(TG) - Trong hai ngày 25-26/9/2014, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo “Xây dựng hệ thống cộng đồng bền vững trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS” do Liên hiệp các Hội khoc học kỹ thuật Việt Nam phối hợp Bộ Y tế, Ủy ban phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm tổ chức.
Ông Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc nhấn mạnh: Hội thảo được tổ chức nhằm khẳng định vị trí, vai trò và hiệu quả hoạt động của các tổ chức cộng đồng và phi chính phủ trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của các tổ chức cộng đồng trong phòng, chốngHIV/AIDS và khuyến nghị các giải pháp nhằm duy trì hiệu quả hoạt động và tính bền vững của hệ thống cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, hiện nay, ở Việt Nam, HIV/AIDS mới chỉ giảm xu hướng gia tăng hằng năm còn số tích lũy HIV+ và mắc AIDS vẫn tiếp tục tăng cao. Ở một số tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, HIV/AIDS vẫn tiếp tục tăng.
Các yếu tố nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS ngày càng biến đổi phức tạp, khó kiểm soát, khó can thiệp. Mức độ bao phủ của dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế, dịch vụ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận.
Về nguồn lực phòng chống HIV/AIDS lâu nay chủ yếu dựa vào viện trợ nước ngoài. Khoảng 80% kinh phí phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam, 100% tiền thuốc Methadone, 95% tiền thuốc ARV là từ viện trợ; nhân lực ở các điểm điều trị ARV, MMT chủ yếu do các dự án viện trợ trả lương. Đến nay, nhiều dự án viện trợ đã kết thúc, một số dự án còn lại giảm mạnh kinh phí, trong khi đó ngân sách nhà nước cắt giảm từ 245 tỷ (2013) xuống còn 85 tỷ (2014). Dự báo, những năm tiếp theo không có dấu hiệu khả quan về tài chính từ ngân sách nhà nước cho phòng, chống HIV/AIDS.
UNAIDS phát động đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS hướng đến kết thúc đại dịch vào năm 2030. Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam cũng cần nhanh chóng chuyển đổi từ phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu dựa vào viện trợ sang lồng ghép vào hệ thống y tế, phân cấp và dựa vào ngân sách trong nước (chủ yếu là ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế). Đồng thời tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Một là, củng cố và kiện toàn mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS theo hướng lồng ghép và phân cấp để tăng cường tính hiệu quả và bền vững. Hai là, khẩn trương mở rộng những can thiệp hiệu quả nhất với độ bao phủ bảo đảm có tác động rõ rệt trong phòng, chống HIV/AIDS. Ba là, tập trung đầu tư cho các vùng trọng điểm và các nhóm đối tượng nguy cơ cao để mang lại hiệu quả cao nhất. Bốn là, đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho phòng, chống HIV/AIDS.
Hiện nay, các tổ chức xã hội và tổ chức phi chính phủ là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Tuy nhiên, có một số khó khăn thách thức là năng lực còn hạn chế, đặc biệt là ở các nhóm tự lực, cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực chưa bền vững, năng lực tổ chức, quản lý có hạn. Nguồn tài chính chưa bền vững. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử là những rào cản lớn trong cung cấp dịch vụ.
Để huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam cần đẩy mạnh các giải pháp huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội. Tăng cường cung cấp, chia sẻ thông tin, hỗ trợ tìm nguồn lực, chuyển giao hoạt động, hỗ trợ tài chính và tăng cường phối hợp…
Sau phiên khai mạc, buổi chiều 25/9 và ngày mai, 26/9, Hội thảo diễn ra các phiên toàn thể về Vai trò của các tổ chức xã hội trong đáp ứng quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và các phiên song song: Xây dựng hệ thống cộng đồng bền vững trong phòng, chống HIV/AIDS- tư cách pháp nhân của các tổ chức cộng đồng; Tài chính bền vững cho các tổ chức cộng đồng và phi chính phủ trong phòng, chống HIV/AIDS; Thực thi chính sách đối với người nhiễm HIV/AIDS và những người bị ảnh hưởng chính; Bảo hiểm y tế với người nhiễm HIV.
Thu Thanh