Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 22/1/2010 14:27'(GMT+7)

Xuất bản năm 2010: Cân bằng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài

Mảng sách kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được các NXB tập trung phát hành trong năm 2010. Ảnh: Đàm Duy

Mảng sách kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được các NXB tập trung phát hành trong năm 2010. Ảnh: Đàm Duy

Cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Kiểm đã trao đổi với phóng viên về những nhiệm vụ trọng tâm năm 2010 của ngành xuất bản.

- Thưa Cục trưởng, trong nhiều khâu của hoạt động xuất bản, chúng ta vẫn mắc ở chỗ thiếu quy định mang tính pháp lý. Vậy năm 2010, nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật sẽ được thực hiện thế nào?

- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật là một nhiệm vụ chính của cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, năm 2010 chúng tôi tiếp tục triển khai mạnh mẽ nội dung này. Trước hết, Cục sẽ thực hiện một số đề tài, chuẩn bị các luận cứ khoa học tiến tới hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật. Ví như: "Quy trình và một số biện pháp kỹ thuật xử lý xuất bản phẩm vi phạm". Lâu nay việc này được phân cấp cho các sở TT-TT địa phương, nhưng để hiểu đúng đắn quy trình tổ chức, thẩm định nội dung, xử lý đối với các tác phẩm vi phạm Luật Xuất bản thì chưa có những quy định rõ ràng, chi tiết. Tổ chức thế nào, nếu sách không được lưu hành thì quy trình xử lý ra sao, ai giữ, niêm phong, thu, thời hạn bao lâu và để làm gì… Đó là những ứng xử đòi hỏi phải hướng tới chuyên nghiệp. 
 

Hay như hoạt động của văn phòng đại diện NXB và cơ sở phát hành của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam cũng đòi hỏi có thông tư hướng dẫn cụ thể. Rồi quy định về tài trợ đặt hàng của Nhà nước nhằm định hướng văn hóa đọc, công bố các xuất bản phẩm về văn hóa, lịch sử, ngoại giao… cũng phải được quan tâm.

Đặc biệt ở tầm vĩ mô, Bộ TT-TT sẽ xây dựng để trình Chính phủ đề án hoàn thiện cơ chế chính sách đối với hoạt động xuất bản: mô hình tổ chức nào cho NXB, doanh nghiệp, hay đơn vị sự nghiệp, hay một dạng khác…; các cơ chế, chính sách đặc thù như thuế, đầu tư các dự án trọng điểm góp phần tạo nên quỹ bản thảo… Điều này vô cùng quan trọng, vì nó sẽ đặt nền móng cho cả hoạt động xuất bản thời gian dài. Bên cạnh đó là đề án "Quỹ hỗ trợ xuất bản" theo ý tưởng của Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc tại hội nghị tổng kết năm 2009 của Bộ vừa qua.

- Thưa ông, bên cạnh nhiệm vụ nặng nề nói trên, năm 2010 cũng là năm có ý nghĩa đặc biệt với sự kiện Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và nhiều ngày lễ lớn khác. Trong không khí này, ngành xuất bản đã có kế hoạch gì cụ thể?

- Ngành xuất bản chắc chắn sẽ góp phần vào việc kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của đất nước với nhiều kế hoạch cụ thể. Trước hết, cuối tháng 3 năm 2010, chúng tôi sẽ phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội chợ sách hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đến tháng 8 hoặc tháng 9 sẽ có Hội chợ sách tại Hà Nội.

- Năm 2010 cũng là năm đẩy mạnh việc giới thiệu ấn phẩm Việt Nam ra nước ngoài, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước với Thủ đô bước vào ngàn năm tuổi. Việt Nam sẽ tham gia hàng loạt hội chợ, lớn nhất là Franfurt (Đức), sau đó là trưng bày và tặng lại toàn bộ sách cho bà con Việt kiều ở Nhà Văn hóa Việt (Việt House, Berlin, Đức); trưng bày sách tại Paris (Pháp), Praha (Séc). Năm 2010, chúng tôi cũng phối hợp với một số cơ quan tại Lào tổ chức cuộc thi đọc sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm (cuốn sách vừa được Nhà nước tài trợ dịch và tặng cho các bạn Lào). Năm nay, bản dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm bằng tiếng Tây Ban Nha cũng sẽ được bàn giao cho Cuba để phát hành ở Cuba và các nước nói tiếng Tây Ban Nha tại Nam Mỹ.

Chào mừng 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cục Xuất bản sẽ tổ chức dịch và xuất bản cuốn "Hồ Chí Minh biên niên sử" (hơn 300 trang) của một nhà báo Đức đã có nhiều năm thường trú tại Việt Nam.

Cùng với những hoạt động trên, các NXB trên cả nước cũng đang tập trung vào hai mảng sách lớn đã thu được kết quả tốt những năm qua là "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và "Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội".

- Thưa Cục trưởng, năm 2010, cho dù không mong muốn nhưng vẫn phải nhắc tới việc xử lý các ấn bản phẩm vi phạm Luật Xuất bản. Ông có thể chia sẻ quan điểm về nhiệm vụ này?

- Tôi nghĩ quan trọng là xử lý thế nào để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật nhưng tránh sự tò mò của một bộ phận người đọc, gây phản tác dụng.

Luật pháp đã quy định và giao nhiệm vụ trực tiếp cho Giám đốc, Tổng biên tập các NXB từ đọc bản thảo cho tới đăng ký kế hoạch, công bố tác phẩm. Cục Xuất bản là đơn vị xác nhận tính hợp pháp của việc đăng ký và trách nhiệm hậu kiểm sau khi sách ra. Muốn làm hậu kiểm tốt thì phải nắm bắt thông tin ngay từ khi đăng ký kế hoạch đề tài; khi nộp lưu chiểu thì phải phân loại, loại nào kiểm tra cơ bản, loại nào phải đọc kỹ; tổ chức cộng tác viên tin cậy đủ trình độ để thẩm định và nhanh chóng đưa ra ý kiến xử lý theo pháp luật.

- Xin cảm ơn Cục trưởng!


(Theo HNM online)


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất