Thứ Hai, 30/9/2024
Đời sống
Thứ Năm, 3/11/2011 14:52'(GMT+7)

Thanh niên Sơn La với việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong trang phục thời hội nhập

Một thực tế cho thấy rằng, một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên các dân tộc thiểu số hiện nay có tâm lý e ngại, thậm trí mặc cảm tự ty khi sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình trong giao tiếp xã hội. Các em sợ bị mọi người trê mình là người “dân tộc”, mình cổ hủ, lạc hậu. Một người dân tộc Thái, Mông hay Dao... có gì là xấu, họ cũng đẹp và cũng giỏi dang như bao người khác. Một em dân tộc Dao tiền (17 tuổi) ở Mộc Châu cho biết, em mới được mẹ làm cho một bộ y phục truyền thống của dân tộc mình. Bộ y phục được khâu, thêu rất kỳ công, mất khá nhiều thời gian. Tuy nhiên em không thể mặc nó thường xuyên vì vướng víu khi lao động hoặc đi xe trên đường hằng ngày cảm thấy mình lạc lõng, chỉ những ngày lễ, tết em mới mang ra mặc thôi. Em nói vậy, nhưng chúng ta vẫn thường thấy rằng, thay bằng những bộ trang phục dân tộc thì những bộ trang phục hiện đại vẫn thường xuất hiện khá nhiều trong các lễ hội truyền thống. Tôi không giám nói các bạn mặc những bộ trang phục hiện đại trong các lễ hội truyền thống là không đẹp, nhưng một bộ váy cưới mặc trong 1 đám tang hay một bộ đồ ngủ đứng trước một diễn đàn - đó có được coi là đẹp. Vô hình chung các thanh thiếu niên này đang giấu đi cội nguồn gốc rễ của mình.

Tại sao lại có tâm lý e ngại đó? Phải chăng bộ y phục đó không đẹp? một bộ trang phục đẹp cần những yếu tố nào? Theo tôi trang phục có văn hoá, hợp thời trang, hợp với hoàn cảnh không gian và thời gian, hợp mục đích sử dụng nó là đẹp. Nếu như chỉ nhìn nhận cái áo, cái quần ở góc độ là vật che thân đơn thuần tức là chỉ nhìn bằng con mắt thực dụng. Bởi nó có ý nghĩa sâu sắc về VHXH, lịch sử phát triển của một dân tộc. Qua những đường kim mũi chỉ, chi tiết hoa văn, màu sắc, chất liệu vải...phản ánh quan niệm về: sự hòa hợp trường tồn của cuộc sống, quan niệm về vũ trụ, triết lý âm dương, đất trời cùng vạn vật. Tính cần cù, bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú, sự tinh tế trong việc sử dụng màu sắc, bố cục. Và trang phục đó càng đẹp hơn, toả sáng hơn, trong những điệu múa Xoè hoa (Thái), Au eo (Khơ mú), Nhảy khèn (Mông)...cái mà “một người đi thấy nhớ, ở không muốn về”. Trang phục dân tộc đẹp, có văn hoá, phù hợp. Điều này đã được cả xã hội công nhận, tôn vinh. Tại sao chúng ta không giữ gìn nó và không khoác lên bộ y phục của dân tộc mình và tự hào rằng: Tôi là người Việt Nam.

Một thực trạng nữa đang diễn ra, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Sơn La đang có xu hướng bị hiện đại hoá, đơn giản hoá, đặc biệt trang phục của Nam giới hầu như không còn nguyên vẹn (trừ trang phục của thầy cúng). Những người cao tuổi cũng chỉ biết “diện” trang phục đó thường xuyên, chứ cũng không biết làm thế nào để duy trì và phổ biến nó tới giới trẻ. Những người làm công tác bảo tồn cũng chưa thực sự đánh giá đúng mức giá trị, vai trò của trang phục dân tộc trong cuộc sống hiện tại. Các trang phục biểu diễn thường cách điệu khá xa so với nguyên bản về kiểu dáng, màu sắc...đành rằng trên sân khấu cần có sự chắt lọc hình tượng hoá. Nhưng sự cách điệu quá xa này, khiến người xem mất phương hướng để nhận diện trang phục gốc của một dân tộc, gây ra những mỹ cảm lệch lạc về văn hoá. Tại sao nhữngngười yêu văn hoá ở khắp mọi nơi tìm đến với chúng ta để một lần được khoác lên mình những bộ trang phục dân tộc đó, cái mà góp phần làm nên nét độc đáo, sự riêng biệt của Sơn La, thì chúng ta những người đang được thụ hưởng các giá trị văn hoá đặc sắc đó lại thờ ơ và đang dần đánh mất nó.

Đứng trước việc các giá trị văn hóa truyền thống nói chung, trang phục nói riêng của các dân tộc thiểu số trong tỉnh đang có nguy cơ mai một, lai căng, không giữ được nguyên bản. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể cũng đã quan tâm tạo điều kiện trong công tác bảo tồn, giữ gìn nét đẹp trang phục trên địa bàn tỉnh bằng việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về nét đẹp văn hoá Sơn La, phục hồi lại các lễ hội truyền thống như: Xên bản xên mường (Thái), Nào Sồng (Mông), Xên Pang Ả (Kháng), lễ hội Mợi (Mường)... bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan, phát huy tinh thần “hòa nhập mà không hòa tan” của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Đứng trước thực trạng đó, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp nhằm giữ gìn, phát huy, bản sắc văn hoá dân tộc trong trang phục thời hội nhập như sau:

Một là, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua diễn đàn, tuyên truyền miệng đến mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là thanh niên về những giá trị truyền thống cần được giữ gìn, bảo tồn, phát huy;

Hai là, Đoàn thanh niên cần tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc thi: trình diễn trang phục dân tộc; học sinh, sinh viên thanh lịch; các kỳ hội diễn; các cuộc thi tìm hiểu nét đẹp văn hoá Sơn La...;

Ba là, Phục dựng lại các lễ hội văn hoá truyền thống, tổ chức các hoạt động văn hoá cộng đồng như: chợ phiên, chợ tình, tết độc lập 2-9...; mở các lớp tập huấn về những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; khuyến khích các làng nghề thủ công phát triển, đặc biệt là nghề diệt thổ cẩm.

Bốn là, Tích cực tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học, trong các khoá luận tốt nghiệp, luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ...lưu giữ lại những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong đó có trang phục dân tộc./.

Hoàng Trọng Đại – BTG tỉnh ủy Sơn La

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất