Thứ Tư, 4/12/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Hai, 20/4/2020 23:5'(GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Năm 2019, Thành phố xác định hai trọng tâm là đột phá về cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Năm 2019, Thành phố xác định hai trọng tâm là đột phá về cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội

Năm 2019, Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đẩy mạnh triển khai “Năm đột phá cải cách hành chính (CCHC) và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội”, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động cải cách hành chính các cấp. Việc theo dõi các thông tin phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng, chỉ đạo tổ chức xác minh, kiểm tra thực tế để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục được chú trọng. Cụ thể, cơ quan chức năng đã tiếp nhận 81 phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính; trong đó, có 48/81 trường hợp phản ánh về hành vi chậm trễ, gây phiền hà, thực hiện hoặc không thực hiện đúng quy định; có 33/81 trường hợp không thuộc phạm vi tiếp nhận, xử lý, đã chuyển 48/48 trường hợp thuộc phạm vi tiếp nhận đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định (đạt tỷ lệ 100%); 40 trường hợp đã có kết quả xử lý và đã phản hồi kết quả xử lý đến người dân; 8 trường hợp đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết... 

XÂY DỰNG VÀ TĂNG CƯỜNG TRIỂN KHAI CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ

Năm 2019, việc phát huy sự sáng tạo, cải tiến trong CCHC và tăng cường xây dựng chính quyền điện tử để phục vụ người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh. Kết quả, đã có 665 mô hình, giải pháp được đăng ký và thực hiện hoàn tất theo tiến độ, giới thiệu 251 sáng kiến, giải pháp, cách làm hay trong công tác CCHC; đã chọn 5 mô hình cách làm hay về CCHC để nhân rộng gồm: 1) Mô hình "Bình Thạnh trực tuyến"; 2) Ứng dụng "Thông tin quy hoạch thành phố; 3) Mô hình tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn quận Bình Tân; 4) Đường dây nóng tại UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức; 5) Mô hình liên thông điện tử giữa cơ quan Tài nguyên - Môi trường với cơ quan thuế tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Quận 12. Đến nay, các mô hình này tiếp tục được nhân rộng và phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Thành phố cũng lần đầu tổ chức và công bố trao “Giải thưởng Sáng tạo năm 2019”; trong đó, có 5 giải của lĩnh vực CCHC. Giải thưởng là động lực thực tiễn và thể hiện sự quan tâm thiết thực của lãnh đạo Thành phố đối với lực lượng các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước trong việc việc sáng tạo, đưa ra giải pháp trong sản xuất, kinh doanh, và quản lý nhà nước góp phần to lớn trong phát triển kinh tế, xã hội Thành phố.

Khung kiến trúc chính quyền điện tử; thúc đẩy xây dựng và triển khai chính quyền điện tử từ thành phố đến cơ sở tiếp tục được thực hiện trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành. Cụ thể, Thành phố đã triển khai: 1) Hệ thống phòng họp không giấy và ứng dụng giao việc - nhắc việc thông minh được triển khai tại Văn phòng UBND Thành phố; 2) Kết nối vào hệ thống MetroNet với 807 điểm, phục vụ việc trao đổi thông tin trong vận hành, liên thông hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành các cấp; 3) Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai đến 44 đơn vị. Một số UBND quận, huyện (Quận 1, Quận 3, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi...) đã triển khai truyền hình trực tuyến đến UBND phường, xã, thị trấn; 4) Hệ thống thư điện tử công vụ: đã cấp hơn 24.600 hộp thư cho các đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Hệ thống thư điện tử thường xuyên được nâng cấp và được các cơ quan, CBCCVC sử dụng thông dụng và hiệu quả; 5) Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc: đã thực hiện gửi và nhận văn bản điện tử trên phạm vi toàn thành phố, kết nối 800 đơn vị. Tính từ cuối năm 2014 đến cuối năm 2019, đã có hơn 4,9 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận qua Trục liên thông của thành phố; 6) Sử dụng chữ ký điện tử: Thành phố tiếp tục thực hiện việc áp dụng chữ ký điện tử trong trao đổi văn bản điện tử, thư mời họp, chấm dứt tình trạng sử dụng văn bản giấy và đang phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ ứng dụng chữ ký số đối với việc gửi, nhận văn bản điện tử trên các thiết bị di động thông minh.

Bên cạnh đó, các sở, ngành, quận, huyện đã chủ động tự xây dựng các phần mềm (Quận 7: Phần mềm cấp phép xây dựng, Phần mềm cấp số nhà; Quận 1: Phần mềm Tiếp nhận thủ tục tuyển sinh đầu cấp trực tuyến (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở…), ứng dụng trên nền tảng di động (Bình Thạnh trực tuyến, Hóc Môn trực tuyến, Quần 2 trực tuyến, Quận 9 trực tuyến) cũng như đẩy mạnh công nghệ để phục vụ người dân, DN tốt hơn. Cụ thể, đã triển khai kho dữ liệu dùng chung của thành phố (giai đoạn 1) trên cơ sở tích hợp các dữ liệu hiện có của một số sở, ban, ngành (CSDL văn bản điện tử, CSDL một cửa điện tử, CSDL khiếu nại tố cáo, CSDL đường dây nóng, CSDL đăng ký doanh nghiệp, CSDL đầu tư nước ngoài, CSDL dự án đầu tư công, CSDL địa chính, CSDL cơ sở khám chữa bệnh, CSDL chứng chỉ hành nghề y, CSDL cơ sở giáo dục, CSDL dịch vụ giáo dục) và xây dựng CSDL người dân, bước đầu, khai thác Kho dữ liệu dùng chung cho công tác điều hành của thành phố. Đồng thời, thử nghiệm Cổng thông tin dữ liệu mở tại địa chỉ http://data.hochiminhcity.gov.vn, trước mắt thử nghiệm cung cấp thông tin về; cơ sở khám chữa bệnh và chứng chỉ hành nghề y, cơ sở giáo dục và dịch vụ giáo dục; thông tin dự án đầu tư nước ngoài và dự án đầu tư công. Hiện đã có 100% áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nội bộ theo tiêu chuẩn ISO 9001 trong hoạt động của cơ quan hành chính, bao gồm: 23/23 sở-ngành, 24/24 quận-huyện; 322/322 phường- xã-thị trấn và 100% sở - ban - ngành, UBND quận - huyện ứng dụng ISO điện tử trong hoạt động.

KIỆN TOÀN BỘ MÁY VÀ PHỐI HỢP THỰC HIỆN CCHC

UBND Thành phố ban hành Công văn số 1399/UBND-VX ngày 16/4/2019 chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa các sở - ban - ngành, UBND quận - huyện. Theo đó, đối với các vấn đề không phải là thủ tục hành chính (TTHC) thì “sau thời hạn 15 ngày làm việc, nếu cơ quan được lấy ý kiến không trả lời (bằng văn bản), được xem như đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến ngành, địa phương mình”. Cùng với đó, Thành phố tăng cường mạnh mẽ trong công tác cải cách thể chế để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

HĐND thành phố đã ban hành 24 văn bản, UBND thành phố đã ban hành 32 văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, có các văn bản quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2017/NQ-QH14 như:

1) Quy định về thực hiện 85 nội dung ủy quyền tại Đề án ủy quyền (có sửa đổi, bổ sung); quy định 08 ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp huyện cho Chủ tịch UBND cấp xã;

2) Quy định về đánh giá chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức tại Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND;

3) Quy định chính sách thu hút và phát triển chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt;

4) các Quy định đặc thù về lĩnh vực dự án, tài chính, ngân sách, đầu tư, quản lý đất đai và xây dựng, tổ chức, biên chế và chính quyền đô thị; dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 93 về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TPHCM.

Đồng thời đã:

1) Kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL): kiểm tra chuyên đề đối với 9 cơ quan, đơn vị (Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo, Quận 3, Quận 7, Quận 8, quận Bình Tân, quận Gò Vấp và huyện Củ Chi);

2) Rà soát là 3.501 văn bản; trong đó, số lượng VBQPPL sau rà soát đề xuất điều chỉnh, sửa đổi là 327 văn bản (có 49 văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung); số lượng VBQPPL của HĐND và UBND thành phố thuộc lĩnh vực quản lý đề xuất hết hiệu lực, ngưng hiệu lực là 29 văn bản.

Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cấp và đẩy mạnh các giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đẩy mạnh. Cụ thể, các quận - huyện, sở - ngành của TPHCM thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo (BCĐ CCHC); trong đó, có 100% Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị giữ vai trò Trưởng ban Chỉ đạo CCHC là người trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm đối với kết quả công tác CCHC của cơ quan, ngành, địa phương mình. Đặc biệt, Ban thường vụ Thành ủy cử đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố tham gia làm Thành viên BCĐ CCHC Thành phố trực tiếp giám sát hoạt động và khảo sát, phản biện về kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính các cấp.

Triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Thành phố đã tổ chức, kiện toàn các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp quan trọng như: 1) Kiện toàn, tổ chức lại thành Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố; kiện toàn BQL đầu tư các khu đô thị (Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Tây Bắc). Phê duyệt Đề án thí điểm tổ chức lại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng cấp huyện thành Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc UBND quận-huyện. 2) Tổ chức sắp xếp lại 03 Ban Quản lý các dự án của Thành phố (BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông; BQL dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị; BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp) và các quận - huyện. 3) Kiện toàn BQL xây dựng Trung tâm triển lãm quy hoạch Thành phố và Ban quản lý (BQL) Công viên lịch sử-văn hóa; chuyển đổi chức năng quản lý hạ tầng, cây xanh từ Sở Giao thông vận tải về Sở Xây dựng; BQL Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Nguyễn Huệ từ UBND Quận 1 về Sở Xây dựng; kiện toàn và chuyển giao các Bệnh viện quận-huyện về Sở Y tế; kiện toàn các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế, lao động-thương binh và xã hội. 4) Tổng kết 3 năm thí điểm thành lập BQL An toàn thực phẩm thành phố… Đến cuối năm 2019, Thành phố đã giảm được 10 đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện tinh giản 4.132 biên chế. Cụ thể đã giảm 3.952 trường hợp, do cắt giảm không giao biên chế cho đơn vị sự nghiệp công lập đang thực hiện theo cơ chế tự chủ; giảm 180 trường hợp theo quy định tinh giản biên chế. 

Tính đến nay, đã thực hiện tinh giản biên chế đối với 652 trường hợp kể từ khi triển khai Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế. 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đã được phê duyệt vị trí việc làm theo quy định. 100% đơn vị hành chính thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính, 100% đơn vị đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản, 100% đơn vị sắp xếp bộ máy và có tiết kiệm kinh phí. Số đơn vị sự nghiệp công lập khối thành phố đã được giao tự chủ tài chính là 331 đơn vị; 100% tổng số ĐVSN công lập khối quận-huyện được giao tự chủ tài chính, 13 đơn vị khoa học và công nghệ công lập được giao tự chủ, tăng thêm 06 đơn vị so với năm 2018.

CÔNG KHAI, MINH BẠCH TRONG GIẢI QUYẾT TTHC

Việc tăng cường công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC và xác định rõ thời gian thực hiện mỗi TTHC ở từng cơ quan, đơn vị được thực hiện nghiêm túc. Cụ thể,  Thành phố xây dựng và ban hành quy trình nội bộ giải quyết TTHC: Ban hành Quy chế phối hợp giải quyết các TTHC thuộc thẩm quyền quyết định hoặc có ý kiến của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố. Phê duyệt 501 quy trình gồm 67 quy trình liên thông và 434 quy trình nội bộ giải quyết TTHC (trong đó, sở, ngành: 212 quy trình; quận, huyện: 104 quy trình và phường, xã, thị trấn: 51 quy trình). Cùng với đó, thành phố đã phê duyệt Phương án đơn giản hóa TTHC(Phương án số 3734/PA-UBND ngày 12/9/2019) gồm 16 TTHC đơn giản hóa. Thực hiện đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng, giảm từ 3 TTHC (Thẩm định thiết kế cơ sở; Thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp phép xây dựng) còn TTHC là cấp Giấy phép xây dựng thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng và kiến nghị đơn giản hóa 3/6 TTHC thuộc lĩnh vực xuất nhập cảnh liên quan đến công dân VN và kiến nghị bãi bỏ 6/14 TTHC thuộc lĩnh vực cấp Căn cước công dân thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an Thành phố.

Thành phố có 1.796 TTHC đang áp dụng; trong đó, cấp tỉnh: 1.479 TTHC, cấp huyện: 202 TTHC, cấp xã: 115 TTHC; đăng tải công khai, kịp thời tại địa chỉ:http://vpub.hochiminhcity.gov.vn và nhập dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về TTHC đối với 445 TTHC, bãi bỏ 257 TTHC và tiếp tục thực hiện việc rà soát, xóa bỏ dữ liệu TTHC dư thừa, trùng lắp trên CSDL quốc gia về TTHC, tổ chức nhập, công khai hơn 1.300 TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ https://csdl.dichvucong.gov.vn. Đồng thời, đã thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông: Thử nghiệm Cổng dịch vụ công thành phố, hệ thống một cửa điện tử gắn với đánh giá hài lòng việc giải quyết TTHC với 4 TTHC (Cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ; Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú; Đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế) tại 3 UBND quận - huyện và 9 phường, xã của đơn vị tại địa chỉ https://dvc.hochiminhcity.gov.vn/.Hoàn tất thực hiện các công tác kết nối, tích hợp Cổng dịch vụ công thành phố với Cổng dịch vụ công quốc gia đối với 3 TTHC (Cấp đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; liên thông đăng ký hộ kinh doanh cá thể; đăng ký thuế) và đã đăng ký kết nối, tích hợp bổ sung thêm 39 dịch vụ công. 

Thực tế cho thấy, công tác CCHC đã được các cấp, các ngành thực hiện với quyết tâm và nỗ lực cao; được ghi nhận và tạo sự chuyển biến tích cực, mang tính đột phá, làm tiền đề để tiếp tục góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thành phố trong năm 2020.

Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối cùng thực hiện chương trình CCHC giai đoạn 2016-2020; đồng thời, là năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào năm 2021 và triển khai thực hiện Chủ đề năm “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”. Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, Thành phố xác định nội dung trọng tâm của công tác CCHC là “Nâng cao văn hóa công sở, văn hóa công vụ, nâng cao ý thức thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp”, với các giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tập trung đẩy mạnh CCHC, xây dựng hình ảnh chính quyền thành phố phục vụ nhân dân, thân thiện, nhanh chóng, hiện đại; tập trung cải thiện các nội dung còn hạn chế của năm 2019, hoàn thành mục tiêu của Chương trình CCHC thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Triển khai và đánh giá kết quả về thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội. 

Hai là, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động CCHC các cấp; lấy kết quả, hiệu quả, sáng tạo  trong công tác CCHC và lấy tỷ lệ hài lòng để làm căn cứ, điều kiện bình xét thi đua, khen thưởng, xét hưởng thu nhập bình quân tăng thêm cho CBCCVC nhất là người đứng đầu theo Nghị quyết số 54/2017/QH14. Đồng thời, phát huy sự sáng tạo, cải tiến trong CCHC để phục vụ cá nhân và doanh nghiệp. Công tác CCHC phải gắn với các giải pháp cụ thể, có tính nhân rộng, áp dụng lâu dài, ứng dụng công nghệ thông tin; thông qua khuyến khích CBCCVC tham mưu, sáng tạo và tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân.

Ba là, đẩy mạnh công tác khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với phục vụ của cơ quan hành chính trên toàn địa bàn thành phố, thường xuyên theo dõi, phải có các giải pháp cải thiện sự hài lòng và khắc phục hồ sơ trễ hạn gắn với thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tiếp nhận và xử lý phản ánh, khiếu nại, tố cáo các hoạt động liên quan đến công tác CCHC, giải quyết TTHC. Kiểm tra đột xuất đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và thực hiện quy tắc ứng xử của công chức, viên chức; xử lý nghiêm những cá nhân, cơ quan, đơn vị có những hành vi, thái độ gây khó khăn, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp, tổ chức và công dân. 

Bốn là, đẩy mạnh cải cách thể chế, chú trọng tính khả thi, áp dụng lâu dài của quy định pháp luật và hướng tới đơn giản hóa TTHC. Đẩy mạnh cải cách TTHC; trong đó chú trọng đơn giản hóa TTHC và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về TTHC; thực hiện niêm yết công khai và khuyến khích sáng tạo trong niêm yết và hướng dẫn thực hiện TTHC để phục vụ mọi đối tượng, đẩy mạnh các giải pháp khuyến khích người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thanh toán điện tử để tạo tiện lợi cho người dân và tổ chức khi thực hiện TTHC và sử dụng dịch vụ công.

Năm là, xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị; Đề án chi tiết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn Thành phố trong giai đoạn 2019 – 2021; Đề án chuyển một số huyện thành quận2021-2025. Tập trung triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành thành phố thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025” và Kiến trúc chính quyền điện tử tại thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; trong đó, tập trung rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, tinh giản biên chế, thực hiện chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt./.

Năm 2019, Thành phố đã tổ chức các Hội thảo để tìm giải pháp nâng cao trong hoạt động chỉ đạo, điều hành công tác CCHC như:

1) Hội thảo “Những giải pháp nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4”.

2) Hội thảo “Những phương pháp, cách thức hiệu quả trong công tác tổ chức, khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước để làm cơ sở triển khai chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND”.

Hai Hội thảo này đã được Thành phố, các sở, ban, ngành và UBND quận - huyện đánh giá hiệu quả, chất lượng. Theo đó, nội dung Hội thảo đã đề ra nhiều giải pháp giúp các sở, UBND quận - huyện hoàn thành nhiệm vụ đã cam kết với lãnh đạo Thành phố...

Thanh Mai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất