Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, chịu hậu
quả nặng nề của chiến tranh, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; những
năm qua, các thế lực thù địch thường xuyên kích động, chia rẽ dân tộc,
tôn giáo, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, gây mất ổn định
chính trị.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn củng cố,
tăng cường QP, AN mà Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó, thời gian qua,
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 đã bám sát chủ trương, mệnh lệnh của
cấp trên, nhiệm vụ của đơn vị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện
nhiệm vụ sát đúng với nhiều biện pháp sáng tạo, theo hướng bố trí lực
lượng, quy hoạch các khu kinh tế - quốc phòng, tăng cường bố trí dân cư ở
khu vực biên giới, xây dựng cơ sở hạ tầng, các khu kinh tế - kỹ thuật…;
đồng thời, động viên cán bộ, chiến sĩ, người lao động vượt khó, đồng
cam cộng khổ, đoàn kết với đồng bào các dân tộc, phát huy sức mạnh nội
lực, từng bước biến những vùng đất còn hoang hóa trở thành vùng kinh tế
phát triển năng động, với bạt ngàn cao-su, cà-phê, hồ tiêu, lúa nước…
chạy dọc hơn 250 km vùng biên giới.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ và nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy
Trung ương, Bộ Quốc phòng về cơ cấu lại doanh nghiệp, với quyết tâm
khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống cho
công nhân, người lao động, Binh đoàn 15 đã tiến hành đổi mới, trong đó
tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực và đa dạng hóa sản phẩm, là ba mũi nhọn đột phá.
Các công ty
của Binh đoàn đã năng động phát triển thêm các ngành nghề, sản phẩm mới,
như: Sản xuất gạch không nung, chăn nuôi bò thịt, trồng thử nghiệm
thành công và đang mở rộng sản xuất tạo vùng nguyên liệu điều, dứa,
chuối…, các loại cây dược liệu phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở
từng vùng.
Đến nay, Binh đoàn đang quản lý, thu hoạch, khai thác hơn 44
nghìn héc-ta cao-su, gần 300 ha cà-phê và 100 ha lúa nước, trên địa bàn
ba tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia.
Đã xây dựng sáu nhà máy chế biến mủ cao-su tổng công suất 40 nghìn
tấn/năm, một nhà máy sản xuất phân bón vi sinh công suất 20 nghìn
tấn/năm; thu hút và giải quyết việc làm, thu nhập cho hơn 17 nghìn lao
động, trong đó có gần tám nghìn lao động là người dân tộc thiểu số
(DTTS) tại chỗ; xây dựng chín cụm, 255 điểm dân cư dọc biên giới với
hàng chục nghìn nhân khẩu.
Các thôn, làng mới ra đời không chỉ tạo điều
kiện cho đồng bào các dân tộc thay đổi cuộc sống, mà còn tạo thành các
khu vực vành đai biên giới trong thế trận QPTD và an ninh nhân dân vững
chắc. Thực tế, các “điểm nóng” diễn ra trong năm 2001, 2004 trên địa bàn
Binh đoàn 15 đóng quân không có người DTTS tham gia.
Bên cạnh bố trí các công ty, đơn vị, đội sản xuất, nhà máy, hệ thống
đường giao thông,… phù hợp trong thế trận chung của các lực lượng trên
địa bàn Tây Nguyên, vừa bảo đảm phát triển kinh tế, vừa sẵn sàng thực
hiện nhiệm vụ quốc phòng, Binh đoàn 15 còn tổ chức cho các công ty, đơn
vị kết nghĩa với 37 xã; 174 đội sản xuất kết nghĩa với 271 thôn, làng;
4.020 hộ công nhân người dân tộc Kinh gắn kết với hộ đồng bào DTTS.
Các
hoạt động kết nghĩa, gắn kết được triển khai toàn diện, từ việc tham gia
xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển cơ sở hạ tầng đến
giúp đỡ từng hộ dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xóa bỏ hủ
tục, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các
DTTS, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa
phương.
Mô hình “Gắn kết hộ” là một sáng tạo trong thực tiễn và là bước
phát triển mới của hình thức “Dân vận khéo” theo tư tưởng Hồ Chí Minh;
trong đó các hộ người dân tộc Kinh và hộ đồng bào DTTS đã tự nguyện gắn
kết, hỗ trợ giúp nhau hiểu biết thêm về văn hóa dân tộc, các chủ trương,
đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp nhau trong
sản xuất... Qua đó, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho hàng chục
nghìn người dân trên địa bàn, nhất là đồng bào các DTTS: Gia Rai, Giẻ
Triêng, Rơ Mâm..., góp phần đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu, xây dựng nông
thôn mới, tạo ra những điểm sáng về kinh tế, văn hóa, xã hội, QP, AN
trên địa bàn.
Cùng với đó, Binh đoàn 15 còn thường xuyên quán triệt, nắm vững
phương hướng, mục tiêu, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, Quân
đội về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, thực hiện tốt việc tổ chức lực lượng,
tham gia xây dựng khu vực phòng thủ và các quy định về sẵn sàng chiến
đấu.
Xây dựng quy chế phối hợp công tác với các huyện có đơn vị đứng
chân; phối hợp Công an, Bộ đội Biên phòng, lực lượng vũ trang Quân khu
5... rà soát, xây dựng kế hoạch tác chiến, các phương án chiến đấu tại
chỗ, phương án bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, công tác cứu hộ, cứu
nạn, phòng, chống thiên tai, bảo vệ nhân dân, tổ chức tập huấn, luyện
tập thành thạo, sẵn sàng xử trí các tình huống xảy ra.
Nâng cao chất
lượng tổng hợp của lực lượng tự vệ và dự bị động viên; phối hợp chặt chẽ
cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị bạn giữ vững an ninh chính trị,
trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn biên giới…, góp phần để Binh đoàn
15 hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn củng cố, tăng cường
QP, AN trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên; thực hiện sáng tạo và hiệu
quả ba chức năng: “Đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao
động sản xuất” của Quân đội nhân dân Việt Nam./.
Thượng tá Hoàng Văn Sỹ
Tư lệnh Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng)
(Nguồn: nhandan.com.vn)