí về trình độ lý luận – chính trị; lập trường tư tưởng; phẩm chất đạo đức, về năng lực và về tri thức khoa học…

Cùng với việc xây dựng đội ngũ đủ về số lượng, các chế độ chính sách cũng được xây dựng phù hợp. Hầu hết các BCV cấp huyện ngoài việc có chế độ phụ cấp theo Thông báo 13-TB/TW của Bộ Chính trị, các ban tuyên giáo huyện ủy các huyện căn cứ vào tình hình thực tế và yêu cầu hoạt động xây dựng chính sách đặc thù cho đội ngũ BCV, nhất là đối với các huyện miền núi địa bàn rộng, đi lại khó khăn.

Hai là, Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ BCV cấp huyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Với một tỉnh có địa bàn rộng, dân số đông, nhiều thành phần kinh tế xã hội, nhưng tổng biên chế cán bộ tuyên giáo của toàn tình cũng chỉ như các tỉnh khác. Nhiều huyện, cũng chỉ có từ 4-6 cán bộ, trong khi chưa có Ban tuyên giáo xã, các xã chỉ do một cấp ủy viên kiêm nhiệm, do đó đội ngũ BCV chính là “cánh tay nối dài” của Ban Tuyên giáo Huyện ủy trong công tác tuyên truyền của cấp ủy, cần phải được quan tâm nâng cao về mặt chất lượng, nhất là chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ BCV là các nhà khoa học, quân sự, chính trị, các BCV cấp ủy, đây là những người có đạo đức, phẩm chất, bản lĩnh chính trị vững vàng, có kinh nghiệm thực tiễn, trung thực, có kỷ luật phát ngôn, có năng khiếu và hiểu biết về nghệ thuật tuyên truyền. Hàng năm, các huyện đều có đánh giá, bình xét kết quả thực hiện của từng BCV; có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại, tăng cường chất lượng, nhất là khả năng truyền đạt, ứng phó với những vấn đề nhạy cảm.

Đến nay, hầu hết các huyện đã xây dựng được đội ngũ BCV đương chức, tăng cường BCV chuyên trách là điều kiện tiên quyết, quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động công tác TTM.

Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ BCV cấp huyện được quan tâm nhiều hơn, nhất là bồi dưỡng về các kỹ năng khai thác, phân tích, tổng hợp, lựa chọn thông tin; biên soạn bài nói và trình bày bài nói tại các diễn đàn. 5 năm qua, Trung tâm thông tin công tác tuyên giáo tỉnh đã mở 15 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ BCV, bồi dưỡng chuyên đề cho BCV cấp huyện và cơ sở. Các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện, thị xã, thành phố và Ban Tuyên giáo các đảng uỷ trực thuộc quan tâm chỉ đạo và trực tiếp tổ chức thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ BCV, bồi dưỡng chuyên đề cho BCV cấp huyện và cơ sở. Giảng viên trực tiếp giới thiệu các chuyên đề là các chuyên gia có uy tín, một số đơn vị đã tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ BCV và tổ chức cho BCV đi nghiên cứu thực tế ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm, các huyện trong tỉnh cũng đã gửi cán bộ đi đào tạo các lớp chuyên ngành công tác tư tưởng, chính trị học, xây dựng đội ngũ BCV không chỉ đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định về trình độ lý luận chính tri; phẩm chất, đạo đức; năng lực truyền cảm, mà ngày càng nâng cao về trình độ học vấn.

Thứ năm, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác TTM

Công cuộc đổi mới đất nước đang tiếp tục đi vào chiều sâu và có những đòi hỏi mới trong công tác tuyên truyền của Đảng. Cùng với tiến trình đổi mới, nhận thức của nhân dân ngày càng được nâng cao, cách tiếp cận thông tin cũng đòi hỏi nhanh nhậy, hiện đai và khoa học hơn. Do đó, việc sử dụng phương tiện truyền thông cũng ngày càng hiện đại hơn. Hoạt động BCV, công tác TTM ngày càng trở nên là kênh thông tin chính và quan trọng của Đảng, Nhà nước đòi hỏi điều kiện làm việc, hoạt động phải được đầu tư theo hướng hiện đại và khoa học.

Trong nhiều năm qua, cấp ủy các huyện trong tỉnh Thanh Hóa đã tâp trung tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang bị thêm phương tiện để báo cáo có điều kiện trong quá trình tuyên truyền. Ngoài việc, BCV được dự các buổi họp quan trọng của cấp ủy, của các ngành có liên quan đến chuyên đề BCV báo cáo, dự các hội nghị định kỳ do cấp trên tổ chức, các huyện ủy chú trọng tạo điều kiện về thời gian và kinh phí thỏa đáng cho BCV cấp huyện và cơ sở đi nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh, kể cả ở nước ngoài, giúp báo cáo viên mở rộng tầm hiểu biết thực tế và kinh nghiệm phong phú để nâng cao nghiệp vụ và tiếp cận, làm quen với cách thức truyền thông hiện đại.

Nhiều huyện đã trang bị máy vi tính nối mạng, máy ghi âm, máy ảnh, máy chiếu và vật tư văn phòng để BCV thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời thực hiện cung cấp đều đặn, cập nhật các tài liệu, tư liệu quan trọng cho BCV như: Tạp chí báo cáo viên, Tạp chí Tuyên giáo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Tạp chí Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân, Báo Thanh Hóa và Bản tin thông báo nội bộ của tỉnh. Ngoài ra, một số BCV được trang bị các văn kiện của Đảng như Văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam toàn tập; Văn kiện Đại hôi; “Hồ Chí Minh toàn tập” và các giáo trình, tài liệu chuyên đề khác, BCV có thể truy cập, tìm kiếm thông tin trong các kho dữ liệu của các cơ quan thông tin chính thống từ các phương tiện công nghệ thông tin được trang cấp. Tùy theo mức độ của thông tin, một số huyện ủy đã tạo điều kiện để BCV tiếp cận tài liệu phản biện, thông tin ngoài luồng xuyên tạc chống Đảng, Nhà nước, chế độ ta để thông qua hoạt động TTM. Qua đó, không cần chờ đến các buổi sinh hoạt định kỳ, mà ngay lập tức thông qua các phương tiện hiện đại, BCV có thể thông tin, giải thích cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu đúng bản chất sự việc, có tinh thần nâng cao cảnh giác cách mạng, góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa.

Trên đây là những giải pháp đã và đang được thực thi có hiệu quả trong hoạt động BCV cấp huyện ở Thanh Hóa. Hy vọng, sẽ được phát huy mạnh mẽ, đồng bộ hơn trong quá trình tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTM của các đảng bộ huyện trong tỉnh, góp phần ngày càng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền của Đảng trong tình hình mới.

Vũ Thị Diễm Hương 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất