Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 15/1/2010 9:4'(GMT+7)

Góp phần đổi mới chương trình giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X đã chỉ rõ khuyết điểm, yếu kém của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trước đó là: tính định hướng, tính chiến đấu, tính thuyết phục và hiệu quả chưa cao… vì vậy yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giảng dạy và học tập lý luận chính trị… là rất cần thiết.

Việc nghiên cứu, đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục lý luận chính trị được đặt ra xuất phát từ tính mục đích, tính hiệu quả của quá trình truyền bá, giáo dục hệ tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu khách quan của sự nghiệp đổi mới ở nước ta, vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Vậy, đổi mới bắt đầu từ đâu? Đây là một vấn đề lớn, gồm nhiều nội dung như: xác định mục tiêu, yêu cầu nội dung, khối lượng kiến thức của các chương trình, biên soạn tài liệu học tập, giáo trình, cách tổ chức, phương pháp thực hiện, đào tạo đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý… Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ nêu một số ý kiến về việc đổi mới, xây dựng chương trình giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở.

Hiện nay ở cơ sở đang thực hiện nhiều chương trình (chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác…). Nhìn chung các chương trình đã có đổi mới, song vẫn còn có những hạn chế. Các chương trình lý luận chính trị (kể cả trong hệ thống giáo dục trong Đảng cũng như trong các đoàn thể chính trị-xã hội) tính lý luận còn đơn giản, chương trình được kết cấu trình bày dưới dạng học đường lối, nghị quyết của Đảng. Sự mất cân đối này là do quan niệm chưa rõ ràng và đầy đủ, chưa làm rõ sự khác nhau giữa chương trình giáo dục lý luận chính trị với chương trình học tập đường lối. Ví dụ trong chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị dùng cho đảng viên mới, nhiều bài được xây dựng dựa trên tiêu đề của Văn kiện Đại hội X, (như bài số 3; 4; 5; 6; 7…). Vì vậy, khi thể hiện nội dung rất dàn trải, chưa có điều kiện đi sâu, làm rõ tính lý luận của vấn đề cơ bản.

Cần khẳng định một cách dứt khoát rằng: Căn cứ vào nghị quyết Đại hội Đảng để xây dựng chương trình là việc làm cần thiết và đúng đắn, song cũng cần nắm vững mục đích yêu cầu của công tác giáo dục lý luận chính trị mà Đảng ta đã nhiều lần chỉ ra là, góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên…Vì vậy, trong cấu tạo chương trình, cần có phần lý luận với liều lượng phù hợp với yêu cầu và trình độ nhận thức của người học. Điều này đòi hỏi trình độ năng lực và kinh nghiệm xử lý của những người xây dựng chương trình. Thực hiện được như vậy, các chương trình giáo dục lý luận chính trị vừa góp phần nâng cao trình độ lý luận cho người học, đồng thời cũng là cơ sở để nhận thức sâu sắc đường lối chủ trương của Đảng, vừa làm rõ sự khác nhau giữa chương trình, tài liệu học tập lý luận chính trị, với chương trình, tài liệu học tập nghị quyết, đường lối, chắc chắn sẽ tạo sự hứng thú và bổ ích hơn đối với người học…Tóm lại, khi xây dựng chương trình, cần làm rõ tính chất, đặc thù, sự khác nhau của các loại chương trình (giữa chương trình học tập lý luận chính trị chương trình học nghị quyết Đảng và các chương trình khác, phù hợp với yêu cầu nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên như Quy định số 54 của Bộ Chính trị đã nêu rõ).

- Đối với các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, cần tăng cường tính nghiệp vụ, giúp cho người học sẽ biết phải làm gì và làm như thế nào sau khi được học tập về. Đương nhiên, trong khung chương trình, tài liệu không thể nói cụ thể, mà cần chỉ ra những nguyên tắc phương hướng và phương châm cơ bản, để người giảng sẽ cụ thể hóa, sát với thực tế đối tượng, giúp người học vận dụng. Trong bài “Công tác vận động nhân dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ về phương châm cơ bản của người cán bộ dân vận: "Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm và phải thật thà nhúng tay vào việc"(2) và "Hiểu dân chúng", "tin dân chúng", "học dân chúng"; "Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng"(2)... Sau này các văn kiện của Đảng đã khẳng định và cụ thể hóa phương châm đó: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"; "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân"; "Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin". Những điều này cần phải được thể hiện và trình bày trong chương trình và tài liệu để người truyền đạt và người học vận dụng...

- Một vấn đề có tính nguyên tắc cần nắm vững và thể hiện trong các chương trình là, cần trình bày chính xác, đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng (và yêu cầu phải trình bày quan điểm mới nhất), không được sử dụng quan điểm cũ, không được cắt xén khi phân tích, đây là điều cấm kỵ (nếu không muốn nói đây là một thiếu sót nghiêm trọng,). Mặt khác, trong chương trình, phần thực trạng tình hình nên trình bày thật gọn, bởi đây là phần luôn được bổ sung, phát triển theo tình hình thực tế chung của cả nước cũng như mỗi địa phương, đòi hỏi khi truyền đạt, các giảng viên cần cập nhật, còn trong chương trình chỉ nêu một số nét cơ bản, cần tập trung làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề, nhất là những nhận thức, bổ sung mới của Đảng. Điều đó sẽ tăng tính thuyết phục cho người học và thuận lợi cho người truyền đạt.

Để nâng cao chất lượng chương trình, theo chúng tôi có mấy việc sau:

Một là, cần kế thừa một cách hợp lý những kinh nghiệm về quy trình xây dựng chương trình đã tổng kết trước đây và nâng nó lên tầm cao mới (như khảo sát, tổng kết, hội thảo đánh giá ưu, nhược điểm của chương trình đã có, từng bước tổ chức thí điểm cùng với quá trình hoàn thiện chương trình mới ...), yêu cầu công việc này phải thực hiện rất nghiêm túc để sử dụng làm rõ cơ sở thực tiễn cho việc bổ sung hoặc xây dựng chương trình mới.

Hai là, phải thực sự dân chủ và cầu thị trong quá trình nghiên cứu và thực hiện xây dựng chương trình. Một mặt, phải căn cứ vào yêu cầu thực tiễn và quan điểm chỉ đạo của Đảng; mặt khác, cần tranh thủ sự đóng góp rộng rãi của các chuyên gia, các nhà khoa học và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ hoạt động thực tiễn để xây dựng chương trình ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục lý luận chính trị...

Ba là, có kế hoạch từng bước công bố kết quả nghiên cứu và thực hiện xây dựng chương trình trên tạp chí hoặc trên các trang website chuyên ngành nhằm chuẩn bị tư tưởng để xã hội đón nhận. Đối với các giảng viên và đội ngũ cán bộ thực hiện công tác giáo dục lý luận chính trị ở địa phương, cơ sở sẽ được tiếp cận với những vấn đề mới và có thể vận dụng vào bài giảng một cách kịp thời, đồng thời qua đó cũng nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc và những người quan tâm trong cả nước làm cho việc nghiên cứu đạt hiệu quả hơn. Đương nhiên, những ý kiến góp ý có thể khác nhau, thậm trí trái ngược nhau, đó là điều bình thường. Trách nhiệm của chúng ta là tiếp thu, xử lý có chọn lọc những ý kiến đóng góp để công việc nghiên cứu xây dựng chương trình ngày càng hoàn thiện, chất lượng hơn.

Tóm lại, đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở có nhiều việc phải làm, song việc trước tiên cần tập trung nghiên cứu xây dựng các chương trình, trong đó làm rõ mục đích, yêu cầu, nội dung cơ bản của mỗi chương trình, đảm bảo sự cân đối, kết hợp hài hòa chặt chẽ giữa lý luận và đường lối chính trị; giữa lý luận và nghiệp vụ; giữa yêu cầu nâng cao trình độ lý luận của Đảng phù hợp với trình độ nhận thức và đáp ứng nhu cầu của cán bộ, đảng viên ở cơ sở trong tình hình mới./.

TS. Vũ Ngọc Am
---------------------

(1), (2) Ban Dân vận TW, Cẩm nang công tác dân vận, Nxb CTQG, H, 2007, tr.355, 355

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất