Thứ Năm, 19/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Hai, 6/5/2019 17:50'(GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh: Chú trọng thực hiện nhiệm vụ xây dựng con người

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trong buổi làm việc với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết 33

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trong buổi làm việc với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết 33

 

QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT 33 GẮN VỚI CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ

Nhận thức tầm quan trọng của Nghị quyết số 33, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức 2 lớp triển khai trực tuyến cho cán bộ ngành Tuyên giáo, văn nghệ sĩ thành phố. Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tổ chức triển khai học tập, quán triệt nghiêm túc trong toàn Đảng bộ thành phố; tổ chức lớp đặc biệt triển khai Nghị quyết cho đối tượng đảng viên khối văn học, nghệ thuật, các văn nghệ sĩ tiêu biểu của thành phố, cán bộ ngành văn hóa, trung tâm văn hóa. Cùng với đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 33 trong cán bộ, đảng viên và tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân thành phố với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Toàn Đảng bộ thành phố đã thực hiện 1.997 lớp triển khai Nghị quyết 33 cho 177.278 đảng viên tham dự (tỷ lệ đạt 91,33%).

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 33, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình hành động số 45-CTHĐ/TU về Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trong đó, tập trung vào một số nội dung cơ bản: 1) Đánh giá sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người thành phố Hồ Chí Minh sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. 2) Đề ra 6 mục tiêu chủ yếu: xây dựng và phát triển văn hóa, con người thành phố Hồ Chí Minh - Việt Nam phát triển toàn diện; hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người thành phố Hồ Chí Minh - Việt Nam; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; góp phần hoàn thiện thể chế, chế định pháp lý và phát triển các thiết chế văn hóa; xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa; từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa nội thành và ngoại thành, giữa các khu vực dân cư và các giai tầng xã hội. 3) Đề ra 6 nhiệm vụ trung tâm và giải pháp: Xây dựng con người thành phố phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa thành phố và chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Tiếp đó, ngày 21/9/2015, Ủy ban nhân dân thành phố đã ra Quyết định số 5338/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 33. Kế hoạch gồm 3 mục tiêu trọng tâm: 1) Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, cả thể chất lẫn trí tuệ, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 2) Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống văn hóa - nếp sống văn minh đô thị, tác phong công nghiệp với những đặc tính cơ bản: yêu nước, năng động, nhân ái, nghĩa tình, tôn trọng kỷ cương, pháp luật, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. 3) Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa lành mạnh, đô thị văn minh, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, chú ý đến yếu tố văn hóa và con người thành phố trong phát triển kinh tế. Đồng thời, Kế hoạch cũng đề ra 8 chương trình hành động cụ thể: Phát động phong trào xây dựng Gia đình văn hóa gắn liền với xây dựng con người văn hóa; xây dựng tiêu chí – phẩm chất đặc trưng công dân Thành phố Hồ Chí Minh Văn minh - Lịch sự - Nhân ái - Nghĩa tình; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị; xây dựng văn hóa kinh tế - doanh nghiệp; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa và chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại.

Cùng với việc triển khai Nghị quyết số 33, Chương trình hành động số 45-CTHĐ/TU, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; về xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới; về chống sự xâm nhập của sản phẩm văn hóa độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội… Đồng thời, việc thực hiện Nghị quyết số 33 và Chương trình hành động số 45-CTHĐ/TU được các sở, ngành, quận, huyện, tổ chức chính trị - xã hội gắn với Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33, nhằm xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp. Các quận, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn quận, huyện, nhằm tổ chức thực hiện các nội dung hoạt động liên quan đến việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cũng đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chức năng, vai trò, vị trí văn hóa; tuyên truyền các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 33, Chương trình hành động số 45-CTr/TU của Thành ủy, Quyết định số 5338/QĐ-UBND bằng nhiều hình thức tuyên truyền cổ động trực quan như khẩu hiệu, triển lãm hình ảnh, văn nghệ tuyên truyền, tổ chức liên hoan, hội diễn, hội thi, chiếu phim, chương trình biểu diễn nghệ thuật, ca múa nhạc tổng hợp... Hệ thống truyền thanh quận, huyện và các phường, xã, thị trấn đảm bảo tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước nói chung, về văn hóa nói riêng đến quần chúng nhân dân. Ngoài ra, tại các ấp - khu phố có trang bị tủ sách với nhiều đầu sách liên quan đến xây dựng đời sống văn hóa, giáo dục đạo đức xă hội, nâng cao văn hóa đọc, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng.

Việc triển khai Nghị quyết 33, thực hiện nhiệm vụ xây dựng con người thành phố Văn minh - Lịch sự - Nhân ái - Nghĩa tình đã tạo điều kiện nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, làm cho văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

XÂY DỰNG CON NGƯỜI THÀNH PHỐ VĂN MINH -  LỊCH SỰ - NHÂN ÁI - NGHĨA TÌNH

Xây dựng con người thành phố với tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội đồng thời mang những nét đặc trưng nhân ái, nghĩa tình được xác định là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, vừa cơ bản, vừa lâu dài của Đảng bộ và nhân dân thành phố. Trước hết, đó là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự gương mẫu về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Quán triệt sâu sắc nhiệm vụ đó, Ban Thường vụ Thành ủy tập trung chỉ đạo thực hiện cuộc vận động tu dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống lành mạnh trong cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, với Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, Đài Truyền hình thành phố, Đài tiếng nói nhân dân thành phố, Nxb. Trẻ, Nxb. Tổng hợp và các cơ quan báo chí thành phố… tổ chức thực hiện tuyên truyền, quảng bá việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên “Thư viện sách điện tử về Chủ tịch Hồ Chí Minh”, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm, ấn phẩm của Bác Hồ; các ấn phẩm, tác phẩm của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu viết về Bác Hồ; các tác phẩm, ấn phẩm có nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các gương tập thể, cá nhân thực hiện tốt việc học tập và làm theo Bác Hồ trên địa bàn thành phố.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các cấp ủy Đảng, ban, ngành, đoàn thể cụ thể hóa thành các tiêu chí, tiêu chuẩn, hướng dẫn cán bộ, đảng viên và vận động nhân dân đăng ký thực hiện làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nhất là nêu cao vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ chủ chốt các cấp, góp phần giáo dục, ngăn ngừa suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Từ năm 2008 đến nay, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã chủ trì tổ chức 4 đợt trao Giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (là thành phố duy nhất cùng Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Giải thưởng) với hàng nghìn tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao được công chúng ghi nhận được xét giải thưởng ở vòng chung khảo[1].

Trong 5 năm qua, thành phố cũng đã đầu tư cho nhiều bộ phim tài liệu, vở diễn sân khấu về truyền thống cách mạng, về Bác Hồ kính yêu lưu diễn phục vụ cho cán bộ, đảng viên, nhân dân thành phố và nhiều tỉnh, thành phía Nam nhằm tuyên truyền, giáo dục đạo đức con người như: Phim tài liệu, 9 tập: “50 năm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Di chúc Bác Hồ”; các vở kịch: “Dấu xưa”, “Bức chân dung huyền thoại” “Rặng Trâm bầu”; “Châu về hợp phố”, “Cánh đồng rực lửa”…

Đảng bộ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp quan tâm bồi dưỡng, giáo dục về chủ nghĩa xã hội, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân. Nhiều phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động được tổ chức rộng khắp từ thành phố đến cơ sở như: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; chương trình mục tiêu 3 giảm; đền ơn đáp nghĩa; uống nước nhớ nguồn, thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo; chung sức xây dựng nông thôn mới; khuyến học - khuyến tài; giảm nghèo, tăng hộ khá; thực hiện chính sách an sinh xã hội; chăm lo người nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, công nhân, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn… Nhất là, phong trào thi đua xây dựng con người mới gắn với đặc thù riêng của từng ngành, từng giới, trong từng giai đoạn, với sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố đã góp phần cổ vũ, động viên nhân dân thành phố vượt qua khó khăn, thách thức, tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Qua các phong trào, các cuộc vận động đã xuất hiện nhiều gương sáng đảng viên, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, trong mọi tầng lớp, lứa tuổi được tôn vinh, nhân rộng qua các phương tiện truyền thông.

Thành phố cũng thực hiện tốt chiến lược phát triển gia đình Việt Nam - nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Đã chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau, góp phần phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Hng năm, đã tổ chức ngày hội Gia đình Việt Nam 28/6 với các hoạt động phong phú như: Hội thi Karaoke, tìm hiểu kiến thức về gia đình, thi nấu ăn và tổ chức sinh hoạt chuyên đề nhân ngày Quốc tế hạnh phúc, hành động quốc gia phòng chống bạo lực gia đình... Thông qua đó, tạo sự gắn kết giữa các thành viên gia đình với nhau, xây dựng gia đình bình đẳng, hạnh phúc không có bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị, Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được quan tâm thực hiện, tạo dư luận đồng tình và sự hưởng ứng trong nhân dân. Các quận, huyện tổ chức hướng dẫn, vận động nhân dân, các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, dân gian chấp hành tốt các quy định chung; vận động nhân dân giảm việc đốt nhang, vàng mã, tiết kiệm giúp đỡ người nghèo, làm việc từ thiện. Đồng thời, kiên quyết ngăn chặn tình trạng xin xăm, bói toán; thực hiện tốt việc xây dựng nếp sống văn hóa cơ sở nhằm giảm bớt và tiến tới xóa hẳn các tập tục lạc hậu, mê tín không phù hợp nếp sống văn minh...

Việc giới thiệu âm nhạc truyền thống vào các trường học được triển khai đồng bộ; theo đó, nhiều trường học trang bị các nhạc cụ dân tộc trong phòng âm nhạc để giới thiệu cho học sinh nhằm định hướng thẩm mỹ nghệ thuật và phát huy, giữ gìn giá trị nghệ thuật truyền thống. Trung tâm văn hóa thành phố đã phối hợp với các trường học giới thiệu sách mới, trích đoạn đờn ca tài tử đến giáo viên, học sinh; giới thiệu nghệ thuật tuồng cổ đến học sinh ở các Trung tâm Hoa văn (Quận 5); thường xuyên tổ chức triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật để quần chúng thưởng lãm; vận động giới trẻ tham gia đọc “100 quyển sách thanh thiếu nhi thành phố nên đọc”. Một số Nhà thiếu nhi các quận, huyện được đầu tư xây dựng phòng chiếu phim 3D, các sân khấu phục vụ miễn phí cho thanh thiếu nhi. Các môn năng khiếu, giáo dục thẩm mỹ được chiêu sinh rộng rãi tại các cơ sở các Trung tâm văn hóa, Trung tâm thể dục thể thao, Nhà thiếu nhi, các câu lạc bộ, hội quán trên địa bàn thành phố...

Thông qua hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, các quận, huyện đều lồng ghép nội dung tuyên truyền nhằm bồi đắp lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đồng thời, tạo nhiều hoạt động có ý nghĩa cho thanh niên, học sinh tham gia. Cụ thể như liên hoan sử ca học đường; thi tìm hiểu lịch sử Việt Nam, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhằm xây dựng con người có tri thức, nhận thức khoa học, hướng tới chân - thiện- mỹ. Các lễ hội Đèn hoa, Nguyên tiêu, Ngày Hội toàn thắng, biểu diễn Lân Sư Rồng, Tết Trung Thu, Lễ hội tình thương “Ân đức sinh thành”; triển lãm tranh, tổ chức diễu hành, biểu diễn nghệ thuật, hóa trang, múa Lân Sư Rồng, nhạc lễ cổ truyền… thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham dự, trong đó có sự tham gia nhiệt tình của thanh thiếu niên thành phố.

Các phong trào thi đua yêu nước, phong trào hành động cách mạng của thành phố, của địa phương, cơ quan, đơn vị được đẩy mạnh. Cùng với đó là việc triển khai thực hiện cụ thể hóa, xây dựng chuẩn mực thực hiện mục tiêu xây dựng con người mới với 5 đức tính cơ bản, phù hợp với từng ngành, từng giới... Từ đó, những nét mới trong giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức của người dân thành phố từng bước được hình thành và phát huy, hướng tới văn minh, hiện đại, tác phong công nghiệp, nếp sống đô thị. Tinh thần yêu nước, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình và ý chí vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu được phát huy mạnh mẽ. Đặc biệt, đức tính nghĩa tình, nhân ái của người dân thành phố ngày càng thể hiện rõ nét trong tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, tác động tích cực đến đời sống nhân dân, nhất là đối với các gia đình chính sách, đồng bào nghèo, công nhân, sinh viên... Cùng với đó, các phong trào, các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội... được huy động đã phát huy sức mạnh toàn xã hội chăm lo cho đời sống của nhân dân, không chỉ thể hiện tính nhân văn sâu sắc mà còn góp phần bồi đắp lý tưởng, nhân cách sống, phát huy truyền thống tốt đẹp của nhân dân thành phố.

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nói chung và xây dựng con người thành phố Văn minh - Lịch sự - Nhân ái - Nghĩa tình nói riêng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít những hạn chế cần phải khắc phục. Đó là, việc xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa định hình được hình mẫu con người văn hóa trong thời đại mới; tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị suy thoái làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, lệch lạc nhận thức về giá trị nhân cách ở một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên còn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bất bình trong xã hội. Trong khi đó, tình trạng mê tín dị đoan chưa được ngăn chặn hiệu quả, hình thức sinh hoạt văn hóa “tâm linh” trong một bộ phận nhân dân và cán bộ, công chức, đảng viên thể hiện sự suy giảm lòng tin đối với con người và đạo đức xã hội…

Nguyên nhân của những hạn chế đó là do nền tảng, giá trị văn hóa trong xã hội và gia đình đã có nhiều biến đổi nhưng ứng xử giữa người với người, giữa những thành viên trong gia đình chưa kịp biến đổi thích nghi, dẫn đến sự thiếu thông cảm, sẻ chia, xung đột ý thức hệ giữa nhiều thành phần xã hội và nhiều thế hệ với nhau. Văn học, nghệ thuật chưa có những tác phẩm mang tính định hướng xây dựng con người văn hóa trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, áp lực trong cuộc sống mưu sinh khiến yếu tố, phạm trù đạo đức, văn hóa bị xem nhẹ. Trong khi đó, các phong trào thi đua yêu nước có lúc, có nơi còn hình thức, chạy theo thành tích, chưa gắn kết chặt chẽ với giáo dục chủ nghĩa yêu nước, hiệu quả giáo dục chưa cao. Công tác tổng kết đánh giá kết quả, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua yêu nước của một số đơn vị cơ sở chưa được xem trọng, thiếu tính thuyết phục, chưa có nhiều giải pháp mang tính đột phá để thúc đẩy phong trào.

Từ những kết quả đạt được sau 5 năm triển khai Nghị quyết 33, Chương trình hành động số 45-CTHĐ/TU, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về văn hóa; trong đó có nhiệm vụ xây dựng con người thành phố Văn minh - Lịch sự - Nhân ái - Nghĩa tình, có thể nói nhận thức về vai trò, vị trí quan trọng của nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa của các cấp ủy Đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố được nâng lên rõ rệt. Kiến thức, tư duy văn hóa của cán bộ lãnh đạo, quản lý được nâng cao thông qua quá trình công tác và nỗ lực trau dồi, cập nhật kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ...

Trong triển khai, cấp ủy, chính quyền, ban, ngành chức năng trên địa bàn thành phố đã chú trọng hơn nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng phẩm chất con người mới thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn liền với xây dựng nếp sống văn minh đô thị, với việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ… thể hiện rõ trong nhận thức và hành động. Đức tính nghĩa tình từng bước trở thành nét văn hóa phổ biến, đặc trưng của người dân thành phố, thể hiện qua nhiều phong trào thi đua, các cuộc vận động.

Việc thực hiện Nghị quyết số 33, xây dựng con người thành phố Văn minh - Lịch sự - Nhân ái - Nghĩa tình đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, đi vào chiều sâu, thông qua các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố, Nghị quyết đại hội Đảng các cấp; kế hoạch hàng năm của cấp ủy, ban, ngành, đoàn thể. Cùng với sự phát triển về kinh tế, nhiều nội dung xây dựng và phát triển văn hóa được đề ra và triển khai thực hiện nghiêm túc, nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần nghị quyết, chỉ thị của Đảng, phấn đấu phát triển văn hóa theo hướng văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị văn hóa mang nét đặc trưng của nhân dân thành phố mang tên Bác. Đồng thời, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trên tinh thần “Đổi mới - Sáng tạo để xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, hiện đại”, để xây dựng “con người thành phố Văn minh - Lịch sự - Nhân ái - Nghĩa tình”./.

Trong buổi làm việc giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI tại thành phố Hồ Chí Minh sáng ngày 20/4, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người luôn đòi hỏi cả việc xây và chống, trong đó xây là cơ bản, còn chống phải quyết liệt. Thành phố cần nỗ lực hơn nữa để đạt được những kết quả tốt hơn, tương xứng với tiềm lực của thành phố và yêu cầu phát triển bền vững. Thành phố phải là nơi đóng góp để hoàn thiện đường lối của Đảng, kinh nghiệm về thực hiện các mô hình hay nhân rộng cho cả nước”.

Thân Thị Thư

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

 



[1] Năm 2015, có 32 tác phẩm và 8 tập thể, 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá được trao giải; năm 2018, có 32 tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí; 8 tập thể, 3 cá nhân được trao giải và khen tặng 13 các đơn vị, cá nhân có thành tích trong sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật của các quận ủy, huyện ủy và Đảng ủy cấp trên cơ sở, đoàn thể.

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất