Trong năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và giải quyết hơn 17 triệu hồ sơ thủ tục hành chính với tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn là 99,81%.
Ngày 18/2, phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ cải cách hành
chính do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trực tuyến, Chủ
tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Phan Văn Mãi cho biết năm 2021 mặc dù
dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng công tác cải cách hành chính vẫn
được triển khai quyết liệt, đồng bộ.
Thành phố đã kịp thời thay đổi phương thức làm việc vừa đảm bảo phòng
chống dịch vừa đảm bảo không gián đoạn phục vụ các nhu cầu thiết yếu,
cấp bách của người dân, doanh nghiệp.
Thành phố đã nhanh chóng sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan, đơn vị theo tổ chức chính quyền đô thị, không để công việc trì trệ, tồn đọng. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, kỷ cương kỷ luật hành chính được tuân thủ.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã kịp thời điều động, tăng cường lực
lượng công chức, viên chức về cơ sở để hỗ trợ phường, xã, thị trấn trong
giai đoạn giãn cách tập trung, đảm báo an sinh, xã hội, chăm lo cho
người nghèo, người yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, trong thời gian
tới Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi yêu cầu
Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch ủy ban Nhân dân quận huyện, thành phố
Thủ Đức quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai công tác cải
cách hành chính; thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số
02-CtrHĐ/TU của Thành ủy, 3 chương trình đột phá, 1 chương trình trọng
điểm phát triển Thành phố giai đoạn 2020-2025.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi,
trong năm 2022 Thành phố phấn đấu thông qua và triển khai Đề án cơ chế,
chính sách đặc thù phát triển thành phố Thủ Đức và Nghị định thay thế
Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước
trên một số lĩnh vực cho Thành phố.
Đồng thời, Thành phố sẽ tổ chức tổng kết việc triển khai Nghị quyết
số 54/2017/NQ Q14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù
đối với Thành phố, để tiếp tục đề nghị Trung ương ban hành các văn bản
về cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố một cách phù hợp và lâu dài.
Theo báo cáo của đại diện Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí
Minh, tính đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 1.700 thủ tục hành
chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của các sở, ban, ngành, ủy
ban nhân dân cấp huyện và cấp xã, trong đó có gần 900 thủ tục không phát
sinh hồ sơ trong 3 năm liên tục (chiếm 51%).
Trong năm qua, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết hơn 17 triệu hồ
sơ thủ tục hành chính với tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn là 99,81%.
Tại hội nghị, chia sẻ kinh nghiệm cải cách hành chính, bà Lê Thị
Thanh Thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 6 cho biết ủy ban nhân dân
quận và 14 phường thuộc Quận 6 đã cam kết và đăng ký thi đua thực hiện
công tác cải cách hành chính năm 2021 với 87 mô hình sáng kiến, giải
pháp cải tiến, cách làm hay. Trong đó phải kể đến mô hình “Giảm thời
gian thực hiện kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp
đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 5 ngày làm việc còn 3 ngày làm
việc”, mô hình kết hợp đồng thời các thủ tục điều chỉnh giấy phép xây
dựng, cấp lại giấy phép xây dựng…
Còn theo ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành
phố Hồ Chí Minh, năm 2021 trước diễn biến phức tạp của đại dịch
COVID-19, Bảo hiểm xã hội Thành phố đã đẩy mạnh công tác cải cách thủ
tục hành chính, giao dịch điện tử, tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành
chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Trong giai đoạn giãn cách xã hội thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ
tướng Chính phủ, trên 70% công chức, viên chức, người lao động làm việc
tại nhà vẫn giải quyết kịp thời các thủ tục, hồ sơ. Từ đó, giúp cho
người dân, doanh nghiệp không phải đến cơ quan Bảo hiểm xã hội bất cứ một lần nào nhất là thực
hiện các gói hỗ trợ của Thành phố Hồ Chí Minh và của Chính phủ giúp
người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID-19./
Trần Xuân Tình (TTXVN)