Thứ Ba, 26/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 18/8/2011 14:59'(GMT+7)

Thay đổi nhận thức về vấn đề bình đẳng giới trong giáo dục

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Những tồn tại trong thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục

Theo số liệu thống kê hàng năm về giáo dục của Bộ GD - ĐT; Báo cáo của Uỷ ban Về các vấn đề xã hội về kết quả giám sát tình hình thực hiện bình đẳng giới và triển khai thi hành Luật Bình đẳng giới cho thấy, việc tiếp cận với giáo dục của trẻ em gái và nữ giới dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn và trở ngại hơn so với các em trai và nam giới. Tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo vẫn thấp hơn so với nam giới đã làm hạn chế các cơ hội lựa chọn việc làm có chuyên môn kỹ thuật, có thu nhập cao của lao động nữ. Tỷ lệ nữ có học hàm, học vị cao còn quá thấp so với nam giới. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ đạt học vị tiến sỹ, tiến sỹ khoa học, giáo sư thấp hơn khoảng 5 - 18 lần so với nam giới (năm 2007). Điều này, ảnh hưởng lớn đến khả năng thăng tiến và đóng góp của phụ nữ vào trong công cuộc phát triển KT - XH. Nghiên cứu của Công ty kiểm toán và tư vấn Grant Thornton Việt Nam ngày 8.3.2011 cho thấy, tại các doanh nghiệp ở Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ nắm giữ chức vụ giám đốc điều hành là 16%, bộ phận nhân sự chiếm 10%. Đây là những con số thể hiện sự mất bình đẳng chưa được cải thiện nhiều tại nước ta. Một câu hỏi đặt ra: đâu là những nguyên nhân của tình trạng này?

 Theo Báo cáo phát triển con người năm 2009 của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc, Việt Nam là một trong những nước đạt thành tích cao trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Việt Nam có chỉ số phát triển giới (GDI) đứng vị trí 94/155 nước. Lần đầu tiên Việt Nam có tên trong danh sách các nước có số đo về sự trao quyền cho giới (GEM) với vị trí thứ 52/93 nước, đứng thứ 68/130 nước về chỉ số cách biệt giới (GGI) năm 2008. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, bình đẳng giới trong giáo dục của Việt Nam vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần giải quyết trong thời gian tới.

Một trong những nguyên nhân được coi là có tính cố hữu của tình trạng này đó là định kiến giới, tư tưởng gia trưởng trọng nam hơn nữ vẫn tồn tại một cách phổ biến tại các gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội. Một số quy định trong các lĩnh vực liên quan đến bình đẳng giới còn chưa phù hợp đã dẫn tới những hạn chế điều kiện và cơ hội tham gia của phụ nữ như vấn đề tuổi nghỉ hưu của phụ nữ là 55, của nam giới là 60; hay tuổi đề bạt bổ nhiệm của cán bộ công chức nữ là 50 trong khi nam giới quy định là 55… Việc lồng ghép giới trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình và dự án giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, chưa được thể chế  hoá. Công tác thống kê số liệu giáo dục có tách biệt giới chưa được các cơ quan, tổ chức quan tâm, kể cả với cơ quan thống kê.

Có một thực tế là, không chỉ nam giới có tư tưởng tạo sự mất bình đẳng giới mà ngay cả phụ nữ - đối tượng chịu sự ảnh hưởng của sự mất bình đẳng đó cũng đôi khi chấp nhận thực tế đó như một lẽ đương nhiên. Do đó, chưa có được cách giải quyết vấn đề này một cách gốc rễ, hiệu quả.

Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Rose Marie Greve nhận định: mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm. Bất bình đẳng giới còn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo và là một trong những cản trở cho sự phát triển bền vững. Người phụ nữ cần bộc lộ hết khả năng của mình cũng như thực thi và hưởng quyền của mình. Thiếu bình đẳng về giới đang gây cản trở cho phát triển và ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các thành viên trong gia đình và xã hội.

Giải pháp nhằm tiến tới bình đẳng giới trong giáo dục

Theo Phó Vụ trưởng Vụ công tác học sinh - sinh viên, Bộ GD - ĐT Hà Thị Dung, cơ hội đến trường được mở rộng cho tất cả mọi người, đặc biệt ở cấp học đại học, tỷ lệ sinh viên nữ đang có xu hướng tăng dần đều qua các năm 2004 - 2007 (47,79% - 53,50%), trong đó năm học 2006 - 2007 tỷ lệ học sinh, sinh viên nữ còn cao hơn tỷ lệ học sinh, sinh viên nam (nữ 53,50%, nam 46,50%). Và một trong những biện pháp được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới là phải tăng cường công tác truyền thông, trong đó phải tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong giáo dục nói riêng. Cần hoàn thiện cơ sở pháp lý thông qua việc nghiên cứu, ban hành chiến lược, chính sách và mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Theo đó, khi quy định những vấn đề liên quan đến tuổi của nam hay nữ nên quy định theo hướng mở để nữ giới có có hội lựa chọn, có cơ hội được đóng góp và cống hiến cho xã hội. Trong khi việc bình đẳng giới chưa đạt được hiệu quả thì việc kiện toàn bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới tại các cơ sở giáo dục là hết sức cần thiết. Trong đó, cần phải có các chính sách đặc thù cho những cán bộ, nhân viên làm trong lĩnh vực này để giúp họ ổn định tâm lý cho thực hiện công tác bình đẳng giới…

Để đạt được mục tiêu bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong giáo dục nói riêng cần phải có lộ trình và thời gian để thực hiện. Sự chung tay của các cấp các ngành để cùng thực hiện mục tiêu xã hội này là hết sức cần thiết, song điều đặc biệt quan trọng lúc này là cần phải thay đổi cơ bản nhận thức truyền thống của mỗi giới về vấn đề bình đẳng giới.


Hà An/ Đại biểu nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất