Chủ Nhật, 13/10/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 27/4/2010 20:51'(GMT+7)

Phát huy vai trò kinh tế biển

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Trong những năm gần đây, kinh tế biển ở Việt Nam đã có bước phát triển mạnh, đạt tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm. Hàng năm, vùng biển và ven biển đóng góp hơn 40% GDP và 50% giá trị xuất khẩu cho kinh tế cả nước, giải quyết việc làm cho hơn 10 triệu lao động và thu hút hơn 50% vốn đầu tư nước ngoài. Tại vùng ven biển đã hình thành 3 vùng kinh tế trọng điểm, với hàng chục khu công nghiệp, khu chế xuất. Cùng với đó, lợi thế của vùng biển Việt Nam nằm ngay trên một số tuyến hàng hải chính của quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội giao thương với các nước trên thế giới.

Trong công cuộc hội nhập và phát triển của Việt Nam, vùng biển và ven biển được coi là cửa mở lớn, là "mặt tiền" quan trọng để thông thương với bên ngoài. Việt Nam có bờ biển dài, bề ngang hẹp, nơi xa biển nhất chỉ khoảng 500km, nên khá thuận tiện cho các địa phương vận chuyển hàng hóa ra biển. Hiện nay, phần lớn khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và giao thương nội địa đều sử dụng đường biển. Việt Nam hiện có hơn 80 cảng biển, với tổng năng lực hàng hóa thông quan khoảng trên 100 triệu tấn/năm.

Vùng biển và ven biển Việt Nam có nguồn tài nguyên khá phong phú và đa dạng, trong đó dầu khí chiếm vị trí quan trọng nhất. Tại vùng biển và thềm lục địa Việt Nam đã xác định nhiều bể trầm tích có triển vọng dầu khí với trữ lượng lớn, trong đó trữ lượng khai thác khoảng 2 tỷ tấn. Tài nguyên hải sản khá phong phú và đa dạng cũng là một thế mạnh của biển Việt Nam. Với trữ lượng gần 5 triệu tấn, hàng năm vùng biển Việt Nam có thể cho khai thác 1,7 triệu tấn cá, 60-70 ngàn tấn tôm, 30-40 ngàn tấn mực và hàng chục vạn tấn hải sản khác. Ngoài ra, dọc ven biển còn có nhiều eo vịnh, đầm phá ven bờ rất thuận tiện để nuôi trồng các loại hải sản có giá trị xuất khẩu cao. Du lịch ven biển hiện cũng đang có ưu thế hơn rất nhiều so với các hình thức du lịch trong nội địa. Dọc bờ biển hiện có tới 125 bãi biển thuận lợi cho du lịch, nghỉ dưỡng, trong đó có khoảng 20 bãi biển đạt quy mô và tiêu chuẩn quốc tế.

Với vị trí địa chiến lược đặc biệt, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập phát triển kinh tế mạnh mẽ như hiện nay biển thực sự trở thành “biển vàng” cho con người. Trước hết, hãy kể đến nguồn lợi truyền thống của biển - nguồn lợi thuỷ sản. Chỉ bằng việc nuôi trồng thuỷ sản trên biển gần bờ, chúng ta không có gì khó khăn trong việc kiếm vài trăm triệu USD cho mỗi km bờ biển, nghĩa là mỗi năm chúng ta có thể thu được 5 – 6 tỷ USD chỉ tính từ nuôi thủy sản trên biển. Nếu cộng với nguồn lợi khai thác theo kiểu đánh bắt truyền thống từ biển, con số này có thể lên tới hàng chục tỷ USD. Bên cạnh nguồn lợi thuỷ sản, biển còn chứa đựng nhiều tài nguyên biển mà đến nay, nhiều thứ trong số đó vẫn chưa định giá được. Đó là dầu khí, vàng, muối, mangan và các loại quặng quý khác. Một khía cạnh khác, lợi thế của biển còn là lợi ích của các tuyến vận tải biển, của đường hàng không trên biển tại một vùng đang trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế mạnh nhất thế giới. Người ta tính rằng, sẽ có tới 2/3 khối lượng hàng hoá xuất nhập khẩu của thế giới phải đi qua vùng biển nước ta trong 5 – 10 năm tới. Số lượng các nhà kinh doanh và khách du lịch đi qua đây cũng sẽ tăng vọt…

Tuy nhiên, thực tế hiện nay Việt Nam vẫn chưa phát huy được hết lợi thế và tiềm năng vốn có mà thiên nhiên ưu ái cho để phát triển kinh tế biển vững mạnh. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù Việt Nam sống gần biển nhưng chưa hiểu biển. Nhận diện về kinh tế biển trong thời điểm hiện nay, theo TS.Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam: “Tư duy phát triển kinh tế biển của chúng ta vẫn là tư duy đất liền, tư duy tiểu nông với phương thức sinh tồn chỉ dựa vào đất, tầm nhìn tự cấp, tự túc bị bó hẹp trong không gian làng xã đã có những ảnh hưởng to lớn theo chiều hướng cản trở quá trình xác lập và phát triển hệ tư duy “mở”, hướng ra thế giới và vươn ra đại dương.

Thực tế, dù Việt Nam đang được vươn lên như một cường quốc thuỷ sản (đã đứng trong tốp 10 nước hàng đầu thế giới về phát triển thuỷ), nhưng cộng đồng ngư dân ven biển vẫn đang phải sống trong cảnh nghèo đói. Trong số khoảng 20 triệu dân sống ở 115 huyện ven biển có cuộc sống gắn bó với nguồn lợi biển vẫn còn 14% (khoảng 208 xã) cộng đồng dân cư sống ở mức nghèo khó nhất và 6% thiếu thốn cơ sở hạ tầng cơ bản ở mức cộng đồng. Ngoài ra, chúng ta còn 157 xã bãi ngang ven biển và hải đảo đặc biệt khó khăn. Do nghèo nàn và lạc hậu, nên ngư dân phải phát triển nghề cá nhỏ. Với trình độ khai thác nghề cá lạc hậu và cơ sở hạ tầng yếu kém thì việc giúp đỡ cho ngư dân thoát nghèo là rất khó khăn. Hiện nay, cả nước có khoảng 100.000 tàu thuyền đánh cá trên biển, nhưng 90% số tàu này dưới 45CV và hầu hết là tàu cũ, có tuổi thọ cao. Do khai thác thủ công và tận diệt, đến nay, 80% hệ sinh thái biển nằm trong nguy cơ rủi ro và bị đe doạ. Như hệ sinh thái san hô - được coi là rừng nhiệt đới dưới đáy biển - chỉ có 25% là rạn tốt, đủ tiêu chuẩn, còn toàn bộ nằm trong trạng thái suy thoái, yếu và không thể phục hồi được và nguồn lợi về hải sản đang dần cạn kiệt.

Đến bao giờ biển Việt Nam thực sự trở thành biển vàng trong nền kinh tế đất nước? Đây không chỉ là băn khoăn của các chuyên gia kinh tế mà còn là của cả các cơ quan quản lý và người dân. Thực tế trong phát triển kinh tế hiện nay, các nước trên thế giới đều có xu hướng vươn mạnh ra các vùng không gian rộng lớn như biển. Trong quá trình toàn cầu hoá, các nước giáp biển đều có chiến lược biển và “cửa ngõ biển cả” càng phải làm sao cho thông thoáng để tiếp nhận những “luồng gió trong lành” của bốn phương thổi tới, mở mang đất nước.

Cũng theo ông Thiên, Việt Nam có hai mặt tiền quan trọng nhất là hướng ra biển và sau lưng dựa vào núi, nhưng chúng ta lại tiếp cận lợi thế mặt tiền này rất yếu. Để phát huy thế mạnh và hạn chế điểm yếu, việc đa dạng hóa các loại hình phát triển đối với các vùng tự nhiên - sinh thái ven biển là một vấn đề mang tầm chiến lược. Phát triển vùng ven biển nhằm tạo động lực lan tỏa hỗ trợ phát triển vùng trung du-miền núi, đồng thời tạo cơ sở cho phát triển một nền kinh tế biển vững chắc và lâu dài; đặc biệt chú ý phát triển dịch vụ cảng “quá cảnh” đối với các nước hoặc vùng lãnh thổ không có biển lân cận nước ta và vùng nội địa rộng lớn của khu vực các nước ASEAN, cũng như các dịch vụ hàng hải và tìm kiếm cứu nạn trên biển Đông. Điều này tạo ra tiền đề cho việc hoạch định một chiến lược kinh tế biển tầm cỡ gắn với một nền quốc phòng và an ninh trên biển phù hợp với xu thế phát triển của một quốc gia biển. Vùng ven biển là “bàn đạp” tiến ra biển, là hậu phương hỗ trợ các hoạt động trên biển thông qua các trung tâm kinh tế hải đảo. Cho nên, dọc ven biển phải kiến tạo các cực phát triển mạnh (trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội... tức là các đô thị lớn ven biển) có bán kính ảnh hưởng rộng ra biển, có khả năng đối trọng với các cực phát triển lớn trong khu vực biển Đông; và các hành lang kinh tế ven biển, lôi kéo không chỉ nội vùng và lân cận, mà còn vào sâu nội địa và lan ra xa ngoài biển.

Vùng bờ cũng là mảng không gian cực kỳ quan trọng đối với phát triển thủy sản bền vững. Đây là nơi cư trú tự nhiên, nơi sinh đẻ và ươm nuôi ấu trùng của nhiều loài thủy sinh vật không chỉ ở ngay vùng bờ mà còn từ ngoài khơi vào theo mùa. Các hệ sinh thái quan trọng đều tập trung ở vùng này, cung cấp tiềm năng bảo tồn đa dạng sinh học biển và nguồn giống hải sản tự nhiên cho nghề khai thác và nuôi trồng hải sản.

Vùng biển rộng lớn ở phía ngoài là không gian phát triển các hoạt động hàng hải và khai thác dầu khí ở thềm lục địa, đồng thời sẽ là nơi diễn ra các hoạt động hợp tác và hội nhập kinh tế biển sôi động hơn khi nước ta đã trở thành thành viên của WTO. Biển là cửa mở của quốc gia để giao lưu quốc tế, nhưng vẫn cần chủ động “mở cửa” để hội nhập quốc tể trên biển. Vùng này cũng là không gian phát triển của nghề cá đa loài với đặc trưng nổi bật nhất là quanh năm đều có cá đẻ. Đây là nơi phát triển nghề đánh bắt hải sản với số lượng tàu thuyền khá lớn (trên 90.000 chiếc), khoảng 10.000 chiếc hoạt động hàng ngày trên biển, cho nên ngư dân là lực lượng duy nhất vừa làm kinh tế vừa góp phần bảo vệ an ninh vùng biển tổ quốc. Nếu như trên đất liền khả năng canh tác chỉ đạt đến độ sâu khoảng 1,5 mét, thì ở dưới biển con người có thể nuôi hải sản trong lồng đến độ sâu hơn 50 mét. Nhìn từ giác độ như vậy thì tiềm năng nuôi thủy sản ở biển nước ta còn khá lớn, nhưng suất đầu tư cần phải cao hơn mức hiện nay. Bên cạnh đó, có thể tận dụng không gian biển trong phạm vi các công trình giàn khoan dầu khí, các công trình biển khác để xúc tiến nuôi cá biển lồng bè. Bên cạnh đó, cần nắm vững đặc trưng của các “yếu tố đại dương” của biển Đông và quy luật ảnh hưởng vào biển Việt Nam để tận dụng phát triển nghề đánh bắt một số loài đặc sản di cư theo mùa vào vùng biển nước ta, như cá ngừ đại dương... Phát triển không gian kinh tế biển phải gắn chặt với kinh tế hải đảo và các trung tâm kinh tế ở vùng ven biển.

Việt Nam có đến hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ phân bố tập trung ở vùng ven bờ và các quần đảo ngoài khơi, nước ta có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế hải đảo. Bên cạnh các giá trị cảnh quan nổi, quanh đảo còn quy tụ các hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi hải sản, đối với phát triển nghề cá và du lịch sinh thái biển. Trên đảo có các làng cá, di tích văn hóa, lịch sử... góp phần tạo ra các giá trị du lịch mà đến nay chưa được khai thác và phát triển theo đúng nghĩa của nó. Không ít đảo có lợi thế địa lý, có thể xây dựng thành trung tâm kinh tế hải đảo với cơ sở hậu cần nghề cá và dịch vụ biển xa hiện đại. Tuy nhiên, hiện nay, các đảo của nước ta đang được khai thác một cách tự phát, thiếu quy hoạch và thiếu cơ sở khoa học. Do đó, cần xác định chức năng theo thế mạnh của từng đảo hoặc cụm đảo và tiến hành quy hoạch/lập kế hoạch phát triển kinh tế hải đảo. Quy hoạch phát triển kinh tế hải đảo là cụ thể nhưng cần đặt trong tư duy tổng thể phát triển hệ thống đảo và từng vùng biển, cũng như phải nhìn cả ở giác độ địa kinh tế, địa chính trị.

Đối với các cụm đảo nhỏ, đảo hoang sơ thì phát triển kinh tế đảo gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch sinh thái biển đảo (bao gồm du lịch lặn)...; đối với các đảo/cụm đảo lớn, đông dân như Phú Quốc, Vân Đồn, Côn Đảo, Cát Bà, Lý Sơn, Phú Quý... thì xây dựng thành các trung tâm kinh tế hải đảo toàn diện, có bán kính ảnh hưởng rộng ra vùng xung quanh và là những cực phát triển “tiếp nối” quan trọng trong bình đồ tổ chức không gian biển.

Mặc dù lợi thế kinh tế biển mở ra rất lớn và nhiều, nhưng để thực thi được, lại đòi hỏi vốn lớn, khoa học - kỹ thuật hiện đại, năng lực kinh doanh, sản xuất, trình độ quản lý cao. Đó là những đòi hỏi bắt buộc để phát triển kinh tế biển nói riêng và chiến lược biển nói chung. Điều quan trọng hơn là chúng ta phải có tầm nhìn và hành động cụ thể để biến những lợi thế đó thành sự phát triển thực tế./.

Vũ Quỳnh Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất