ĐÃ CÓ TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH NÔNG THÔN MỚI NHƯNG CHƯA CÓ TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH ĐÔ THỊ VĂN MINH
Tháng 11/2015, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt
Nam phát động trên phạm vi toàn quốc cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết
xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" trên cơ sở kế thừa, phát triển
từ các cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu
dân cư", "Ngày vì người nghèo" và các phong trào, cuộc vận động khác
đang diễn ra ở cơ sở, cộng đồng dân cư.
Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, ngay sau
khi phát động, cuộc vận động đã nhận được sự chỉ đạo kịp thời của Đảng,
sự phối hợp chặt chẽ từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương. Đặc biệt,
ngày 15/12/2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số
10-CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động
"Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Bên cạnh
đó, năm 2016, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành
Nghị quyết liên tịch số 88 về phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững,
xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Cùng với đó, ngày 17/10/2016,
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã ký Quyết định số 1980/QĐ-TTg
về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn
2016-2020. Theo đó, Bộ Tài chính cũng đã ban hành thông tư 121 quy định
quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện cuộc vận động.
Đường giao thông nông thôn khang trang, sạch đẹp, được đầu tư xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới tại xã Song Phượng, huyện Đan Phượng (TP. Hà Nội). (Ảnh: TTXVN).
Qua ba năm triển khai thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây
dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" đã góp phần quan trọng trong việc
công nhận 4.340 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 48.68%), 69 huyện, thị
xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn hoặc hoàn thành xây dựng nông
thôn mới. Đặc biệt có bốn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Đồng
Nai, Nam Định, Bình Dương và TP. Đà Nẵng đã hoàn thành xây dựng nông thôn
mới giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên, theo đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, trong khi việc xây dựng
nông thôn mới đã đạt những kết quả khả quan, thì việc xây dựng và công
nhận đô thị văn minh còn gặp nhiều khó khăn do chưa có tiêu chí cụ thể
và thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện. Chính vì vậy, việc xây
dựng, ban hành bộ tiêu chí xác định đô thị văn minh sẽ tháo gỡ những khó
khăn, vướng mắc cho MTTQ Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương trong việc
hướng dẫn và đánh giá kết quả xây dựng đô thị văn minh trên phạm vi cả
nước.
CÒN NHIỀU VƯỚNG MẮC TRONG XÂY DỰNG TIÊU CHÍ ĐÔ THỊ VĂN MINH
Tại Hội nghị phản biện xã hội đối với các tiêu chí đô thị văn minh do
Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 23/4 vừa qua,
nhiều ý kiến đề xuất phải có nhiều hội thảo, đánh giá tác động về các
lĩnh vực như: quy hoạch, kiến trúc đô thị; quản lý quy hoạch, kiến trúc,
giao thông đô thị; chiếu sáng đô thị, vệ sinh môi trường, nhà ở, văn
hóa xã hội, y tế, giáo dục,... để có thể xây dựng được một bộ tiêu chí
về đô thị văn minh thực sự nhận được sự hài lòng, đồng tình ủng hộ của
người dân.
Cụ thể, đóng góp ý kiến đối với Dự thảo (lần hai) tiêu chí đô thị văn
minh do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện gồm 10 nhóm
tiêu chí, ông Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp
luật của UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, trước hết cần phải làm rõ cơ sở
pháp lý để ban hành văn bản quy định tiêu chí đô thị văn minh. Đặc biệt,
cần phải làm rõ nội hàm “đô thị văn minh” cho đúng và phù hợp với điều
kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, từ đó cụ thể hóa thành một bộ tiêu chí
phù hợp với các loại đô thị khác nhau.
Ông Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật của UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Theo ông Trần Ngọc Đường, nhiều tiêu chí trong dự thảo còn chưa thật
sự phù hợp. Thí dụ như quy định về nhà ở 29 m2/người ở đô thị là khó khả
thi, nhất là hiện nay nước ta có tới sáu loại đô thị. Do đó cần có
những hội thảo khoa học với sự tham gia của các chuyên gia để có thể xây
dựng một bộ tiêu chí quốc gia về đô thị văn minh phù hợp với thực tế
tại Việt Nam hiện nay.
Từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới, ông Trần Phù Tiêu, nguyên Chủ
tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ đề nghị, bộ tiêu chí đô thị văn
minh khi ban hành phải cụ thể để các cấp phường, thị trấn thực hiện
được. Các tiêu chí phải bảo đảm “ngắn gọn, dễ nhớ, dễ làm, có định lượng
cụ thể và xác định rõ chủ thể là nhà nước, nhân dân trong thực hiện xây
dựng đô thị văn minh”.
Còn theo ông Trần Ngọc Tăng, Ủy viên Hội đồng tư vấn Văn hóa - xã hội
của MTTQ Việt Nam cho rằng, việc xây dựng bộ tiêu chí đô thị văn minh
phải dựa trên tình hình kinh tế - xã hội, tình hình các đô thị, khu vực
để có các quy định rõ ràng, rành mạch. Đối với việc ban hành quy định
tiêu chí đô thị văn minh thì xét về trình tự, thủ tục, thẩm quyền phải
do Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành để bảo đảm sự đồng bộ với
việc xây dựng nông thôn mới.
Bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, bộ
tiêu chí cần phải làm sao khơi dậy được ý thức, huy động được sự tự giác
của người dân trong thực hiện văn minh đô thị. Việc xây dựng bộ tiêu
chí cần lưu ý để không trùng lặp với các tiêu chí gia đình văn hóa, tổ
dân phố văn hóa.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh.
Theo đề xuất của ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Dân
chủ - pháp luật của MTTQ Việt Nam, bộ tiêu chí khi ban hành cần phát huy
vai trò tự quản của người dân trong thực hiện văn minh đô thị. Trong bộ
tiêu chí, bên cạnh những vấn đề về đầu tư, quản lý Nhà nước ở đô thị,
cần kiến nghị Chính phủ trong thời gian 5-10 năm tới tập trung khoanh
lại những vấn đề về văn hóa, an ninh trật tự, xây dựng con người văn
minh để vận động nhân dân cùng tham gia xây dựng đô thị văn minh.
Tiếp thu các ý kiến phản biện, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương
Thị Ngọc Ánh cho biết, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ để ban
hành bộ tiêu chí quốc gia về đô thị văn minh, từ đó huy động sự tham
gia của các bộ, ban, ngành liên quan trong triển khai thực hiện./.