Ngày 15 tháng 2 năm 2011, trong bài thuyết giảng tại trường đại học George Washington, đề cập vấn đề “tự do báo chí”, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa kỳ H.Clinton đã lên tiếng chỉ trích một số quốc gia “vi phạm tự do Internet”, trong đó có Việt Nam. Điều này không có gì mới, cũng không có gì khác biệt, nếu so với luận điệu của một số cá nhân và tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam vẫn đưa ra trong những năm gần đây. Phản ứng trước các luận điệu này, chúng ta cần làm rõ các vấn đề “tự do báo chí” trên cơ sở của lý luận báo chí cách mạng.
Trong lịch sử, khẩu hiệu “tự do báo chí” được giai cấp tư sản đưa ra để tranh thủ sự ủng hộ của các tầng lớp xã hội chống lại giai cấp phong kiến và giới tăng lữ. Rồi sau khi giành được chính quyền, áp đặt bộ máy cai trị, khẩu hiệu đó dần bị những người đề xướng làm hoen ố, thậm chí bị vứt bỏ. Sau này, V.I.Lênin đã vạch rõ bản chất mị dân và dối trá của câu khẩu hiệu được dựng lên như một thứ chiêu bài, rằng: “Trong tất cả các nước có bọn tư bản, tự do báo chí là tự do mua bán báo chí, tự do mua bán các nhà văn, tự do mua chuộc, tự do mua và chế tạo ra "dư luận” có lợi cho giai cấp tư sản”.
Theo các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, báo chí là lĩnh vực thuộc hình thái ý thức xã hội và mang tính giai cấp rất rõ nét. Khi xã hội còn phân chia thành các giai cấp có quyền lợi khác nhau, thậm thí đối lập nhau thì báo chí khó có thể thoát ly tính giai cấp, khó có tự do thuần túy hay tự do tuyệt đối. Bởi, nếu có tự do báo chí cho giai cấp này, thì tất yếu phải hạn chế tự do báo chí với các giai cấp khác. Do đó, tự do báo chí là một phạm trù lịch sử, là mục tiêu phấn đấu của con người nhằm có quyền thông tin, trao đổi thể hiện quan điểm, ý chí, tình cảm của mình, của giai cấp mình trước các vấn đề, sự kiện diễn ra trong đời sống qua phương tiện thông tin đại chúng. Thời của C. Mác, các nhà nước từng tuyên bố "tự do báo chí", nhưng cũng đã từng nhiều lần gây khó dễ, thậm chí đóng cửa các tờ báo của C.Mác và Ph.Ănghen, như các tờ Neue Rheinische Zeitung và Sozialdemokrat. Sau này, tại nước Nga, báo Tia lửa của V.I.Lênin cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Về cái gọi là “tự do tuyệt đối” mà giai cấp tư sản thường rêu rao lừa bịp dư luận, V.I.Lênin đã chỉ rõ bản chất: “Thưa các ngài cá nhân chủ nghĩa tư sản chúng tôi phải nói cho các ngài biết rằng, những lời nói của các ngài về tự do tuyệt đối chẳng qua chỉ là một thứ giả dối mà thôi. Trong xã hội xây dựng trên quyền lực của đồng tiền, trong xã hội mà quần chúng lao động phải ăn xin vào một nhúm ít người giàu có thì ăn bám, quyết không thể có "tự do" thật sự và chân chính”.
Với báo chí, V. I. Lênin cũng chỉ rõ: “Trong xã hội tư sản, "tự do báo chí" tức là tự do cho bọn giàu có dùng mỗi ngày hàng triệu bản báo chí để lừa bịp, làm đồi trụy và phỉnh phờ một cách có hệ thống và không ngừng những quần chúng nhân dân bị bóc lột, bị áp bức, những người nghèo khổ”. Không chỉ dùng tiền mua cơ quan báo chí và nhà báo hay chi "tài chính đen" để một số báo chí và nhà báo “chém mướn, đâm thuê", giai cấp tư sản còn dùng nhiều luật lệ, thủ đoạn xảo quyệt để kiểm soát, đàn áp báo chí. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét về báo chí của thực dân Pháp ở các nước thuộc địa như sau: “Chính phủ Đông Dương tổ chức phá hoại tờ Le Paria; Chính phủ Tây Phi thuộc Pháp cấm nhập các báo của người da đen châu Mỹ; Chính phủ Tuynidi trục xuất chủ nhiệm tờ L’Avenir Social; ông Lyotay đuổi chủ nhiệm tờ La Guêpe Marocaine ra khỏi Morocco (người ta chỉ cho nhà báo một giờ để thu xếp hành lý)”.
Gần chúng ta hơn, năm 2003, nhiều tờ báo, đài phát thanh, truyền hình ở Hoa Kỳ phát băng hình, phóng sự, phỏng vấn việc lính đặc nhiệm Mỹ giải cứu thành công binh nhì Jetsica Lin (Jessica Lynch) tại một bệnh viện dã chiến ở Bát đa. Họ vẽ lên hình ảnh những lính Mỹ quả cảm và đáng yêu đến I rắc để xóa bỏ chế độ độc tài, đem tự do đến cho người dân I rắc. Nhưng khi về nước, "người hùng" Jetsica Lin đã kể lại câu chuyện của mình. Và hàng chục triệu người Mỹ đã bị "sốc” khi biết câu chuyện của chị lại không giống như báo chí Mỹ đã đưa tin. Còn Pitơ Ác nét (Peter Arnett), người vừa cho ra mắt độc giả Việt Nam cuốn “Từ chiến trường khốc liệt” (Nxb. Thông tấn), là phóng viên “ruột" của truyền hình CNN, bỗng dưng bị sa thải vì đưa thông tin không phù hợp với quan điểm của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. R. Mắcáctua (R.Mc Arthur) - Tổng Biên tập Tạp chí Harper phải chua chát nhận xét: “Các hãng tin Mỹ như FOX, CNN, ABC, CBS, NBC ít khi đưa được tin chính xác về diễn biến thực tế các trận đánh, vì hầu hết các bài và hình ảnh đều được biên soạn tại các căn cứ quân sự của Mỹ ở Qua ta và Cô oét. Các phóng viên hầu hết đều ở phía sau chiến tuyến viết bài, đưa tin dựa vào các tin và tài liệu do quân đội Mỹ cung cấp". Chính trong những ngày đó xe tăng Mỹ đã nã đạn vào một khách sạn ở Thủ đô Bát đa, nơi có hơn 100 nhà báo đang trú ngụ, làm 11 người chết, hàng chục người khác bị thương.
Tháng 9-2005, cũng từ quan niệm "tự do báo chí tuyệt đối" tờ Jyllands Posten của Đan Mạch đăng 12 bức tranh vẽ nhà tiên tri Môhamét và lập tức nhận phải phản ứng gay gắt từ các tín đồ đạo Hồi. Đến đầu năm 2006, tờ báo trên cùng một số báo khác ở Đan Mạnh và châu Âu đăng lại các bức tranh, lập tức dấy lên ở nhiều nơi một làn sóng công phẫn rộng lớn, mạnh mẽ, xảy ra các cuộc biểu tình, thậm chí xung đột giữa người Hồi giáo và người Thiên Chúa giáo. Gần đây, lợi dụng khó khăn kinh tế - xã hội của một số nước ở Trung Đông, Bắc Phi, không ai khác, những người thường rêu rao vu cáo nước này, nước kia "vi phạm tự do báo chí", "ngăn chặn, kiểm duyệt internet”... đã sử dụng hết công suất hệ thống báo chí hùng hậu của họ cùng các mạng xã hội như Facebook, các mạng Twitter, các mạng Wikileaks, YouTube... để “vẽ lối, bày đường" cho công chúng, nhất là giới trẻ, bộ phận quá khích, gây bạo loạn, lật đổ chính quyền.
Ở Ai Cập và cả khối MENA, những ngày qua, người ta đang rất quan tâm tới một nhân vật mang mật danh ElShaheed, tiếng A rập có nghĩa là “tử vì đạo”, người đóng vai trò chính trong việc kích động giới trẻ Ai Cập thông qua mạng Facebook. Nhiều người đã nhắc đến các mạng xã hội như Twitter, Facebook, WikiLeaks, YouTube và vai trò của báo chí, truyền thông…như là những tội đồ. Cần chỉ rõ rằng, những kẻ làm đất, đổ ải, gieo hạt để có “vụ gặt” bội thu vừa qua, công đầu là Mỹ, nhiều nước phương Tây, các thế lực đầu cơ chính trị bản địa. Các mạng xã hội, phương tiện truyền thông, báo chí… thuần túy chỉ là công cụ - những công cụ đắc lực, sắc lẻm, lạnh lùng trong tay kẻ chủ mưu, kẻ sử dụng.
Một đài phát thanh có tiếng ở châu Âu, trong bài viết gần đây tựa đề “Cách mạng: Iran - Thiên An Môn - Ai Cập”, nêu ra những “kinh nghiệm” để làm “cách mạng”: kích động quần chúng gây rối, bạo loạn; triệt để lợi dụng các sự cố, tai nạn, những cái chết để tạo cớ; sử dụng mạng xã hội, báo chí, truyền thông để kích động, liên kết trong ngoài…
Chúng tôi muốn nói đến một số trang mạng xã hội, với tư cách là công cụ hết sức lợi hại cho các cuộc “cách mạng hoa nhài” và bạo động chính trị đã và đang diễn ra ở Bắc Phi, Trung Đông (tư liệu lấy chủ yếu từ báo chí nước ngoài).
Ngày 22 tháng 1 năm 2011, The New York Times (http://www.nytimes.com) đăng bài viết có đoạn: “Hầu hết các quốc gia trong thế giới Ả Rập, Facebook hiện nay là một trong số 10 trang Web được truy cập nhiều nhất, và tại Ai Cập, nó đứng thứ ba, sau Google và Yahoo. Cứ 9 người Ai Cập thì có 1 người đã truy cập Internet, và khoảng 9% của nhóm này hiện tại đang online trên Facebook - trong tổng số gần 800.000 thành viên… Một trong số các cuộc tranh luận năng động nhất là của Phong trào Thanh niên Ngày 6 tháng tư - một nhóm 70.000 người Ai Cập chủ yếu là trẻ và có giáo dục , đa số họ chưa bao giờ được tham gia chính trị trước khi gia nhập nhóm.
Thông tin về cuộc chiến trên mạng cũng đã được báo chí nước ngoài cập nhật nóng hổi giống như thông tin trên chính trường đang ngày càng khốc liệt: Ngày 26/1, Global Post có bài viết “Ai Cập chặn Facebook và Twitter” (http://www.globalpost.com) và một loạt các bài viết khác có liên quan như: “Mạng xã hội đang đi theo xu hướng xấu tại Ai Cập” (http://tech.fortune.cnn.com) “Ai Cập phản đối các trang mạng xã hội và báo chí tham gia tạo nên nguy cơ vô hình” (http://techgeek.com) “Ai Cập trải qua ngày thứ 3 cắt đứt thông tin trên mạng”. (http://www.itp.net) “Trung Quốc sẽ đóng cửa các trang mạng đưa thông tin về biểu tình tại Ai Cập trên mạng Twitter”(http://venturebeat.com) ...
Facebook, cùng Twitter, YouTube, Google và một số trang mạng xã hội khác, hay nói đúng hơn, một số người điều hành chúng, đã và đang giữ vai trò quan trọng, tham gia rất tinh vi vào việc không chỉ kết nối, truyền tải thông tin giữa các thành viên trong xã hội, mà cao hơn, đổ thêm dầu vào lửa, tạo ra, đẩy lên nhiều đợt sóng phẫn nộ, những cuộc “cách mạng”, những cuộc lật đổ chưa từng có trong lịch sử các nước MENA và thế giới.
Nhận rõ sự nguy hại của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khi được sử dụng vào những âm mưu nguy hiểm, ngày 22/2/2011, sau sự kiện một số nhà hoạt động dân chủ ở Trung Quốc kêu gọi “cách mạng hoa nhài”, lãnh đạo nước này chủ trương thắt chặt quản lý thông tin Internet, đặc biệt là các mạng xã hội như Facebook, Twiter. Các cơ quan chức năng của Trung Quốc chặn các truy cập có từ khóa “hoa nhài” và các từ được coi là nhạy cảm như “taytang” (Tây Tạng), “vuongphutinh” (Vương Phủ Tỉnh), “nhân quyền”. Nếu không tìm cách vượt qua được “tường lửa” thì người sử dụng internet tại Trung Quốc, với số lượng đông nhất thế giới - 457 triệu người, không thể vào được Facebook, Twitter, Dailymotion, YouTube.…Tại Bêlarut, cơ quan cảnh sát mật K.G.B cũng tăng cường kiểm soát thông tin trên các trang mạng xã hội. Các quốc gia khác như: Pakixtan, Iran, Syri, Triều Tiên, Banglađet, Các tiểu vương Quốc Ả Rập thống nhất, Myanma… đã chặn các mạng xã hội nước ngoài Facebook, Flickr, Twitter…đề ra chính sách và giải pháp tăng cường kiểm soát thông tin trên mạng xã hội.
Chúng ta cũng không bất ngờ trước sự việc: ngày 15 tháng 2 năm 2011, phát biểu tại trường đại học G. Oasinhton, Ngoại trương Mỹ, bà H. Clinton lại lên tiếng chỉ trích, xuyên tạc Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Iran, Myanma, Syri…“vi phạm tự do Internet”; thông báo Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ tiếp tục tung ra các trang mạng xã hội Twitter bằng các thứ tiếng Trung Quốc, Nga, Ấn Độ (sau khi đã thực hiện rất hiệu quả các trang mạng xã hội này bằng tiếng A-rập, Farsi). Năm 2011, Mỹ sẽ chi ít nhất từ 25 đến 30 triệu USD để “bảo vệ” các bloger đang bị ngăn cản, “cải thiện môi trường pháp lý” cho hoạt động truyền thông.
Nền báo chí do giai cấp vô sản xây dựng và vun đắp trong quá trình đấu tranh gian khổ luôn để cao tính cách mạng, trung thực, tiến bộ với mục đích là phục vụ lợi ích của giai cấp vô sản, phục vụ và vì sự phát triển hài hòa của nhân dân lao động. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Báo chí của ta cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Vì vậy, từ tính giai cấp nói chung của báo chí, báo chí cách mạng tiến tới việc đáp ứng yêu cầu về tính Đảng. Và tính Đảng không chỉ thể hiện ở chỗ là công cụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, mà còn là bảo vệ sự trong sáng của hệ tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng; đấu tranh không khoan nhượng để chống lại cái ác, cái xấu, bảo vệ, phát huy cái thiện, cái tốt. Với báo chí của giai cấp vô sản do đội tiền phong của giai cấp vô sản lãnh đạo, tính Đảng của báo chí thể hiện trực tiếp, cụ thể ở chỗ luôn đi tiên phong trong việc thực hiện mục tiêu, lý tưởng, nhiệm vụ của Đảng trong mỗi thời kỳ cách mạng; trở thành diễn đàn, tiếng nói khách quan trung thực, nhân văn của Đảng và quần chúng đi theo Đảng. Báo chí và xuất bản luôn đứng bên người lao động, ủng hộ người lao động, vì sự tiến bộ xã hội. Tổng hòa các yếu tố giữa tính Đảng và các chức năng như giáo dục, định hướng giá trị, cổ động, tuyên truyền, tổ chức.... báo chí cách mạng sẽ tác động tích cực tới tư tưởng, hành động, tới phẩm chất con người, thôi thúc họ chung tay phấn đấu vì những mục tiêu cao cả.
Từ nhận thức và quan niệm đúng đắn, từ sự khẳng định vai trò của báo chí với tiến trình cách mạng, hơn nửa thế kỷ qua, báo chí Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu. Các năm gần đây, báo chí đã trở thành hoạt động tinh thần quan trọng của xã hội, không chỉ cung cấp thông tin, còn là nguồn cung cấp tri thức cùng các giá trị xã hội và con người chân chính, là diễn đàn để mọi người biểu lộ suy nghĩ, tình cảm lành mạnh của mình với cộng đồng... Đồng thời báo chí còn tham gia phê phán, điều chỉnh các sự việc, hiện tượng không phù hợp với tính tích cực xã hội và tiến trình phát triển... Với internet cũng vậy, sau hơn 10 năm gia nhập mạng internet toàn cầu, Việt Nam đã nhanh chóng trở thành quốc gia hàng đầu trong khu vực về phát triển internet, với 27 triệu người (chiếm 31% dân số) sử dụng phương tiện này. Cùng với số người sử dụng là hàng trăm báo điện tử, hàng nghìn trang điện tử của các tổ chức ngành, đoàn thể, các địa phương, cùng hàng triệu blog... Hiển nhiên, nếu Việt Nam không có “tự do internet”, thì chắc chắn sẽ không thể có các con số đáng tự hào kể trên.
Ngày nay, báo chí có ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực của xã hội và bất cứ giai cấp nào cũng muốn sử dụng báo chí như một công cụ để duy trì, bảo vệ lợi ích giai cấp. Thực tế tho thấy, giai cấp tư sản đã dùng báo chí làm công cụ chống lại tư tưởng Mácxít. Khi tư tưởng ấy trở thành hiện thực sinh động, lôi cuốn trái tim và khối óc của phần lớn nhân loại, thì cuộc tiến công vào các nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin bằng công cụ báo chí và các phương tiện truyền thông càng diễn ra quyết liệt với mức độ tinh vi và cường độ ngày càng lớn. Thực tế đó nhắc nhở chúng ta không được phép huyễn hoặc về cái gọi là “tự do báo chí” theo quan niệm của chủ nghĩa tư bản, không được quên bài học hôm qua và những điều còn nóng hổi hôm nay.
Toàn cầu hóa cùng kinh tế thị trường đang bộc lộ cả các yếu tố tích cực và tiêu cực, tác động mạnh mẽ đến đời sống mọi mặt của đất nước,... vì thế hoạt động báo chí ở Việt Nam phải đương đầu với nhiều thử thách. Hơn lúc nào hết, người làm báo cần phải nâng cao ý thức về tính Đảng của báo chí cách mạng, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh của người cầm bút - người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Chính lúc này, tính Đảng đòi hỏi báo chí phải kiên quyết đấu tranh chống các tư tưởng và mọi lý luận thù địch, đi ngược lại lợi ích của giai cấp vô sản và nhân dân lao động; đấu tranh không khoan nhượng với các hiện tượng tiêu cực trong xã hội... Từ đó làm cho tư tưởng và lý luận, đường lối và chủ trương của Đảng, thông qua báo chí mà trở thành sức mạnh vật chất tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
TS. Nguyễn Thế Kỷ
Phó trưởng ban, Ban Tuyên giáo Trung ương
---------------
Tài liệu tham khảo:
- V.I Lênin nói về sách báo, Nxb SGKML, Hà Nội 1984.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.
- V.I Lênin: Về vấn đề báo chí, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970.
- Các Mác và Ph. Ăngghen Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập IV.
- Các Mác, Ph.Ăngghen: Về công tác báo chí, Thông tấn xã Việt Nam, Hà Nội, 1982.
- V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1975, tr. 250
- Hội đồng lý luận Trung ương: Lẽ phải của chúng ta, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.
- Thông tin trên báo chí, mạng điện tử, tháng 1, 2, 3/2011.