Chủ Nhật, 13/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 30/4/2010 23:3'(GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phấn đấu trở thành “đầu tàu” kinh tế của cả nước

Đại thắng mùa Xuân 1975 với xây dựng và phát triển Thành phố ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”
 
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Thắng lợi đó là biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng; minh chứng sống động khí phách, trí tuệ, bản lĩnh và sức mạnh Việt Nam. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 góp phần hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là tiền đề và động lực to lớn để Thành phố phát triển lên tầm cao mới, phấn đấu trở thành trung tâm về nhiều mặt và là “đầu tàu” kinh tế của cả nước.

Qua 35 năm xây dựng và phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước tiến quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn 2006-2010, kinh tế nước ta cũng như của Thành phố nói riêng có sự phát triển vượt bậc trong 2 năm 2006, 2007 (năm 2006 tăng trưởng kinh tế đạt 12,2%; năm 2007 đạt 12,6%), đến giữa 2008 đã gặp phải một số khó khăn khi lạm phát và giá cả gia tăng ở mức 2 con số nên tăng trưởng đã giảm sút; mặc dù Thành phố đã nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội (năm 2008 kinh tế Thành phố chỉ tăng 10,7%). Năm 2009, trước tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng Thành phố tiếp tục nỗ lực phấn đấu quyết liệt, phát huy tính năng động, sáng tạo của nhân dân, tạo nên sự đồng thuận của toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và cả hệ thống chính trị đã đồng tâm hiệp lực, chung sức chung lòng, đoàn kết nhất trí vượt qua khó khăn, thách thức, từng bước vượt qua suy giảm kinh tế và phục hồi tăng trưởng. Thành phố vẫn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước, quý sau cao hơn quý trước: quý I tăng 4%; quý II tăng 5,2%; quý III tăng 8,5%; quý IV tăng 10,4%, bình quân cả năm tăng 8%. Dù chưa đạt chỉ tiêu đề ra nhưng có thể nói đó là những con số rất có ý nghĩa, con số thấm đẫm bao mồ hôi công sức của hơn 8 triệu người dân Thành phố; kim ngạch xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư, doanh số du lịch và kiều hối cao nhất. Kinh tế Thành phố tăng 8%, nghĩa là đã đóng góp cho cả nước hơn 1,6% trong tốc độ tăng trưởng 5,32% của cả nước đạt được trong năm 2009.

Ðến nay, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu về thu hút FDI. Tất cả đã có 3.141 dự án đầu tư FDI với số vốn gần 26 tỉ USD. Năm 2009 dù rất khó khăn, vẫn có thêm 410 dự án được cấp phép với gần 2 tỉ USD. Đầu tư trong nước có hơn 24 nghìn doanh nghiệp được thành lập với tổng vốn đăng ký 114.763 tỉ đồng.

Trong 18/20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đạt được năm 2009, có những chỉ tiêu rất quan trọng, như tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 143 nghìn tỉ đồng; thu ngân sách hơn 135 nghìn tỉ đồng; giải quyết việc làm cho 270.000 người, giảm tỷ lệ thất nghiệp trong lúc hết sức khó khăn xuống còn 5,3%. Ðặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới của Thành phố (12 triệu đồng/người/năm) giảm xuống còn 7,8%. Tết năm 2009, Thành phố đã dành kinh phí trên 300 tỉ đồng chăm lo cho 230.722 người thuộc diện chính sách, người nghèo, cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, sinh viên.

Ba mươi lăm năm qua, kể từ 1975 quá trình đô thị hóa đã làm thay đổi diện mạo “Hòn ngọc Viễn đông”, ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Thành phố đã xây dựng được 9 khu đô thị và 216 cụm đô thị (tính theo quy mô dân số từ 1.500 người trở lên). Thực hiện chương trình phát triển nhà ở từ năm 2006 đến năm 2009, Thành phố đã xây dựng được 6,08 triệu m² năm 2006; 7,9 triệu m² năm 2007; 9,6 triệu m² năm 2009, diện tích nhà ở bình quân đã được tăng lên từ 10,3 m²/người vào năm 2006 lên mức 13m²/người vào cuối tháng 6-2009. Chương trình nhà ở trong các dự án dân cư (nhà ở thương mại) đã thực hiện được 3,6 triệu m²/7,5 triệu m². Chương trình xây dựng nhà ở của các hộ gia đình cá nhân (nhà phi thương mại) đã phát triển 9,9 triệu m²/20 triệu m²; xây dựng thêm được 67 cao ốc văn phòng. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật được Thành phố tập trung đầu tư đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân.

Nhìn lại quá trình 35 năm xây dựng và phát triển Thành phố, bên cạnh những thành quả có ý nghĩa to lớn, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn những hạn chế, yếu kém và đang đứng trước những thử thách: Kinh tế tăng trưởng chưa bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, năng lực cạnh tranh chưa cao; kết cấu hạ tầng đô thị so với yêu cầu tăng trưởng kinh tế và cải thiện dân sinh còn yếu kém, bất cập; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước trên địa bàn chưa cao, nhất là trong lĩnh vực quản lý quy hoạch, trật tự đô thị, giao thông, ngập nước, môi trường; an ninh trật tự còn diễn biến khá phức tạp.

Đại thắng mùa Xuân 1975 là động lực để Thành phố phấn đấu trở thành “đầu tàu” kinh tế của cả nước

Để xứng đáng Thành phố mang tên Bác Hồ vĩ đại, thành phố Anh hùng, có vinh dự và trọng trách là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; để đền đáp công ơn trời biển của Bác Hồ, của đồng bào và chiến sĩ cả nước đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975; Ðảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng của Người bằng hành động cách mạng cụ thể, xây dựng Thành phố “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Có thể nói, sự phát triển toàn diện của Thành phố trong 35 năm qua, được khơi dậy từ những bài học lịch sử của Đại thắng mùa Xuân 1975; biểu hiện bằng sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị, sự thống nhất giữa các ngành, các cấp, tinh thần năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm của lãnh đạo Thành phố và trên hết chính là sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Với truyền thống năng động và sáng tạo, Thành phố sẽ phát huy những thời cơ và thuận lợi, vượt qua những khó khăn và thách thức phấn đấu trở thành một “đầu tàu” kinh tế của cả nước. Bài học kinh nghiệm từ ý nghĩa của Đại thắng mùa Xuân 1975 được Thành phố rút ra trong 35 năm xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội cụ thể là:

Thứ nhất, bài học kinh nghiệm bao trùm của chiến thắng 30/4 đã chỉ rõ là không ngừng giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết thống nhất toàn dân; thể hiện sức mạnh đoàn kết nhất trí giữa ý Đảng lòng dân, phấn đấu cho mục đích cao cả “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đây là vấn đề sống còn của cuộc chiến tranh cứu nước trước đây và cũng là vấn đề quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thành phố hiện nay.

Thứ hai, trong phát triển kinh tế - xã hội phải luôn chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực trong nước, ngoài nước để phục vụ mục tiêu phát triển Thành phố; trong đó, nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng. Để phát huy nội lực, trước hết phải phát huy tốt tiềm năng nguồn lực con người, nguồn lực toàn xã hội, nhất là tiềm năng vật chất, trí tuệ và tinh thần của nhân dân, của các thành phần kinh tế, chú trọng phát huy, vai trò nòng cốt của kinh tế nhà nước để chủ động điều tiết, dẫn dắt, chi phối thị trường trong trường hợp cần thiết. Giữ vững phát triển kinh tế - xã hội đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, kết hợp với việc động viên thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài để nâng cao hiệu quả xây dựng; đồng thời gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển văn hóa và bảo vệ môi trường; tăng trưởng nhanh phải gắn liền với chăm lo phát triển các lĩnh vực đời sống xã hội, nâng cao chất lượng sống cho nhân dân.

Thứ ba, thường xuyên chăm lo công tác cán bộ, vì đây là nhân tố quyết định việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị, địa phương. Thực tế cho thấy, nơi nào quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí đúng cán bộ; đồng thời kiên quyết thay đổi những cán bộ kém năng lực, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ, xử lý nghiêm những cán bộ mắc sai lầm, thì nơi đó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; với mục tiêu phấn đấu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành “đầu tàu” kinh tế của cả nước, thành phố xã hội chủ nghĩa, văn minh, hiện đại; đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng thành phố thành trung tâm lớn về nhiều mặt của đất nước và khu vực Đông Nam Á, trong giai đoạn phát triển mới, Thành phố tập trung thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phục hồi nền kinh tế, cụ thể là:

Một là, phát huy những giá trị lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, phát huy những thành tựu của gần 25 năm đổi mới, Thành phố tập trung khắc phục hạn chế và thiếu sót, nhằm tạo nên những bước đột phá mạnh mẽ hơn trong nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế và nhiệm vụ then chốt là xây dựng Ðảng. Không ngừng củng cố sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Ðảng bộ, sự đồng thuận cao trong xã hội để phát huy sức mạnh tổng hợp, đưa Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng vượt qua thử thách, tổ chức thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và những năm tiếp theo. Tăng cường xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết của giai cấp công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân và các tầng lớp nhân dân, nhằm củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đi vào chiều sâu, xây dựng hệ thống chính trị thành phố ngày càng vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, tạo cơ sở vững chắc để hoàn thành Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ Thành phố lần thứ VIII, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng và tiến tới Ðại hội Ðảng lần thứ XI, Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ thành phố lần thứ IX.

Hai là, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, chủ động phòng ngừa lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; trong đó ưu tiên đầu tư các chương trình trọng điểm, mang tính đột phá, như: Chương trình giảm ùn tắc giao thông; Chương trình giảm ngập nước; Chương trình giảm ô nhiễm môi trường; Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền đô thị.

Ba là, tiếp tục triển khai đồng bộ và hiệu quả các chủ trương, các nhóm giải pháp chính sách của Chính phủ và Thành phố về lĩnh vực tài chính - tín dụng - tiền tệ, các giải pháp thuế nhằm đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Thực hiện tìm kiếm thị trường cho các doanh nghiệp để tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, duy trì phát triển ổn định. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng sử dụng vốn không đúng mục đích và lãng phí. Tập trung quyết liệt vào những lĩnh vực còn có thể tăng trưởng tốt, nhất là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp và nông thôn; đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế của thành phố. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất trong những lĩnh vực có thị trường và có hiệu quả; phối hợp chỉ đạo nghiên cứu, tiếp tục thực hiện chương trình kích cầu thông qua đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị. Thành phố xác định, nhóm giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu là nhóm giải pháp quyết định. Trong đó giải pháp đột phá cần quyết liệt chỉ đạo là kiềm chế lạm phát, kích cầu phát triển sản xuất, phục vụ thị trường nội địa. Đó là nền tảng cho sự ổn định, giữ vững tăng trưởng kinh tế của Thành phố.

Bốn là, năng động, sáng tạo trong xúc tiến thương mại và đầu tư, vừa tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu; vừa tập trung phát triển và tổ chức tốt thị trường nội địa để khuyến khích sản xuất và tiêu dùng hàng trong nước. Tiếp tục phát huy hiệu quả Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; khuyến khích, hỗ trợ khu vực này phát triển mạnh sản xuất kinh doanh. Tập trung triển khai 6 nhóm giải pháp cấp bách nhằm thu hút và quản lý vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 07-4-2009 của Chính phủ, bao gồm các giải pháp về chính sách thu hút đầu tư, quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, công tác phối hợp trong quản lý nhà nước và xúc tiến đầu tư. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát bảo đảm ổn định giá cả, thị trường và công tác kiểm tra sau thông quan, tập trung thu hồi nợ thuế.

Năm là, tập trung giải ngân nhanh các công trình, dự án đầu tư từ các nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn ODA, FDI và các nguồn vốn dân doanh, nhất là đối với các công trình, dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tiếp tục rà soát và cắt giảm vốn đối với các công trình, dự án chậm triển khai, điều chuyển vốn cho các công trình, dự án cấp bách, có khối lượng được nghiệm thu và sắp hoàn thành, nhằm đưa vào hoạt động và phát huy hiệu quả ngay trong năm 2010. Đồng thời triển khai ngay các gói thầu đã được Thành phố cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ công trình. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát, bảo đảm an toàn thi công, an toàn lao động, ùn tắc giao thông và môi trường đô thị, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân. Đẩy nhanh việc hoàn thành công tác quy hoạch chi tiết 1/2000 các khu vực đã đô thị hóa; triển khai nhanh chương trình nhà ở xã hội, kế hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân và ký túc xá sinh viên. Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy; chủ động phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão.

Sáu là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn việc chăm lo cho diện chính sách, người nghèo và các đối tượng xã hội. Thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, đời sống, việc làm của công nhân, người lao động trên địa bàn; chủ động, phối hợp giải quyết kịp thời và nhanh chóng các vụ tranh chấp lao động, không để xảy ra đình công, lãn công; có chính sách hỗ trợ một phần để bảo đảm đời sống đối với những người bị mất việc làm trong các doanh nghiệp.

Lịch sử đã chứng minh, sự hình thành và phát triển Thành phố luôn gắn liền với tiến trình lịch sử và vận mệnh của đất nước. Từ thuở mở cõi trong gian khổ, khó khăn đến những năm tháng hào hùng chống ngoại xâm giành độc lập và thống nhất Tổ quốc, xây dựng đất nước hôm nay; Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh luôn luôn là nơi hội tụ công sức, tài năng và tâm huyết của cả nước. Ý thức được trách nhiệm nặng nề nhưng đầy vinh quang của mình đối với cả nước, thành phố Hồ Chí Minh quyết ra sức phát huy truyền thống, thế mạnh của mình, không ngừng sáng tạo, tận dụng thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, vượt qua thách thức để “về đích trước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; mãi mãi xứng đáng là Thành phố mang tên Bác Hồ vĩ đại - Thành phố Anh hùng, năng động, sáng tạo, nghĩa tình./.

Lê Hoàng Quân

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh

(TCCS điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất