(TG) - Thực hiện Quyết định 221-QĐ/TW ngày 27-4-2009 của Ban Bí thư về Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân (Quyết định 221), trong những năm vừa qua, Hưng Yên đã đạt được những kết quả quan trọng.
THỰC HIỆN QUY CHẾ 221 VỚI NỘI DUNG, HÌNH THỨC PHONG PHÚ, SÁNG TẠO
Công tác tuyên truyền nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được triển khai với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng. Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành các văn bản chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn tuyên truyền các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các dự án lớn, trọng điểm, nhạy cảm của tỉnh; tuyên truyền giáo dục pháp luật trong toàn ngành tuyên giáo, các cơ quan khối tuyên truyền, các sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội theo từng tháng, quý. Việc triển khai công tác tuyên truyền được thực hiện thông qua hội nghị Báo cáo viên các cấp; qua tài liệu do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn, phát hành; qua nắm bắt, phản ánh dư luận xã hội phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý và định hướng nội dung tuyên truyền thông qua hội nghị giao ban báo chí hằng tháng.
Nhiều nội dung phối hợp được triển khai thực hiện hiệu quả, giai đoạn 2009 - 2019 có gần 80 lượt cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh đăng ký nội dung với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị phối hợp và cung cấp thông tin tuyên truyền liên quan đến các nội dung phát triển kinh tế - xã hội, công tác quản lý nhà nước về đất đai, công tác an toàn giao thông, quy hoạch Dự án Khu đô thị Thương mại - Du lịch Văn Giang và Dự án đường bộ nối với 2 đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua tỉnh Hưng Yên, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, công tác dồn thửa đổi ruộng đất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, về việc giải tỏa các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, vi phạm hành lang giao thông, công trình thủy lợi, hoạt động bến bãi, khai thác cát trái phép, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.... Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên đã tổ chức được trên 100 Hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh cho gần 20.000 lượt người nghe, trong đó lồng ghép, giới thiệu hàng chục chuyên đề gắn với nội dung tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của các ngành, các đơn vị. Đồng thời, phát hành gần 5 triệu Bản tin thông báo nội bộ phục vụ kịp thời sinh hoạt chi bộ trong toàn tỉnh.
Trong từng thời điểm cụ thể, khi có những vấn đề bức xúc nổi lên hoặc triển khai thực hiện các chương trình, đề án lớn về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các ban, ngành, đơn vị biên tập, xây dựng tài liệu tuyên truyền. Những tài liệu này có nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, có tác dụng tích cực trong việc góp phần ổn định tình hình chính trị, tư tưởng, sự đồng thuận trong nhân dân, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, nhất là những địa phương có điểm nổi cộm.
Bên cạnh công tác phối hợp tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, bằng các nguồn thông tin khác nhau, việc phối hợp trong công tác nắm bắt tình hình dư luận xã hội và giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên cũng được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Từ đó, có cơ sở tham mưu, đề xuất cấp ủy các giải pháp tiến hành công tác tư tưởng, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của nhân dân.
Toàn tỉnh hiện có 215 cộng tác viên, trong đó, cấp tỉnh có 30 đồng chí, cấp huyện có 185 đồng chí. Đa số cộng tác viên hoạt động tích cực, chủ động nắm bắt, cập nhật và phản ánh tình hình tư tưởng, dư luận của địa phương, đơn vị trong tháng.
Để đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động đối với đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên đã triển khai thực hiện việc giao ban cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh hằng tháng, thiết lập hộp thư điện tử nội bộ để tiếp nhận và phản hồi thông tin nhanh 2 chiều để nắm bắt thông tin phản ánh về tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh, đồng thời kịp thời định hướng nội dung hoạt động đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội. Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy còn phối hợp với Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành các cuộc điều tra dư luận xã hội về “Một số vấn đề có liên quan đến việc thực hiện đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW”, “Dư luận xã hội về tình hình tâm trạng, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân 6 tháng đầu năm 2018”.
Nội dung ký kết phối hợp tuyên truyền hằng năm giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp được lựa chọn kỹ lưỡng, trọng tâm và triển khai kịp thời. Hình thức phối hợp tuyên truyền thường xuyên được đổi mới, phù hợp với điều kiện thực tiễn và đối tượng tuyên truyền, có tác động trực tiếp đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, địa phương. Sau hơn 10 năm thực hiện Quyết định 221, đã có 17 sở, ngành, đơn vị, cơ quan trên địa bàn tỉnh tham gia ký kết phối hợp tuyên truyền với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Qua các chương trình và các công việc phối hợp, đã cung cấp kịp thời những thông tin thời sự quan trọng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt toàn tỉnh và lực lượng báo cáo viên các cấp. Đồng thời, thông qua các chương trình phối hợp, mối quan hệ, uy tín và ảnh hưởng của Ban Tuyên giáo các cấp đối với các cơ quan, đơn vị liên quan được nâng lên. Nhờ phối hợp tuyên truyền trước, trong và sau khi triển khai công việc nên nhiều việc mới, việc khó đã được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp triển khai thực hiện nhanh gọn, hiệu quả, đặc biệt đối với các lĩnh vực như đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm, tình hình dân tộc, tôn giáo...
Bằng các hình thức phong phú, sáng tạo trong thực hiện Quyết định 221, nhìn chung, công tác tuyên truyền nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã bám sát vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kịp thời cung cấp thông tin trên các lĩnh vực, nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; nâng cao cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Với quyết tâm phấn đấu đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tỉnh Hưng Yên đã đạt được những thành tựu quan trọng. Kinh tế tăng trưởng nhanh, hợp tác đầu tư phát triển, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng - an ninh được tăng cường, giữ vững ổn định chính trị, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, dân chủ trong Đảng và nhân dân được mở rộng; thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng chuyển biến tích cực. Vị thế Hưng Yên được khẳng định và nâng cao, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kinh tế hàng năm đều tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước, giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 89 lần, thu ngân sách tăng gấp 100 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 10 lần so với khi tái lập tỉnh (tháng 11-1996).
Từ một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm thấp, hệ thống kết cấu hạ tầng yếu kém, lạc hậu, ngân sách của tỉnh phải dựa vào ngân sách hỗ trợ từ Trung ương nhưng bằng sự nỗ lực, quyết tâm và hướng đi đúng đắn, đến nay tỉnh Hưng Yên đã tự cân đối ngân sách địa phương và có điều tiết một số sắc thuế về ngân sách Trung ương. Đến nay, 100% số xã trong tỉnh đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện Mỹ Hào (nay là thị xã Mỹ Hào),huyện Văn Giang và huyện Văn Lâm được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố Hưng Yên được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…
|
Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quyết định 221 của Ban Bí thư ở tỉnh Hưng Yên có một số thuận lợi cơ bản: Công tác tiếp nhận chủ trương, quán triệt, triển khai Quyết định 221 khá đồng bộ. Nhận thức của các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Vai trò, vị trí chủ trì của Ban Tuyên giáo các cấp nâng lên, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân trong việc phối hợp tuyên truyền và tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân về triển khai các dự án, đề án thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, các vấn đề phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, an ninh trật tự, tai nạn, tệ nạn xã hội được chú trọng hơn. Công tác tuyên truyền nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các dự án lớn, trọng điểm, nhạy cảm của tỉnh, của các địa phương được chú trọng triển khai với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng. Công tác nắm bắt, phản ánh, dự báo tình hình tư tưởng, dư luận xã hội của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân được đẩy mạnh, quá trình giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân được chú ý, tăng cường.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 221, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vẫn còn một số hạn chế nhất định. Việc triển khai thực hiện Quyết định 221 ở một số cấp ủy cơ sở chưa đi vào nền nếp. Nội dung phối hợp tuyên truyền chưa trọng tâm, chủ yếu tập trung vào các vấn đề được báo chí, dư luận phản ánh, vụ việc nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân; chưa chú trọng nhiều đến các chương trình phát triển kinh tế - xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân ở các địa phương. Ở một số địa bàn, cấp ủy, chính quyền chưa thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở, đôn đốc, thiếu kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện...
NỘI DUNG PHỐI HỢP TUYÊN TRUYỀN PHẢI SÁT VỚI NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ
Qua thực tiễn thực hiện, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Một là, sự lãnh đạo của cấp ủy có vai trò quyết định trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Quy chế phối hợp. Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát thì nơi đó công tác phối hợp được triển khai hiệu quả.
Hai là, phải không ngừng nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng các cấp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân.
Ba là, tăng cường sự chủ động phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trao đổi, nắm bắt thông tin, dư luận xã hội thường xuyên. Trên cơ sở đó, xây dựng các kế hoạch, chương trình phối hợp hằng năm một cách cụ thể. Kịp thời cụ thể hóa các kế hoạch, chương trình phối hợp để triển khai thực hiện.
Bốn là, thường xuyên đổi mới phương pháp, hình thức, công tác phối hợp tuyên truyền, nghiên cứu, biên soạn tài liệu phù hợp với từng đối tượng. Quan tâm đầu tư, bố trí kinh phí hàng năm để thực hiện công tác tuyên truyền.
Năm là, nội dung phối hợp tuyên truyền phải thiết thực, cụ thể, sát với nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng địa phương. Đồng thời, phải xác định rõ công việc của mỗi bên, thời gian, hình thức tiến hành phải cụ thể, từ đó công tác phối hợp tuyên truyền mới đạt hiệu quả thiết thực.
Để tiếp tục thực hiện Quyết định 221 có hiệu quả hơn, trong thời gian tới, Hưng Yên sẽ tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là ở cơ sở về vị trí, vai trò của công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo và cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong triển khai thực hiện tuyên truyền kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc trong nhân dân. Phát huy và kết hợp đồng bộ, có hiệu quả những hình thức tuyên truyền đã làm, như: tuyên truyền qua các tài liệu tuyên truyền, hội nghị báo cáo viên, công tác dư luận xã hội và qua hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì; nghiên cứu, đề xuất và đưa vào thực hiện những hình thức tuyên truyền có tính chất mới, có tác dụng tuyên truyền tốt.
Bên cạnh đó, thường xuyên đổi mới phương thức phối hợp, tăng cường trách nhiệm của Ban Tuyên giáo và cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong triển khai thực hiện; kịp thời trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên, dư luận xã hội trong nhân dân, nhất là những vấn đề bức xúc của nhân dân, từ đó phối hợp tuyên truyền, nhận định, đánh giá, dự báo tình hình và tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền định hướng tư tưởng, dư luận xã hội đồng thời có biện pháp kịp thời điều chỉnh các chủ trương, chính sách nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, góp phần tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện Quyết định 221 ở các địa phương, đơn vị.../.
Trần Thị Thanh Thủy
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên