Mỹ và Trung Quốc đã đạt được nhiều bước tiến trong đàm phán về chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài hơn 1 năm qua. Bên cạnh đó, cả Anh và EU đều đang nỗ lực cứu vãn cho thỏa thuận Brexit; trong khi NATO kỷ niệm 70 năm thành lập trong bối cảnh xuất hiện nhiều mối bất hòa nội khối.
1. Tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung
Trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Washington ngày 4-4, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (cố vấn kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình) khẳng định đoàn đàm phán hai bên đã gặt hái nhiều thành công và tiếp tục đạt được thêm nhận thức chung liên quan đến thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.
Hai bên tiếp tục nỗ lực để đạt nhiều tiến triển hơn, sớm hoàn tất đàm phán thỏa thuận thương mại, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại song phương phát triển.
Đáp lại, Tổng thống Donald Trump khẳng định hai bên đang tiến rất gần đến một thỏa thuận và tiến bộ đang đạt được với tốc độ rất nhanh chóng. Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ sự lạc quan khi cho rằng các cuộc đàm phán sẽ khép lại trong vòng 4 tuần hay thậm chí là hai tuần tới, đồng thời cho rằng việc đạt được một thỏa thuận sẽ tạo tiền đề cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát từ giữa năm 2018, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã liên tiếp trả đũa nhau bằng các mức thuế mới. Đến nay, tổng lượng hàng hóa bị đánh thuế cao hơn của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD.
2. Anh, EU cùng nhau "cứu" Brexit
Thủ tướng Anh Theresa May ngày 5-4 đã viết thư cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk để yêu cầu hoãn Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu - EU) đến ngày 30-6.
Sự trì hoãn dài hạn này đồng nghĩa với việc Anh sẽ bị yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tổ chức bầu cử Nghị viện châu Âu sắp tới. Mặc dù tuyên bố sẽ chuẩn bị để thực hiện nghĩa vụ này, Thủ tướng May nói rằng bà hy vọng có thể đưa Anh rời EU trước ngày 23-5 để họ không phải tiến hành bầu cử.
Trước đó cùng ngày, một quan chức EU giấu tên cho biết ông Tusk đã đề xuất "hoãn linh hoạt" thời hạn Brexit thêm 12 tháng. Quan chức này khẳng định phương án này có thể được trình lên Thủ tướng May trong Hội nghị Thượng đỉnh EU về Brexit vào ngày 10-4 ở thủ đô Brussels. Bỉ.
Với tình hình của Anh như hiện nay, sẽ rất khó để có thể thỏa mãn cùng lúc lợi ích của cả EU và Anh nếu cứ bắt buộc Brexit phải có thỏa thuận.
Anh dự kiến rời EU vào ngày 12-4 song Thủ tướng May buộc phải tìm kiếm thêm thời gian sau khi thỏa thuận Brexit mà bà thương lượng với EU đã bị Quốc hội Anh bác bỏ lần thứ ba liên tiếp vào ngày 29-3. Do đó, mặc dù chính thức bắt đầu vào 2 năm trước, tiến trình đưa Anh rời EU đến giờ vẫn chưa thể hoàn thành vì không có thỏa thuận nào đạt được.
3. NATO và những rạn nứt ở tuổi 70
Hội nghị cấp ngoại trưởng các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhân dịp 70 năm thành lập khối liên minh này đã kết thúc sau hai ngày làm việc tại thủ đô Washington DC, Mỹ.
Hội nghị đã nhất trí về một loạt biện pháp nhằm đối phó với Nga ở khu vực Biển Đen, trong đó có việc tăng cường hỗ trợ cho Gruzia và Ukraine; thảo luận về nguy cơ đổ vỡ của Hiệp ước các lực lượng tên lửa tầm trung (INF); vai trò của NATO trong cuộc chiến chống khủng bố; và ứng phó với những thách thức mới nổi, trong đó có khủng hoảng di cư, an ninh mạng, năng lượng.
Bản tuyên bố chung sau đó đã phản ánh những trọng tâm ưu tiên của liên minh này trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, các nước NATO một mặt tái khẳng định những cam kết nội khối về phòng vệ tập thể và chia sẻ trách nhiệm tài chính; mặt khác nhận diện những chuyển biến mới trong môi trường an ninh khu vực, đòi hỏi liên minh này cần thích nghi để ứng phó.
Mặc dù là một trong những liên minh quân sự tồn tại lâu nhất trong lịch sử hiện đại, nhưng NATO lại đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do những mâu thuẫn nội bộ đe dọa tới sự tồn tại của khối.
Những mối bất hòa trong NATO nảy sinh từ việc Mỹ chỉ trích việc một số thành viên NATO, đặc biệt là Đức, không đáp ứng yêu cầu dành 2% GDP cho quốc phòng; quy mô mở rộng của khối; mâu thuẫn giữa Mỹ và châu Âu ngày càng gia tăng; một số quốc gia châu Âu đang phải vật lộn với các vấn đề nội tại trong nước. Có lẽ, thời điểm kỷ niệm 70 thành lập cũng là lúc NATO cần phải đánh giá lại mục tiêu của khối và vạch rõ con đường tương lai cho mình.
4. Hai vụ rơi Boeing 737 MAX là do lỗi phần mềm
Ngày 4-4, CEO của Boeing, ông Dennis Muilenburg thừa nhận, lỗi phần mềm là một trong những nguyên nhân gây nên hai vụ rơi máy bay Boeing 737 MAX ở Indonesia và Ethiopia gần đây, đồng thời gửi lời chia buồn đến thân nhân của các nạn nhân.
Nhà sản xuất máy bay Mỹ đứng ra chịu trách nghiệm sau báo cáo sơ bộ mới được đưa ra về vụ rơi máy bay của Ethiopian Airlines làm 157 người thiệt mạng. Các nhà điều tra Ethiopia cho biết, các phi công đã làm theo tất cả các hướng dẫn an toàn từ Boeing trước khi bị rơi.
Bản báo cáo cho biết, mặc dù các phi công đã làm đúng theo quy trình, thiết bị cảm biến đã đọc sai và điều đó đã kích hoạt hệ thống cảnh báo an toàn tự động MCAS, khiến máy bay đã tự động đưa mũi xuống sau khi cất cánh, tương tự như vụ rơi máy bay của Lion Air của Indonesia.
Hai vụ rơi máy bay đã dẫn đến lệnh đình chỉ bay trên toàn thế giới với Boeing 737 MAX và các phi công cáo buộc Boeing trong việc không huấn luyện về hệ thống MCAS. Ông Muilenburg cũng cho hay, một bản cập nhật hệ thống đã sẵn sàng và sẽ được thực hiện trong vài tuần tới để tránh được các tai nạn liên quan đến hệ thống này từ nay về sau.
737 MAX vốn là dòng máy bay bán chạy nhất của Boeing với hơn 5.000 đơn đặt hàng. Trong khi đó, những quốc gia đã đặt mua dòng máy bay này và gia đình các nạn nhân đang yêu cầu công ty này bồi thường.
5. New Zealand siết chặt kiểm soát súng đạn
Sau vụ xả súng khiến 50 người thiệt mạng tại hai đền thờ người Hồi giáo ở Christchurch ngày 15-3, chính quyền New Zealand đã bắt tay vào việc thắt chặt sở hữu súng đạn.
Tại New Zealand hiện có khoảng 1,5 triệu khẩu súng thuộc sở hữu cá nhân, tương đương 0,3 khẩu súng/người theo số dân, trong đó bao gồm cả 13.500 khẩu là súng trường bán tự động kiểu quân sự.
Vụ xả súng nói trên cũng đã bộc lộ những “lỗ hổng” trong luật sở hữu súng đạn tại New Zealand và đó là lý do buộc Chính phủ của Thủ tướng Jacinda Ardern có các biện pháp khẩn cấp thắt chặt luật sử dụng súng đồng thời khuyến khích người sở hữu súng tự nguyện giao nộp những vũ khí không cần thiết.
Trong khi đó, người dân New Zealand cũng phản đối việc sử dụng vũ khí tràn lan trong xã hội và yêu cầu có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn. Mới đây, Quốc hội New Zealand đã đưa ra thảo luận và nhận được sự đồng tình của các nghị sĩ về việc thông qua dự luật kiểm soát súng đạn.
Dự kiến các quy định nghiêm ngặt hơn sẽ được New Zealand thông qua trong năm nay, như việc đăng ký sử dụng súng, thắt chặt các quy định về lưu trữ súng và kiểm tra lý lịch người mua...
6. Hàn Quốc, Mỹ triển khai dịch vụ 5G
Ba nhà mạng Hàn Quốc và một nhà mạng Mỹ đã ra mắt dịch vụ 5G thương mại đầu tiên của họ nhằm giành vị trí đi đầu trong cuộc đua tung ra công nghệ không dây mới nhất.
Cụ thể, SK Telecom và hai nhà mạng nhỏ hơn đã triển khai mạng 5G tại Hàn Quốc vào ngày 5-4, cùng với sự xuất hiện của chiếc smartphone Galaxy S10 hỗ trợ 5G của Samsung.
Trong khi đó, Verizon của Mỹ dự kiến sẽ triển khai công nghệ tại Chicago và Minneapolis vào ngày 11-4, cho phép khách hàng có thể sử dụng 5G trên Moto Z3 của Motorola với phụ kiện Moto Mod 5G đi kèm.
Hệ thống mạng không dây thế hệ thứ 5 được cho là nền tảng thúc đẩy đối mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực như thành phố thông minh, hay xe tự hành, đồng thời thúc đẩy kinh tế toàn cầu vốn đang chững lại. Việc triển khai mạng 5G cũng sẽ làm thay đổi cuộc sống từng ngày của hàng tỷ người trên thế giới.
Theo QĐND