Ngày 23/9, Ban Thư ký Liên hợp quốc cho biết nhóm chuyên gia đầu
tiên của Phái bộ đặc biệt của Liên hợp quốc về dịch bệnh
Ebola, vừa được thành lập, đã tới thủ đô Accra của Ghana để
tìm hiểu và đưa ra các biện pháp cần thiết giúp nước này
chống chọi với dịch bệnh Ebola đang hoành hành tại đây và một
số quốc gia lân cận ở vùng Tây Phi.
Ngay sau khi tới thực địa, nhóm chuyên gia trên đã ráo riết xúc
tiến việc thiết lập đại bản doanh của Phái bộ tại Accra để
điều hành toàn bộ hoạt động chống Ebola của Liên hợp quốc tại
các quốc gia vùng Tây Phi đang bị căn bệnh này hoành hành, như
Ghana, Senegal, Liberia và Sierra Leone... Ngoài ra, cùng ngày, một
nhóm chuyên gia khác của Liên hợp quốc cũng đã được điều tới
Liberia để trợ giúp địa phương đương đầu với dịch bệnh gây chết
người trên diện rộng này.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ tại New York, phát ngôn
viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết ngoài
ngân sách của Liên hợp quốc, Tổng Thư ký đã kêu gọi nguồn hỗ
trợ, đóng góp của các quốc gia, các tổ chức chính trị, xã
hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để trang trải cho cuộc
chiến chống lại dịch bệnh hiểm nghèo này. Tổng Thư ký Liên
hợp quốc Ban Ki-moon cũng đã cử một đại diện đặc biệt của
mình, làm Trưởng Phái bộ của Liên hợp quốc về dịch bệnh
Ebola, và kêu gọi các quốc gia thành viên, các tổ chức khu vực,
cùng hợp tác, ủng hộ mọi hoạt động của phái bộ này.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của phái bộ trên, tính đến nay
đã có gần 6.000 bị nhiễm virus Ebola, và khoảng một nửa trong
số đó đã bị tử vong. Điều rất đáng lo ngại là dịch bệnh gây
chết người này, hiện đang hoành hành chủ yếu tại vùng Tây Phi,
có tốc độ lây nhiễm rất nhanh, thậm chí có tin nói nó có
thể lây nhiễm qua đường không khí, đến mức số bệnh nhân luôn
tăng gấp đôi sau mỗi ba tuần lễ, khiến Tổ chức Y tế Thế giới
(WHO) phải cảnh báo rằng nếu không sớm được chặn lại, chỉ
trong thời gian ngắn nữa - đến ngày 2/11 tới, sẽ có không dưới
20.000 người bị nhiễm bệnh. Giới chức y tế Mỹ còn đưa ra những cảnh
báo nghiêm trọng hơn.
Theo Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh liên bang Mỹ (CDC), với
hơn 2.800 người đã bị tử vong và chiều hướng lây lan nhanh và diễn biến
phức tạp hơn của dịch Ebola, đến tháng 1/2015 số lượng người tại các
nước khu vực Tây Phi bị lây nhiễm virus chết người này có thể từ 550.000
người đến 1,4 triệu người./.
TTX