Thứ Tư, 27/11/2024
Y tế - Dân số
Chủ Nhật, 8/11/2015 9:54'(GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện vệ tinh đang dần thay đổi nhận thức người dân

Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập trong quá trình thực hiện đề án cần có sự nỗ lực của các ngành, địa phương tháo gỡ để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh, giúp người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế tốt nhất. 

Thành công lớn nhất mà đề án bệnh viện vệ tinh mang lại là khoảng cách về chất lượng khám chữa bệnh giữa bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới ngày càng được rút ngắn. Điều này được thể hiện thông qua các gói kỹ thuật mà bệnh viện tuyến dưới được chuyển giao, bệnh nhân chuyển viện giảm, người bệnh được thụ hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao… Đồng thời đề án đã tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới trong công tác khám chữa bệnh cho người dân 

* Người dân được thụ hưởng các kỹ thuật chuyên sâu 

Giai đoạn 2013 -2015, tại khu vực phía Nam có 11 tỉnh, thành tham gia đề án bệnh viện vệ tinh. Theo đề án, đội ngũ bác sĩ giỏi thuộc các bệnh viện hạt nhân (là bệnh viện tuyến trên có đủ năng lực được giao nhiệm vụ phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh) xây dựng chương trình đào tạo các gói kỹ thuật thuộc 5 chuyên khoa: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi cho các bác sĩ thuộc bệnh viện vệ tinh (là bệnh viện tuyến tỉnh hoặc tuyến tỉnh có 1 hoặc nhiều khoa được bệnh viện hạt nhân hỗ trợ đào tạo). Đến nay, có hơn 632 lượt cán bộ y tế thuộc các bệnh viện vệ tinh khu vực phía Nam được đào tạo và đã có hơn 250 kỹ thuật cao được chuyển giao. 

Bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Các bệnh viện vệ tinh được chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện hạt nhân có thể tự thực hiện được tại chỗ đạt trên 95% các kỹ thuật đã được chuyển giao như: Mổ lấy thai, cấp cứu sản khoa, phẫu thuật cột sống, hồi sức sơ sinh chuyên sâu, xạ trị, rắn cắn… Số lượt bệnh nhân tiếp nhận điều trị tăng cao và giảm 70% chuyển viện đối với những kỹ thuật chuyên môn đã được chuyển giao từ bệnh viện hạt nhân. 

Được đánh giá là một trong những bệnh viện vệ tinh phía Nam thực hiện tốt đề án bệnh viện vệ tinh, đến nay, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ đã được chuyển giao 17 gói kỹ thuật cao. Trong đó có những kỹ thuật khó đã được các bác sĩ tại đây thực hiện thành thạo như phẫu thuật ung thư cổ tử cung, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật đầu cổ, kỹ thuật xạ trị trong suất liều cao, kỹ thuật xạ trị ngoài các bệnh lý ung thư… Qua đó, uy tín của bệnh viện được nâng lên, tạo được sức hút đối với người bệnh trong vùng. Tuy chưa phải là bệnh viện khu vực nhưng có đến 67% bệnh nhân từ các tỉnh lân cận đến khám và điều trị. 

Vài tháng trước, ông Trần Quốc Bửu (sinh năm 1953, sống tại Hậu Giang) phát hiện mình bị khối u trực tràng. Sau khi mổ lấy khối u tại Bệnh viện Đa Khoa Cần Thơ ông được chuyển qua Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ để tiếp tục xạ trị. “Sau khi mổ, nếu các bệnh viện ở Cần Thơ chưa thực hiện kỹ thuật xạ trị tôi phải lên thành phố để tiếp tục điều trị. May mắn cho tôi là Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ đã làm được kỹ thuật này. Hàng tuần, tôi tự đón xe khách lên bệnh viện xạ trị 5 ngày, cuối tuần lại về nhà. Việc đi lại thuận tiện, đỡ nhiều chi phí, hơn nữa các bác sĩ ở đây chăm sóc người bệnh rất tận tình, chu đáo. Nếu lên Thành phố Hồ Chí Minh để điều trị chi phí sẽ nặng hơn lại xa gia đình và làm phiền người thân” – ông Bửu chia sẻ. 

Theo Bác sĩ Nguyễn Quang Tiến - Trưởng Khoa Ngoại – Bệnh viện Nhi Cần Thơ: Chúng tôi được nhận chuyển giao 8 gói kỹ thuật trong đó có gói nắn xương dưới màn chắn sáng (C – Am) đã tạo ra bước chuyển rất lớn trong hình thức phẫu thuật các tai nạn gãy xương của bệnh viện từ mổ lớn chuyển sang mổ nhỏ, từ mổ hở chuyển sang mổ kín. Tức là thay vì mổ hở như trước đây, các bác sĩ chỉ mở một lỗ nhỏ rồi thực hiện việc nắn chỉnh xương và đóng đinh dưới màn hình tăng sáng. Do vậy đã tránh được các biến chứng như nhiễm khuẩn cũng như hạn chế tối đa phương tiện dụng cụ đặt trong vùng ổ gãy hở, không cản trở và làm tổn thương phần mềm vùng lân cận quanh vết thương. Bên cạnh đó, thời gian điều trị tại bệnh viện nhanh hơn, chỉ sau 3 ngày bệnh nhân có thể về nhà (nếu mổ hở phải mất 5 ngày) và sau 1 – 2 tháng có thể vận động lại như bình thường. 

* Liên kết trong công tác khám chữa bệnh 

Tham gia đề án, các bệnh viện vệ tinh có được cam kết của bệnh viện hạt nhân trong việc đào tạo chuyển giao các gói kỹ thuật cao. Sau đề án, các bệnh viện vệ tinh vẫn được bệnh viện hạt nhân tư vấn, hỗ trợ khi gặp các trở ngại trong công tác khám chữa bệnh. Đồng thời, thông qua đề án, việc phối hợp quản lý bệnh nhân chuyển tuyến giữa bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới đã diễn ra ngày càng tốt hơn theo hướng có lợi cho bệnh nhân. 

Theo Bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, đề án bệnh viện vệ tinh đã tạo ra sự hợp tác chặt chẽ giữa bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới. Tức là dù kết thúc đề án hay không nằm trong các gói kỹ thuật được chuyển giao, bất cứ khi nào bệnh viện tuyến dưới có vướng mắc về chuyên môn vẫn luôn được bệnh viện tuyến trên nhiệt tình hỗ trợ thông qua việc sử dụng công nghệ dự đoán bệnh qua hình ảnh (Telemedicine); hoặc thậm chí bệnh viện tuyến dưới có thể mời bác sĩ bệnh viện tuyến trên (vốn là bệnh viện hạt nhân của họ) đến hỗ trợ phẫu thuật, thay vì trước đây khi gặp các trường hợp vượt quá khả năng bệnh viện tuyến dưới phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên xử lý. 

Phần lớn việc chuyển viện thường diễn ra một chiều, bệnh nhân ở tuyến dưới được chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Và khi đã chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, bệnh viện tuyến dưới rơi và tình trạng “mất dấu” bệnh nhân. Thế nhưng, khi thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh việc chuyển viện đã diễn ra theo cả hai chiều. Việc chuyển bệnh nhân giữa Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đa khoa Trung Tâm Tiền Giang là một ví dụ điển hình. 

Bác sĩ Dương Phong – Phó trưởng Khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Tiền Giang cho biết: Hiện tại bệnh viện đang điều trị nhiều bệnh nhân được chuyển viện từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Những bệnh nhân này vốn được bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang sau khi sơ cứu đã chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy. Sau khi được cấp cứu qua cơn nguy kịch họ lại được Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển về lại Tiền Giang điều trị. Như vậy, bệnh nhân được tạo mọi điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Thông qua hồ sơ bệnh án mà Bệnh viện Chợ Rẫy gửi lại, bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang nắm được quy trình chữa bệnh cũng như các kỹ thuật được sử dụng để cứu chữa bệnh nhân. 

Việc tham gia đề án bệnh viện vệ tinh mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân và các bệnh viện tuyến dưới. Do vậy, các tỉnh, thành phía Nam cần tranh thủ tham gia đề án bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế để góp phần giảm tải tuyến trên đồng thời có cơ hội phát triển mạng lưới y tế của địa phương. 

Lan Phương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất