Thứ Ba, 24/9/2024
Sức khỏe
Thứ Hai, 28/4/2014 15:9'(GMT+7)

Cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa các biện pháp dự phòng bệnh sởi

GS.TS Đào Văn Dũng.

GS.TS Đào Văn Dũng.


PV: Trước những diễn biến hết sức phức tạp của bệnh sởi, đồng chí có thể cho biết một số thông tin về bệnh sởi trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay?

GS.TS Đào Văn Dũng: Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra, chủ yếu lây qua đường hô hấp, có khả năng lây nhiễm rất cao, đặc biệt đối với trẻ chưa có miễn dịch với vi rút sởi. Việc phòng bệnh sởi theo biện pháp thông thường là rất khó khăn, tiêm vắc xin sởi là biện pháp hiệu quả nhất phòng bệnh sởi. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong giai đoạn 2000-2012, nhờ có vắc xin đã cứu sống cho 13,8 triệu trẻ em trên Thế giới. Tuy nhiên, sởi vẫn là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em, mỗi một giờ trôi qua trên toàn cầu có 14 trẻ tử vong do sởi.

Năm 2012 và 2013, dịch sởi trên thế giới diễn ra hết sức phức tạp với số mắc cao. Cụ thể năm 2012, trên toàn cầu ghi nhận 226.722 trường hợp mắc sởi. Trong năm 2013 và 2 tháng đầu năm 2014, ghi nhận 181.813 trường hợp mắc sởi, tập trung tại các khu vực châu Phi (78.922 trường hợp), Tây Thái Bình Dương (37.989 trường hợp), châu Âu (31.726 trường hợp), năm 2011 tại Công Gô ghi nhận 106.000 trường hợp mắc, 1.100 tử vong.

Tại các nước khu vực Tây Thái Bình Dương: năm 2013 cả khu vực ghi nhận 30.910 trường hợp mắc sởi, tăng gần 3 lần so với 2012. Riêng 2 tháng đầu năm 2014 đã có 11.139 trường hợp mắc sởi. Các nước có số mắc gia tăng trong 2 tháng năm 2014 là: Trung Quốc (6.104 mắc), năm 2013 Philippines có 3.706 mắc, 69 tử vong. 

Tại Việt Nam, các trường hợp bệnh sởi bắt đầu ghi nhận từ cuối năm 2013 tại các tỉnh miền núi phía Bắc: Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La. Tuy vậy, dịch bệnh tại các tỉnh này đã được khống chế do triển khai quyết liệt các biện pháp tiêm chủng. Từ đầu năm 2014 đến nay, có 3.126 trường hợp mắc sởi trên 8.441 người bị phát ban nghi mắc bệnh sởi. Phần lớn số mắc là trẻ em dưới 10 tuổi (76,5%), hầu hết ca mắc sởi là không được tiêm chủng hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng vắc xin sởi (87%). Số mắc rải rác trên diện rộng tại 61/63 tỉnh, thành phố, trong đó có nhiều tỉnh chỉ ghi nhận 1 đến 2 trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi. Tại một số tỉnh, thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội có số mắc cao nhưng ghi nhận rải rác, không có các ổ dịch tập trung, riêng số mắc sởi của thành phố Hà Nội chiếm 31,7% tổng số mắc của cả nước song rải rác ở 400/584 xã, phường tại 30/30 quận, huyện; hiện số mắc vẫn còn cao và giảm chậm. 
 
Về số lượng bệnh nhi tử vong, theo thông tin của Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế, tính đến ngày 27/4/2014, cả nước ghi nhận thêm 32 trường hợp mắc sởi xác định. Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 3.716 trường hợp mắc sởi xác định trong số 10.749 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố. Tích lũy năm 2014 ghi nhận 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 127 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi.

Các trường hợp nặng và tử vong liên quan là các bệnh nhân có các bệnh nặng sẵn có, hoặc bị nhiễm bệnh viêm phổi đi cùng hoặc bị biến chứng sau mắc bệnh sởi. Số tử vong chủ yếu ghi nhận tại các tỉnh miền Bắc, trong đó số trẻ tử vong do sởi tại Hà Nội chiếm khoảng 50%. Chưa ghi nhận trẻ em tử vong do sởi tại khu vực miền Nam.

Số trường hợp mắc sởi xác định tại các địa phương đã bắt đầu giảm dần song do số trẻ dưới 9 tháng tuổi không được tiêm vắc xin nên nguy cơ số mắc ở nhóm này khó giảm đồng thời có thể sẽ tiếp tục ghi nhận ca nặng. Số trường hợp sốt phát ban nghi sởi và số mắc sởi xác định tại các địa phương tiếp tục xu hướng chững lại và giảm. Trong ngày có 33 tỉnh, thành phố không ghi nhận ca mắc mới.

Theo báo cáo của các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur và chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới các chủng vi rút sởi gây bệnh tại Việt Nam cũng giống như chủng vi rút sởi gây bệnh tại Trung Quốc, Lào. Đến nay, chưa phát hiện sự biến đổi về gen cũng như độc lực của vi rút sởi.

PV: Đồng chí có thể đánh giá thế nào về công tác phòng, chống dịch vừa qua của ngành y, cũng như công tác thông tin tuyên truyền trên báo chí về dịch bệnh này?

GS.TS Đào Văn Dũng: Có thể nói, để ứng phó với dịch bệnh sởi, ngay từ đầu năm Bộ Y tế đã quyết liệt chỉ đạo, kịp thời như: Tham mưu Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị Tăng cường công tác phòng chống dịch sởi ngày 23/02/2014 với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đại diện các Bộ, ngành liên quan và UBND 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. 

Ngay sau Hội nghị, Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn công tác kiểm tra công tác triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi do Bộ Y tế ban hành tại các địa phương. Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành y tế triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó tập trung vào việc tăng cường giám sát để phát hiện, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch và tổ chức tiêm chủng phòng dịch. Đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ 30 máy thở từ nguồn dự trữ quốc gia cho bệnh viện, đồng thời cấp bổ sung kinh phí. Bộ Y tế cũng đã ban hành các công điện, công văn gửi chủ tịch UBND, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh sởi.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã tích cực chỉ đạo công tác giám sát, khoanh vùng, xử lý ổ dịch, điều trị, phân tuyến hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên tránh việc quá tải và lây lan bệnh dịch có sự tham gia của các đơn vị báo chí để đưa tin tình hình dịch bệnh và các hoạt động phòng chống. Tổ chức tập huấn cho cán bộ nâng cao năng lực về điều trị. Tổ chức tuyên truyền cho người dân đưa trẻ có biểu hiện bệnh đến các cơ sở y tế để được khám, điều trị.

Triển khai Kế hoạch tiêm vét vắc xin sởi cho trẻ của toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước; đồng loạt tổ chức thực hiện kế hoạch tiêm phòng chống dịch với số đối tượng tiêm khoảng 710.000 trẻ (trong đó bao gồm 300.000 trẻ 9 tháng tuổi tiêm chủng thường xuyên tháng 3-4/2014, riêng thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tiêm vét cho trẻ 9 tháng đến 3 tuổi).

Trong thời gian qua, các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực đưa các tin, bài phản ánh các hoạt động phòng, chống bệnh sởi, cũng như đã chỉ ra những bất cập trong hoạt động của Ngành Y tế cần được khắc phục.

PV: Thưa đồng chí, trước những nỗ lực của ngành y, hiện nay bệnh sởi vẫn chưa có dấu hiện được ngăn chặn, đẩy lùi. Vậy trong thời gian tới, cần phải thực hiện những công tác trọng tâm nào để hạn chế, kiểm soát hoàn toàn dịch sởi?

GS.TS Đào Văn Dũng: Để sớm kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh sởi trên phạm vi toàn quốc, không để sởi bùng phát thành dịch cũng như không còn trường hợp mắc mới bệnh sởi, công tác truyền thông phòng, chống bệnh sởi cần phải quyết liệt hơn nữa, trong đó, tập trung vào một số định hướng sau:

Thứ nhất, bám sát vào tinh thần Công văn số 5609-CV/BTGTW ngày 20/12/2013 của Ban Tuyên giáo Trung ương gửi Ban Cán sự Bộ Thông tin và truyền thông; các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương; Hội Nhà báo Việt Nam; Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương về việc đưa tin về Chương trình tiêm chủng mở rộng để thông tin kịp thời, đầy đủ và khách quan về công tác tiêm chủng nhằm định hướng đúng cho dư luận về lợi ích, hiệu quả và những điều cần lưu ý khi tham gia tiêm chủng nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về tiêm chủng nói chung và tiêm chủng phòng ngừa bệnh sởi, nói riêng; đồng thời, thông tin về những hoạt động của ngành Y tế trong việc đảm bảo an toàn tiêm chủng để người dân phối hợp thực hiện

Thứ hai, tăng cường tuyên truyền các nguyên tắc phòng, chống dịch, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh các biện pháp dự phòng bệnh sởi một cách cụ thể, chi tiết để hướng dẫn nhân dân thực hiện; đồng thời làm cho nhân dân hiểu rõ, cách dự phòng bệnh sởi tốt nhất là tiêm chủng cho trẻ trong độ tuổi quy định để mọi người đưa trẻ đi tiêm chủng, tiêm vét bảo đảm cho trẻ có miễn dịch với virut sởi; làm cho mọi ban, ngành, đoàn thể nhận thức đúng phòng, chống dịch bệnh nói chung, phòng, chống sởi nói riêng là trách nhiệm của mọi người, mọi ngành và toàn xã hội để cả hệ thống chính trị chung tay phòng, chống dịch, mà trước hết là dập tắt dịch sởi.

Thứ ba, nâng cao nhận thức trong nhân dân về tính chất nguy hiểm của bệnh sởi, các nguyên nhân dẫn đến tử vong do bệnh sởi. Đặc biệt nhấn mạnh đến tính chất lây lan của bệnh sởi và một trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong là do các bệnh lây nhiễm khác bị lây chéo trong bệnh viện (nhiễm khuẩn bệnh viện) do quá đông bệnh nhi trong cùng một thời điểm (quá tải bệnh viện) gây ra tử vong của bệnh nhân sởi; từ đó cần quyết liệt hơn nữa công tác điều phối, điều hành, phân loại bệnh khi quá tải bệnh nhi do sởi.

Thứ tư, tuyên truyền về sự phát triển của hệ thống y tế Việt Nam, nhất là mạng lưới y tế cơ sở để nhân dân tin tưởng đưa bệnh nhi đến khám, điều trị tại các tuyến nhằm giảm tải tại các bệnh viện tuyến trên như: Bệnh viện Nhi Trung ương và các bệnh viện Trung ương khác để tránh lây nhiễm sởi, cũng như lây nhiễm các bệnh khác gây nặng nề thêm cho bệnh nhi sởi dễ dẫn đến tử vong do bệnh nặng.

Thứ năm, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân các dấu hiệu chính của bệnh sởi để phát hiện sớm bệnh cũng như việc xử trí bước đầu một cách kịp thời và đúng hướng; đồng thời tuyên truyền phổ biến các bài thuốc hay từ dân gian, từ kho kinh nghiệm y học cổ truyền với những cây, con thuốc sẵn có tại cộng đồng để nhân dân sử dụng có hiệu quả chữa bệnh và xử trí bước đầu ngay tại cộng đồng, gia đình; 

Thứ sáu,
các đơn vị thông tin, truyền thông và báo chí Bộ Y tế đẩy mạnh truyền thông phòng chống bệnh sởi; kịp thời cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và phối hợp với các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền cho người dân hiểu về bệnh sởi, nguồn lây cũng như các biện pháp đề phòng; truyền thông cho người dân không hoang mang lo lắng, khi trẻ có bệnh đưa trẻ đến cơ sở khám chữa bệnh ban đầu, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện đối với trẻ. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đưa các thông điệp tuyên truyền tới nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc triển khai tiêm chủng các loại vắc xin phòng bệnh và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, đặc biệt là tiêm vắc xin phòng bệnh sởi.

Thứ bảy, tăng cường tuyên truyền nêu gương những cán bộ y tế tận tụy ngày đêm vì sự nghiệp chăm sóc, cứu chữa bệnh nhi trong những ngày cao điểm của chiến dịch phòng, chống bệnh sởi cùng với việc phê phán những hành động không khẩn trương, không kịp thời phòng, chống bệnh để góp phần khống chế bệnh, tiến tới dập tắt bệnh sởi trong thời gian nhanh nhất có thể.

PV: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này.

PV(thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất