Cao ủy LHQ về người tị nạn kêu gọi các nước Đông Nam Á mở cửa biên giới tiếp nhận những người di cư này, nhằm tránh một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn liên quan đến việc hàng ngàn người có thể bị chết trên biển nếu không được cứu giúp kịp thời. Tuy nhiên, các nước liên quan trong khu vực lên tiếng chỉ cứu giúp tạm thời, chứ không phải cứu giúp trên cơ sở tiếp nhận.
Malaysia và Indonesia đã nhất trí không tiếp tục áp dụng chính sách ngăn cản hay xua đuổi người di cư trên vùng biển Đông Nam Á. Hai nước cũng nhất trí cung cấp chỗ ở tạm thời cho những người nhập cư này với điều kiện tiến trình tái định cư và hồi hương sẽ được thực hiện trong vòng một năm với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Riêng Thái Lan còn đang xem xét giải pháp này, bởi theo luật pháp Thái Lan, người di cư Rohingya đang chạy trốn sự truy tố ở Myanmar nên không đủ tư cách hưởng quy chế tị nạn tại.
Trong khi đó, Myanmar, quốc gia vốn không coi người Rohingya (khoảng hơn một triệu người) là công dân của nước này và khẳng định họ là người nhập cư trái phép từ Bangladesh đã đồng ý tham gia đàm phán về vấn đề người di cư Rohingya tại Bangkok (Thái Lan) vào ngày 29-5, với sự tham dự của 15 nước. Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines đã lên tiếng sẵn sàng hỗ trợ công tác cứu trợ người di cư Rohingya đang còn lênh đênh trên biển.
Không chỉ ở châu Á, mà tại châu Âu, vấn đề người di cư vượt biển vào châu lục này cũng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Hải quân Italy ngày 21-5 đã giải cứu và đưa vào bờ 289 người di cư đang trên đường vượt biển từ Bắc Phi sang châu Âu. Liên minh châu Âu đã phải thông qua kế hoạch thành lập một lực lượng hải quân để đối phó với làn sóng di cư qua Địa Trung Hải.
2. Hội thảo quốc tế về biển Đông đã diễn ra tại nhiều nước trên thế giới.
Tại Pháp, Viện quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) phối hợp với Quỹ Gabriel Péri đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Căng thẳng mới ở Biển Đông”.
Các ý kiến trao đổi tại hội thảo nhận định, từ năm 2012, tình hình khu vực tiếp tục có những diễn biến đáng lo ngại; đặc biệt là việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên vùng biển tranh chấp với Nhật Bản; hạ đăt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou-981) tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
|
Quang cảnh hội thảo tại Pháp. Ảnh: Vietnam+.
|
Nhiều diễn giả cũng khẳng định EU và thế giới cần có đóng góp vào việc giải quyết bất đồng, tranh chấp ở khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS); mở rộng các khuôn khổ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực là an ninh, quân sự để làm giảm căng thẳng.
Tại Hội thảo “Biển Đông – Triển vọng nhìn từ luật pháp và lịch sử” diễn ra ở Bỉ, ông Antonio Carpio, chuyên gia Luật thuộc Tòa án Tối cao Philippines nhấn mạnh, những yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào, trong đó yêu sách về "đường 9 đoạn" là không có căn cứ, được vẽ tùy tiện và không có tọa độ xác định chính xác.
Liên quan đến việc mới đây Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, các học giả của Bỉ cho rằng, lý do mà Trung Quốc đưa ra không thỏa đáng và lệnh cấm này càng làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Tham dự Hội thảo về Biển Đông tổ chức ở thủ đô Buenos Aires, Argentina, các đại sứ Việt Nam, Philippines và Indonesia đều khẳng định, việc duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông là mối quan tâm chính đáng của nhiều nước và nhấn mạnh, các bên liên quan cần triển khai đầy đủ Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như cần sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). ASEAN cần có trách nhiệm và chủ động ngăn chặn sự leo thang của các tranh chấp trên Biển Đông.
3. Macedonia đang rơi vào khủng hoảng chính trị sâu sắc, khi ngày 18-5, hàng chục nghìn người đổ xuống các đường phố ở thủ đô Skopje để tham gia cuộc mít tinh ủng hộ Thủ tướng Nikola Gruevski, trong bối cảnh phe đối lập vừa tổ chức cuộc tuần hành quy mô tương tự đòi ông Gruevski từ chức.
|
Cảnh sát trấn áp người biểu tình ở thủ đô Skopje, Macedonia. Nguồn: Getty Images.
|
Khoảng 30.000 người tập hợp bên ngoài tòa nhà Quốc hội bày tỏ ủng hộ Thủ tướng Gruevski. Trong khi đó, khoảng 1.000 người ủng hộ phe đối lập vẫn cắm trại bên ngoài phủ thủ tướng sau khi người đứng đầu lực lượng này kêu gọi họ "bám trụ" cho đến khi ông Gruevski từ chức.
Căng thẳng chính trị tại Macedonia tăng cao từ tháng 1 vừa qua, khi chính phủ cáo buộc lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (SDSM) đối lập Zoran Zaev liên quan tới hoạt động gián điệp và bạo lực chống chính quyền. Ông Zaev đã bác bỏ các cáo buộc nói trên; đồng thời phe đối lập cáo buộc Thủ tướng Gruevski tham nhũng, tổ chức nghe lén điện thoại của ít nhất 20.000 người, bao gồm các chính trị gia, nhà báo và các lãnh đạo tôn giáo, gây căng thẳng sắc tộc để bám giữ quyền lực.
Bộ Ngoại giao Nga lo ngại, các hoạt động chống chính phủ do phe đối lập phát động là âm mưu của phương Tây kích động một cuộc cách mạng màu sắc tại quốc gia vùng Balkan này.
4. Tại vòng đối thoại lần thứ 28, Mỹ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí sẽ cùng phối hợp để nâng quan hệ Mỹ-ASEAN lên tầm đối tác chiến lược trong thời gian diễn ra Hội nghị Cấp cao Đông Á vào tháng 11-2015
|
Trưởng phái đoàn Mỹ tham dự đối thoại Daniel Russel. Ảnh: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
|
Tại cuộc đối thoại, hai bên đã tái khẳng định cam kết cùng phối hợp để triển khai những biện pháp nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu, khu vực và xuyên quốc gia ảnh hưởng tới ASEAN, trong đó có những vấn đề như biến đổi khí hậu, đánh bắt cá trái phép, sai quy định và không khai báo (IUU), cứu trợ thảm họa và hỗ trợ nhân đạo (HA/DR), và đặc biệt là những diễn biến gần đây tại Biển Đông.
Mỹ và ASEAN cũng đã thảo luận các nỗ lực của tổ chức khu vực này nhằm đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế và trao đổi về các lĩnh vực mở rộng hợp tác. Phía Mỹ khẳng định tầm quan trọng của sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.
5. Mỹ và Cuba đã tiến thêm một bước dài trên con đường bình thường hóa quan hệ song phươngkhi hai bên tuyên bố đạt được nhiều tiến triển quan trọng tại vòng đàm phán thứ tư diễn ra trong hai ngày 21 và 22-5 tại thủ đô Washington DC. Hai bên tỏ ra “rất lạc quan” về kết quả đàm phán khi đã tìm được tiếng nói chung và đạt được tiến triển lớn đối với nhiều vấn đề quan trọng. Washington và La Habana đang ngày càng tiến gần hơn tới việc mở lại các đại sứ quán sau 54 năm gián đoạn, dù vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết.
Theo QĐND