Thứ Tư, 27/11/2024
Xã hội
Thứ Sáu, 3/4/2015 16:44'(GMT+7)

Thanh Hóa trước ngưỡng cửa của 5,5 triệu khách du lịch

Đồng chí Phạm Đăng Quyền.

Đồng chí Phạm Đăng Quyền.

Nhân Năm Du lịch quốc gia 2015-Thanh Hóa, Phóng viên (PV) đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Dưới đây là những nội dung chính.

PV: Xin đồng chí cho biết, tỉnh Thanh Hóa đã có những bước chuẩn bị và khởi động như thế nào để hướng đến Năm Du lịch quốc gia 2015?

Đồng chí Phạm Đăng Quyền: UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn toàn tỉnh tổ chức tuyên truyền sâu, rộng về ý nghĩa, tầm quan trọng về kinh tế và chính trị đối với việc đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2015 tại Thanh Hóa; dành nguồn vốn ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các trọng điểm du lịch như: Sầm Sơn, Thành nhà Hồ, Hàm Rồng, Lam Kinh, suối cá Cẩm Lương...

Đặc biệt, Thanh Hóa đã tập trung đầu tư và hoàn thành các hạng mục công trình trọng điểm phục vụ Năm Du lịch quốc gia: Dự án bảo tồn và phỏng dựng Chính điện Lam Kinh (với tổng mức đầu tư 162,172 tỷ đồng); công trình Nhà hát Lam Sơn (tổng mức đầu tư 163,3 tỷ đồng); công trình Trung tâm Triển lãm-Hội chợ-Quảng cáo (tổng mức đầu tư 436,4 tỷ đồng); dự án đầu tư xây dựng Đền thờ các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sĩ Hàm Rồng (tổng mức đầu tư 137,6 tỷ đồng); dự án hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại các khu du lịch trọng điểm…

Khu di tích lịch sử Lam Kinh-điểm đến hấp dẫn du khách trong việc kết nối tua du lịch văn hóa lịch sử xứ Thanh. (Ảnh: Châu Xuyên)

PV: Những năm gần đây, kinh tế nói chung, du lịch nói riêng ở Thanh Hóa đang chuyển mình, tuy nhiên những kết quả đạt được có phần chưa tương xứng với tiềm năng. Vậy xin đồng chí cho biết, để phát triển bền vững du lịch trên địa bàn cần đặt trọng tâm, trọng điểm vào những gì?

Đồng chí Phạm Đăng Quyền: Những năm qua, lượng khách du lịch đến Thanh Hóa không ngừng tăng lên. Tổng lượt khách năm 2014 đạt 4.536.000 lượt, tăng 10,9% so với năm 2013, (trong đó khách quốc tế là 100.675 lượt, tăng 18,5% so với năm 2013); tổng thu nhập từ du lịch đạt 3.690 tỷ đồng, tăng 24,7% so với năm 2013, trong đó tổng thu từ khách quốc tế 14.750.000USD… Song, đúng như nhìn nhận của các đồng chí, sự phát triển hiện nay của Thanh Hóa, nhất là về du lịch dịch vụ là chưa xứng với tiềm năng. Vì thế, chúng tôi tập trung chỉ đạo, đầu tư có trọng điểm những dự án tôn tạo các di tích văn hóa: Di sản thế giới Thành nhà Hồ, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (nâng cấp đường nội bộ khu di tích, tường thành, các tòa thái miếu…). Đặc biệt, việc nâng cấp quần thể di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (trận địa pháo đồi C4; công viên khảo cổ học Đông Sơn; xây dựng Tượng đài Hàm Rồng Chiến Thắng…) đã được tiến hành bài bản, tỉ mỉ với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử. Hy vọng quần thể di tích lịch sử này sẽ thu hút những chuyến hành hương về nguồn của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ trong việc học tập, giáo dục truyền thống dân tộc.

Việc đầu tư, tổ chức có chọn lọc các lễ hội truyền thống: Lam Kinh, Bà Triệu, du lịch biển kết hợp với việc khai thác các giá trị văn hóa, phong tục, tập quán, ẩm thực, các làn điệu dân ca, dân vũ… hy vọng sẽ "níu" chân du khách, nhất là khách quốc tế mỗi khi đến địa phương.

Chuẩn bị cho du lịch biển mùa hè này, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan tổ chức triển khai đề án sắp xếp, quản lý các dịch vụ du lịch tại đô thị du lịch biển Sầm Sơn, khu du lịch Hải Hòa, khu du lịch Hải Tiến; đề án phố đi bộ tại khu du lịch biển Sầm Sơn… nhằm hướng đến một sự thay đổi cơ bản về chất trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch tại các bãi biển trên địa bàn.

Ngoài ra, việc xây dựng các sản phẩm du lịch có thế mạnh khác cũng đang được đầu tư thực hiện như: Khai thác phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại xã Trí Nang, huyện Lang Chánh; du lịch sinh thái văn hóa miền núi tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, Vườn quốc gia Bến En… Xây dựng và khai thác các sản phẩm làng nghề du lịch: Nghề cói Nga Sơn, đúc đồng Thiệu Trung-Thiệu Hóa, nghề dệt thổ cẩm tại các bản vùng cao; khai thác và phát triển tuyến du lịch Sông Mã…

Chuẩn bị cho Năm Du lịch Quốc gia 2015, Thanh Hóa còn tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phục vụ và văn hóa giao tiếp ứng xử cho lao động trực tiếp và cộng đồng, nhằm hướng đến chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp cho du khách. Công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường cũng được các cơ quan chức năng trong tỉnh chuẩn bị các phương án nhằm bảo đảm phục vụ du khách một cách tốt nhất.

PV: Nếu xem Năm Du lịch Quốc gia 2015-Thanh Hóa là bước tạo đà thì tỉnh sẽ có những chiến lược, mục tiêu nào cho những năm tiếp theo nhằm thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch và nhất là nâng cao chất lượng dịch vụ?

Đồng chí Phạm Đăng Quyền: Năm Du lịch quốc gia 2015-Thanh Hóa là cơ hội lớn để xứ Thanh phấn đấu đón 5,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó, khách du lịch quốc tế là 125.000 lượt khách; tổng thu từ du lịch ước đạt 5.175 tỷ đồng. Để tiếp cận và vượt qua những con số trên, chúng tôi xác định: Các khu du lịch trọng điểm của tỉnh đã được lập quy hoạch và tiến hành đầu tư, tiếp tục nâng cấp nhằm làm thay đổi diện mạo các điểm đến, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận và sử dụng sản phẩm du lịch có chất lượng, nâng cao hiệu quả việc khai thác tài nguyên du lịch.

Việc thu hút, tạo điều kiện tối ưu cho các nhà đầu tư, cho những dự án kinh doanh du lịch cũng nằm trong chiến lược phát triển của Thanh Hóa. Tính riêng năm 2014, toàn tỉnh đã thu hút 20 dự án, trong đó hiện có 6 dự án được cấp phép và đang triển khai thực hiện, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 6 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số dự án kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh là 61 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 17,5 nghìn tỷ đồng.

Thanh Hóa sẽ kiên quyết chấm dứt tình trạng đeo bám, ép giá, bán hàng rong, ứng xử thiếu văn minh lịch sự đối với khách du lịch tại các khu du lịch trọng điểm; phấn đấu 100% các khu, điểm du lịch trọng điểm có nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Thanh Hóa quyết tầm hoàn thành các mục tiêu nêu trên để tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia 2015 và tạo đà đi lên cho du lịch, xây dựng du lịch thành một trong những mục tiêu trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới, góp phần để tỉnh Thanh Hóa phát triển xứng với tiềm năng.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Nam Thắng -  Đình Minh (thực hiện)

(Nguồn: QĐND)



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất