Thứ Tư, 1/10/2014 14:39'(GMT+7)
Thế giới ghi nhận 63 triệu ca tử vong ở trẻ em trong năm 2013
Theo nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế đăng tải ngày 1/10 trên Tạp chí khoa học Lancet (Anh), Liên hợp quốc có thể sẽ không đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em theo dự tính, chủ yếu là do không giảm thiểu được các bệnh truyền nhiễm và những biến chứng trong suốt thời kỳ thai nghén ở người mẹ.
Nghiên cứu do nhà khoa học Robert Black, thuộc Trường Y tế Cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg ở Baltimore (Mỹ) đứng đầu, chỉ rõ "Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ" (MDG) thứ tư của Liên hợp quốc đề ra quyết tâm giảm 2/3 tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi ở tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc vào cuối năm 2015, so với mức của năm 1990.
Trong năm 2013, thế giới ghi nhận 63 triệu ca tử vong, giảm gần một nửa so với 12,7 triệu ca năm 1990, cho thấy các quốc gia đã đạt được những tiến bộ vượt bậc góp phần cải thiện tỷ lệ sống ở trẻ em từ khi bước sang Thiên niên kỷ mới.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho rằng sẽ chỉ có vài nước có thể đạt được Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ thứ 4 này. Với xu hướng hiện nay, tới năm 2030 sẽ có tới 4,4 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong và 60% trong số đó là trẻ em tại khu vực Nam sa mạc Sahara ở châu Phi.
Bên cạnh đó, nghiên cứu này còn đi sâu phân tích những nguyên nhân khiến trẻ dưới 5 tuổi tử vong trong năm 2013. Cụ thể, các biến chứng trước khi sinh được cho là nguyên nhân dẫn tới cái chết của 965.000 trẻ em trên thế giới, trong khi bệnh viêm phổi và những biến chứng trong quá trình sinh nở lần lượt cướp đi mạng sống của 935.000 và 662.000 trẻ khác.
Ngoài ra, còn có hai nguyên nhân lớn nữa là bệnh tiêu chảy và sốt rét ở trẻ.
Năm quốc gia gồm Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ấn Độ, Nigeria và Pakistan chiếm khoảng một nửa số trẻ tử vong trên toàn thế giới trong năm 2013.
Các chuyên gia thực hiện nghiên cứu hy vọng đóng góp này của họ có thể giúp cho việc định hướng nội dung thảo luận về những “Mục tiêu phát triển bền vững,” dự kiến sẽ được các nhà lãnh đạo Liên hợp quốc quyết định vào tháng 9/2015 như một chương trình tiếp nối những “Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ”./.
TTXVN