Thứ Hai, 23/9/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 14/8/2011 14:27'(GMT+7)

Y tế cơ sở mặc mãi “chiếc áo chật”

Thiếu nhân lực - bài toán muôn thuở

Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu- Quảng Ninh 10 năm nay không tuyển được bác sĩ mới ra trường. Nhiều BV khác trong tỉnh cũng trong tình trạng như vậy. Hiện toàn tỉnh thiếu 40 bác sĩ tuyến cơ sở. BVĐK huyện Phúc Thọ - Hà Nội đang thiếu 15 BS. Trong số 16 BS công tác tại BV thì 6 BS được đào tạo từ y sĩ cử đi học chuyên tu. BVĐK huyện Thạch Thất - Hà Nội hiện cũng mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu bác sĩ. Năm 2010 (BV) đăng tuyển 5 BS, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồ sơ nào...

Vụ Khoa học và Đào tạo-Bộ Y tế cho biết, mỗi năm nước ta cần thêm cho khu vực BV các tuyến là 5.965 bác sĩ, 1.500 dược sĩ, 10.142 điều dưỡng và 7.234 cán bộ kỹ thuật, hộ sinh, hộ lý. Trong lĩnh vực y tế dự phòng, mỗi năm cần từ 1.200-1.500 cán bộ có trình độ đại học. Việc thiếu nhân lực có chất lượng đầu tiên được đề cập đến, đó là mô hình y tế tuyến huyện luôn xáo trộn, chưa hợp lý, nhiều đầu mối quản lý chỉ đạo. Nhất là từ khi Bộ Y tế có chủ trương chia tách y tế tuyến huyện thành 3 đơn vị: BV huyện, Trung tâm y tế dự phòng huyện và Phòng y tế thì lại thấy rõ hơn nghịch lý trong việc bố trí nhân lực. BS dự phòng lại được vận động hoặc điều về làm giám đốc BV huyện, còn BS điều trị lại lãnh đạo Trung tâm y tế dự phòng huyện. BS đã thiếu, lại tập trung cho làm công tác lãnh đạo.

Chẳng hạn ở một Trung tâm y tế huyện có 25 cán bộ (3 BS: 1 là BS chính quy, 2 BS chuyên tu từ xã lên) làm "sếp”, còn lại là điều dưỡng, nữ hộ sinh... lại được phân công đi chỉ đạo y tế tuyến xã. Sáng họ láo nháo đi xa, chiều tập trung ở cơ quan buôn chuyện. Trong khi đó trạm y tế xã thiếu cán bộ làm việc. Mỗi trạm có 4-6 cán bộ, phải làm đủ mọi thứ, mọi chương trình của cấp trên, chương trình nào cũng phải làm tốt, chuẩn. Bên cạnh đó còn quá nhiều sổ sách quản lý, mẫu biểu báo cáo gửi đi các nơi, cán bộ y tế bò ra làm, chép, bịa cho chuẩn để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch. Như vậy lấy đâu ra thời gian để họ làm chuyên môn y, rồi tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho nhân dân. Một BS lâu năm tâm sự, gần 2 thập kỷ qua, BS ra trường tìm được việc làm thật khó vì không có biên chế để nhận thêm. Nhiều BS bỏ nghề để trở thành trình dược viên. Thậm chí do cách tuyển dụng mà một số BS chính quy không có điều kiện chen chân vào BV lớn, hay làm việc được một thời gian không được phân công hợp lý nên chán nản bỏ ra làm việc tư nhân, hoặc đi làm nghề khác.

Sức khỏe cũng phân biệt tuyến

Nước ta đang tồn tại thực trạng y tế tuyến trên thì đông nghẹt, còn y tế tuyến dưới (trạm y tế xã, phường), cán bộ ngồi ngáp vặt. Để "bằng chị bằng em”, nhiều cơ sở y tế tuyến huyện đồng loạt cho ra "lò” các phòng khám đa khoa và vì thế mà phong trào cận lâm sàng cũng rầm rộ không kém. Ai cũng thích được "cận lâm sàng”, đau răng cũng siêu âm, mỏi khớp được làm điện tâm đồ, sổ mũi làm xét nghiệm máu... Để đáp ứng phong trào này, nhiều cơ sở y tế tuyến dưới cố chi tiền mua máy mới, trong khi người điều khiển lại không "tương thích”. Thế là một số BS, điều dưỡng được cấp tốc cử đi học một khóa ngắn hạn trên tỉnh, rồi được công nhận trình độ "xóa mù”. Về cơ sở, những người này được xếp vào vị trí điều khiển các thiết bị. Vì thế đã từng xảy ra chuyện nực cười, bệnh nhân nam khi siêu âm được ghi kết quả là "U nang buồng trứng”. Có nhiều lãnh đạo BV cho rằng Đa khoa tức là khoa nào cũng làm. Vì thế vị này đã chỉ đạo đội ngũ BS, điều dưỡng không được phép cho bệnh nhân "thoát”. Do vậy đã có chuyện, phần lớn BS nội khoa, khi thấy bệnh nhân vào viện cũng "chiến”, từ khớp, hô hấp, xoang, dạ dày... đến ezema, chàm, mắt, tai, mũi, họng... Thậm chí có người không biết gì về chấn thương thể thao cũng nhận cấp cứu cho các trận đấu bóng đá giải phong trào tỉnh. Có cả những lãnh đạo cử một BS không biết gì về đông y đi học chuyên khoa I đông y để sau này về làm Trưởng khoa YHCT và nhận một số y sĩ nông trường về cho đi học thêm 8 tháng về mắt để mở phòng khám mắt...

Thay đổi "chiếc áo chật” cách nào?

Tại Quốc hội nhiều đại biểu đều kêu ngành y tế thiếu nhân lực. Tại sao không tăng số lượng đào tạo ở các cơ sở có khả năng đào tạo? Từ xưa đến giờ lúc nào cũng "chỉ tiêu” mà không nghĩ thêm gì khác. Chẳng hạn, tổng số sinh viên Y Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mỗi trường có khoảng 400 sinh viên có điểm chuẩn là 27 và 26,5 điểm. Tại sao Bộ không chỉ đạo các trường hạ 0,5 điểm thôi là chúng ta có hơn 200 sinh viên mới/năm với chất lượng cao. Hệ thống trường y Việt Nam đều làm như vậy thì chúng ta có thêm cả 1000 sinh viên/năm. Khoảng 6 năm sau ta sẽ có 1000 BS mới, còn chất lượng hơn nhiều lần so với đào tạo BS chuyên tu chỉ đạt 7-8 điểm/3 môn.

Thực hiện phương châm "Dụng nhân như dụng mộc”, thời gian tới ngành y tế hãy trưng dụng các y sĩ đào tạo 3 năm để họ đảm nhận trách nhiệm KCB thông thường như viêm phế quản, nhiễm siêu vi, viêm dạ dày, đau cơ khớp... Hãy huấn luyện cho họ đạt được chất lượng và tính chuyên nghiệp trong công việc. Một điều dưỡng viên tốt còn hơn một BS lười và hay làm oai, họ sẽ chăm sóc được nhiều bệnh nhân hơn. Đồng thời động viên khuyến khích những lương y, chuyên gia chữa xương gia truyền, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên làm các công việc thông thường của của một bác sĩ đào tạo 6 năm để các bác sĩ có thời gian đảm đương những công việc cao cấp hơn như mổ xẻ, phân tích hình ảnh y khoa... Cần đưa những cán bộ đã từng được đào tạo thư ký y khoa và nghiệp vụ quản lý BV thay cho những BS đào tạo chính qui đang nắm nhiệm vụ hành chính sang làm chuyên môn. Với những đội ngũ nhân viên nhà thuốc, ngành y tế cũng nên tổ chức nhiều lớp tập huấn cho họ cách đo huyết áp, đường huyết bằng các máy đo tự động, các dấu hiệu bệnh tật thông thường, các kỹ năng băng bó, cấp cứu... để họ có thể xử lý ngay khi người dân cần đến.

Đặng Ngân/ĐĐK
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất