Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết: Bộ Y
tế vừa quyết định thành lập 5 đoàn kiểm tra phòng chống bệnh tay chân
miệng.
Các
đoàn kiểm tra sẽ bắt đầu làm việc từ tuần này, đặc biệt tại các tỉnh
thành có số mắc tay chân miệng cao trong 4 tháng đầu năm như: Thành phố
Hồ Chí Minh tăng 28,9%; Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 34,4%, Cà Mau tăng 15,5%;
Kon Tum tăng 69,7% và Đắk Lắk tăng 3,9%. Trong đợt kiểm tra này, Bộ Y tế
sẽ xem xét lại khả năng thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân tay chân
miệng của hệ thống điều trị.
Thống kê của Cục Y tế dự phòng
cho thấy, từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước đã ghi nhận 17.410 trường
hợp mắc tại hầu hết các tỉnh trên cả nước và ghi nhận 2 trường hợp tử
vong tại Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Mặc dù số mắc giảm 20% và số tử
vong giảm 5 trường hợp so với cùng kỳ năm 2013 nhưng hiện nay bệnh tay
chân miệng có số mắc cao tập trung ở khu vực miền Nam với 14.254 trường
hợp tương đương 83,5% tổng số ca mắc trên cả nước.
Ông Phu
nêu rõ: Tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng thường có số mắc bắt đầu tăng
cao từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Như vậy thời điểm
hiện nay là bắt đầu của vụ dịch. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa
trong khi điều kiện vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường của nước ta
chưa đảm bảo. Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc xin phòng bệnh nên
bệnh có thể bùng phát trong thời gian tới nếu không triển khai quyết
liệt các biện pháp phòng chống ngay từ đầu mùa.
Trước thực
trạng trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã ký văn bản yêu cầu sở
y tế các tỉnh, thành phố, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa nhi các tỉnh,
thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh tay chân miệng .
Theo
đó, các bệnh viện cần phân tuyến điều trị, tổ chức lọc bệnh nhân điều
trị ngoại trú và điều trị nội trú, thực hiện lưu đồ xử trí bệnh tay chân
miệng và củng cố nguồn lực cho đơn nguyên điều trị hồi sức bệnh ở tuyến
tỉnh. Đối với các bệnh viện tuyến cuối (như bệnh viện Bệnh nhiệt đới
Trung ương, Nhi Trung ương, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bệnh nhiệt đới Thành
phố Hồ Chí Minh), Bộ Y tế cũng yêu cầu rà soát các điều kiện về nhân
lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế
tại các đơn vị điều trị bệnh để tiếp nhận các ca bệnh nặng; đồng thời
tổ chức các kíp thường trực cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các
tỉnh theo địa bàn đã được phân công khi có yêu cầu…
Về tình
hình bệnh thủy đậu, Cục trưởng Trần Đắc Phu cho biết: Tại Việt Nam,
theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, số mắc trung bình hàng năm khoảng
30-40 nghìn trường hợp, bệnh thường nhẹ và hầu như không có tử vong.
Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước đã ghi nhận 16.380 trường hợp
mắc thủy đậu tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Số mắc tăng
cao hơn so với cùng kỳ 2013 (7.900 trường hợp mắc) nhưng vẫn thấp hơn
nhiều so với cùng kỳ năm 2008, năm có đợt dịch thủy đậu (22.821).
Hiện
nay, vắc xin thủy đậu được cung cấp đủ theo nhu cầu của người dân.Từ
đầu năm đến nay do nhu cầu người dân đi tiêm vắc xin phòng chống thủy
đậu tăng cao đột biến nên có lúc vắc xin không kịp nhập về để tiêm cho
người dân. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan làm
việc với các đơn vị cung ứng vắc xin khẩn trương nhập khẩu; đồng thời
chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng có kế hoạch đặt hàng để mua vắc xin tiêm
phòng phục vụ người dân một cách chủ động hơn. Hiện tại các công ty cung
ứng vắc xin đã cung cấp vắc xin và nhập bổ sung đủ để đáp ứng nhu cầu
của người dân./.
Theo TTXVN