Chủ Nhật, 13/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 29/4/2010 16:17'(GMT+7)

TS. Cao Sĩ Kiêm: Chính sách tiền tệ có vai trò hết sức quan trọng trong kiềm chế lạm phát

PV: Ông nhận xét như thế nào về sự điều hành chính sách tài chính tiền tệ ở nước ta thời gian qua?

TS.Cao Sĩ Kiêm: Với sự linh hoạt trong điều hành chính sách tài chính tiền tệ của Chính phủ thời gian qua, không chỉ đưa Việt Nam thoát khỏi suy giảm, kiểm soát được lạm phát mà còn góp phần quyết định cho kết quả tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng. Năm 2009, GDP đạt 5,32%, Việt Nam trở thành nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực ASEAN và là một trong số 12 quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng dương. Trong bối cảnh khủng hoảng, suy thoái, nhiều “đế chế” tài chính phá sản nhưng hệ thống tài chính tiền tệ Việt Nam vẫn đảm bảo an toàn. Các chính sách linh hoạt, bám sát thực tế diễn biến của thị trường đã giúp cho hệ thống ngân hàng Việt Nam không bị đổ vỡ, thậm chí vẫn đạt được những kết quả tăng trưởng cao. Đây sẽ là động lực để thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời gian tiếp theo của năm 2010.

PV: Ông có cho rằng sẽ có nghịch lý trong điều hành chính sách tài chính tiền tệ năm 2010, đó là làm sao vừa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng kinh tế, vừa phải đảm bảo cân đối vĩ mô và không để lạm phát cao quay trở lại?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Đây là mâu thuẫn mà việc điều hành chính sách tài chính, tiền tệ trong năm 2010 phải đối mặt. Nhìn vào các chỉ tiêu của nền kinh tế như: tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,5%, lạm phát dưới 7%, tổng mức đầu tư toàn xã hội khoảng 41% GDP..., có thể thấy định hướng tăng trưởng khá nhanh của nền kinh tế so với năm 2009. Điều này đòi hỏi các chính sách, đặc biệt là chính sách tài chính tiền tệ phải phục vụ đắc lực, hiệu quả cho mục tiêu trên. Tuy nhiên, yêu cầu này đang gặp thách thức, vì hiện tại mặt bằng lãi suất và tỷ giá USD/VND đã khá cao, nếu tăng nữa sẽ tác động không tích cực đến hoạt động sản xuất của DN, nhưng nếu giữ cứng quá thì ảnh hưởng đến lạm phát. Thêm vào đó, tình trạng thâm hụt ngân sách, nhập siêu lớn, dự trữ ngoại tệ giảm của năm qua, cũng sẽ gây áp lực cho việc điều hành chính sách tài chính, tiền tệ trong năm nay.

Hiện nay, sự hỗ trợ giữa chính sách tiền tệ với chính sách quản lý ngoại hối đang có sự mâu thuẫn nhau. Chính sách tiền tệ thì muốn làm cho giá trị đồng tiền ổn định, nhưng chính sách quản lý ngoại hối lại làm thế nào để giá trị đồng tiền không giảm quá, tăng quá. Hơn thế nữa, phải làm sao tỷ giá phải vừa khuyến khích được xuất khẩu, vừa hạn chế nhập siêu, vừa đảm bảo nợ vay bằng USD của các DN không quá bị thiệt. Mặt khác, nếu cứ tiếp tục tăng lãi suất, tăng tỷ giá cao chắc chắn sẽ có những tác động xấu đến hoạt động của cả ngân hàng lẫn DN.

Thực tế đặt ra, trong kiềm chế lạm phát vai trò của chính sách tiền tệ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Yêu cầu rất quan trọng với chính sách tiền tệ trong năm 2010 là phải đảm bảo không gây ra mất cân đối cung cầu, ảnh hưởng tới thị trường ngoại hối và thị trường vàng. Bởi nếu không, những hiệu ứng từ hai thị trường này sẽ gây ra những hiệu ứng phụ làm giảm hiệu quả tích cực của công tác điều hành các hoạt động ngân hàng. Ngoài ra, cũng cần kiểm soát được việc tăng lãi suất huy động vốn để không gây ra những làn sóng huy động vốn, chạy đua không lành mạnh; quản lý chặt việc cho vay đầu tư bất động sản, chứng khoán, thậm chí tiêu dùng cũng phải có giới hạn nhất định. Những khoản cho vay này nếu vượt ngưỡng cho phép sẽ gây áp lực tăng giá, ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa, ảnh hưởng đến thị trường sản xuất. Những yếu tố của lạm phát bên ngoài từ nguyên liệu đầu vào thì phải chịu, còn những yếu tố là thương mại nhập khẩu như ô tô, hàng tiêu dùng cũng phải quản lý rất chặt.

Vấn đề đặt ra là, phải chú ý điều hành chính sách tài khoá linh hoạt, để hỗ trợ đắc lực cho chính sách tiền tệ. Trong đó, cần tập trung dồn sức cho giải ngân hiệu quả nguồn vốn FDI, ODA vào những dự án sớm hoàn thành, tạo ra nhiều hàng hoá, công ăn việc làm… Đối với các dự án có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, cần tiếp tục rà soát, loại bỏ các dự án kém khả thi, hiệu quả không cao, để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. Khi chỉ số ICOR giảm sẽ tiết kiệm nguồn vốn đầu tư cho cả khu vực công và khu vực tư. Để nền kinh tế thực sự có chuyển biến về chất, thời gian tới của năm 2010 nên tạo đột phá trong việc “lái” các nguồn vốn đầu tư vào những khu vực, dự án có hiệu quả kinh tế cao. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi chưa đủ mạnh, thậm chí có quốc gia, khu vực chưa định hình một xu hướng rõ rệt, đòi hỏi việc điều hành chính sách tài chính, tiền tệ trong phải có những giải pháp mới, khôn khéo và linh hoạt. Hoạt động dự báo, phân tích diễn biến tình hình kinh tế trong và ngoài nước phải rất sắc bén, nhanh nhạy, vì cũng giống như chẩn đoán bệnh nhân, nếu đưa ra nguyên nhân gây bệnh không đúng tất yếu sẽ điều trị sai và gây nên hậu quả nghiêm trọng. Khi bắt đúng bệnh, cần đưa ra biện pháp xử lý ngay, vì thực tiễn diễn biến kinh tế phức tạp thời gian qua, nhất là trên thị trường tiền tệ chứng minh một giải pháp hôm nay đúng, nhưng ngày mai có thể sai. Cần nâng cao vai trò của hoạt động kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, thì mới có thể giảm thiểu những phản ứng dây chuyền gây tác động tiêu cực lên nền kinh tế.

PV: Chính sách tài chính tiền tệ luôn tác động trực tiếp đến TTCK. Theo ông, với chính sách tài chính tiền tệ hiện nay liệu có khơi thông cho dòng tiền vào TTCK, cũng như nhiều thị trường khác trong năm nay?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Thị trường tiền tệ trong quý I/2010 có hai đặc thù trái ngược nhau. Đó là trong dịp Tết Nguyên đán, cung tiền trở nên căng thẳng do nhu cầu vốn tăng để phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng trong dịp Tết, các DN cần vốn mua nguyên vật liệu dự trữ, trong khi khả năng huy động vốn của các NHTM hạn chế. Một lượng tiền khá lớn chi cho lương, thưởng Tết cũng gây áp lực đáng kể lên nguồn cung tiền. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, tình hình đã diễn biến ngược lại với cung tiền khá dồi dào nhờ các nguồn: tiền bán hàng Tết DN chưa sử dụng ngay, lượng tiền nhàn rỗi trong dân nhiều… Sau Tết Nguyên đán, lượng vốn huy động được của các NHTM tăng khá mạnh, trong khi nhu cầu vay của các khách hàng, nhất là DN chưa nhiều, cộng với đầu năm gần như không bị áp lực khống chế tăng trưởng tín dụng, nên các NHTM sẽ mở rộng hầu bao đáp ứng nhu cầu đa dạng của người vay.

Với những diễn biến này của thị trường tiền tệ chắc chắn khơi thông dòng tiền cho TTCK. Sẽ có một dòng tiền đáng kể không chỉ chờ TTCK, mà nhiều lĩnh vực kinh doanh khác hấp thụ. Khi “cơn khát” dòng tiền được giải toả, cùng với các yếu tố kinh tế vĩ mô tốt lên, chắc chắn TTCK sẽ có bước tăng trưởng mới.

PV: Một vấn đề nổi bật trong năm 2009 là bùng nổ tin đồn trên các thị trường, gây ra không ít tác động tiêu cực. Để khắc chế tình tràng này trong thời gian tiếp theo của năm 2010, chúng ta cần làm gì thưa ông?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Phát tán tin đồn trên thị trường không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, khi tin đồn đó làm méo mó, tác xấu đến thị trường, gây hoang mang cho người dân, NĐT và DN thì chúng ta cần phải có biện pháp mạnh để khắc chế, dẹp loạn tin đồn đó.

Theo tôi, tin đồn thông thường được phát tán ra dưới ba dạng: Thứ nhất là tin đồn được tung ra do không hiểu vấn đề, hay còn gọi "nghe hơi nồi trõ", rỉ tai nhau; Thứ hai là tin đồn tung ra làm cho thị trường nhốn nháo, nhiễu loạn thông tin để trục lợi cá nhân; Thứ ba là tin đồn phá hoại. Loại tin đồn này tung ra nhân lúc thị trường diễn biến phức tạp để làm cho người dân, DN hoang mang nhằm kéo lùi sự ổn định và phát triển của thị trường...

Với ba loại tin đồn khác nhau này chúng ta cần có biện pháp xử lý khác nhau: Loại thứ nhất thì cần phải minh bạch, công khai, rõ ràng và thường xuyên giải thích để người dân, NĐT hiểu rõ bản chất vấn đề của tin đồn này; Loại thứ hai, cần phải có cơ chế rõ ràng và nghiêm ngặt để xử lý triệt để những tình trạng tung tin đầu cơ trục lợi. Ví dụ như các sàn vàng, các điểm mua bán ngoại tệ làm ăn không đàng hoàng, tung tin nhằm trục lợi thì các cơ quan quản lý nên thẳng tay rút giấy phép, xử lý thật nặng về kinh tế; Loại thứ ba cần xử lý thật nghiêm bằng pháp luật, có thể truy tố. Bên cạnh đó cần phải tuyên truyền sâu rộng các chính sách liên quan để người dân hiểu và tố giác để các cơ quan chức năng xử lý những đối tượng tung tin đồn làm rối loại thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Hải (Thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất