Thứ Ba, 26/11/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 23/5/2015 14:32'(GMT+7)

“Chiến tranh khi đốt từ Ap-ga-ni-xtăng tới Xy-ri, U-crai-na và Ma-kê-đô-nhi-a” (Phần tiếp theo)

Mỹ không kích thị trấn Cô-ba-ni của Xy-ri -  Ảnh: Alamy Live News

Mỹ không kích thị trấn Cô-ba-ni của Xy-ri - Ảnh: Alamy Live News

 Chiến tranh khí đốt ở Xy-ri

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Xy-ri kéo dài hơn 4 năm qua đang diễn biến cực kỳ phức tạp, đưa quốc gia Trung Đông này đứng trước bước ngoặt có tính quyết định, trong đó nguyên nhân sâu xa là do Xy-ri nằm trong “tâm chấn” của cuộc cạnh tranh địa-chính trị giữa các nước lớn trong và ngoài khu vực đang tranh giành ảnh hưởng tại đây, trước hết là nhằm sở hữu quyền khai thác khí đốt và dầu mỏ.

Xy-ri là một phần hợp thành đề án đường ống dẫn khí đốt đi qua nhiều nước Arab có chiều dài 1.200km, đường kính đường ống gần 1 m, có khả năng chuyển tải tối đa gần 10 tỷ m3. Hiện nay khí đốt của Ai Cập đang được cung cấp sang Xy-ri theo đường ống này. Sắp tới, mạng lưới đường ống dẫn khí đốt từ Thổ Nhĩ Kỳ và Xy-ri sẽ kết nối với một đường ống khác đang được xây dựng dài 230 km. Như vậy, Xy-ri đóng vai trò trung tâm trên toàn bộ tuyến đường ống dẫn khí đốt đi qua các nước A-rập tới châu Âu trong tương lai. 

Điều đáng nói là Tổng thống Xy-ri Ba-sa An At-xat đã loại bỏ các công ty của Mỹ và các nước phương Tây ra khỏi danh sách các nhà thầu xây dựng tuyền đường dẫn khí đốt đi qua lãnh thổ nước này và ưu tiên cho tập đoàn khí đốt “Gazprom” của Nga bởi Nga là một đối tác chiến lược được coi là tin cậy của Xy-ri. Đây là điều mà Mỹ không thể chấp nhận, tương tự như trường hợp Ta-li-ban ở Ap-ga-ni-xtăng.

Nhận xét về tầm quan trọng của Xy-ri đối với kế hoạch thực hiện Đề án Đại Trung Đông của Mỹ, Pôn Crây Rô-bec (Paul Craig Roberts), cựu Thứ trưởng Bộ tài chính Mỹ dưới thời cầm quyền của Tổng thống Rô-nan Ri-gân, thành viên của Đảng Cộng hoà, trong bài trả lời phỏng vấn hãng truyền hình “Press TV” nhận định: “Bằng cách gây ra cuộc khủng hoảng chính trị ở Xy-ri, Mỹ muốn hạn chế ảnh hưởng địa-chính trị và kiềm chế sự phát triển của Nga và Trung Quốc”. Do đó, một trong những mục tiêu chiến lược của Mỹ thay đổi chế độ cầm quyền ở Xy-ri là kiểm soát hệ thống đường ống dẫn khí đốt đi qua quốc gia này.

Nếu chế độ cầm quyền Ta-li-ban ở Ap-ga-ni-xtăng bị ném bom rải thảm sau sự kiện 11-9 chỉ vì không chấp nhận đề nghị của Mỹ thực hiện đề án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Trung Á đi qua lãnh thổ Ap-ga-ni-xtăng, thì Tổng thống Xy-ri Ba-sa An At-xat cũng bị Mỹ và các nước phương Tây coi là “kẻ chuyên chế độc tài”, là “tên khủng bố khát máu” và là “Hit-le của thế kỷ XXI” cần bị loại bỏ chỉ vì ông ta không chấp nhận cộng tác với họ xây dựng tuyền đường ống dẫn khí đốt từ Trung Đông đi qua lãnh thổ Xy-ri tới thị trường Châu Âu.

Để thực hiện mục tiêu này, các nước Phương Tây đã tiến hành “cuộc chiến tranh qua tay người khác”, trong đó Nhà nước Hồi giao I-răc và Cận Đông, ISIL (Islamic State of Iraq and the Levant), là một lực lượng đóng vai trò then chốt. Cùng với các tổ chức khủng bố đến từ hơn 30 nước trên thế giới, trong gần 4 năm qua, ISIL đã tiến hành cuộc chiến tranh khủng bố tàn bạo nhất, đẫm máu nhất chống lại các lực lượng ủng hộ Tổng thống Ba-sa An At-xat. Vì thế, ISIL đã từng được một số chính khách ở phương Tây gọi là “các chiến sỹ đấu tranh cho tự do” ở Xy-ri để che đậy mục tiêu đích thực là tiêu diệt Tổng thống Ba-sa An At-xat-một người không chịu chấp nhận vai trò bảo vệ lợi ích chiến lược của Mỹ và các nước phương Tây ở một khu vực có ý nghĩa địa-chiến lược và địa-kinh tế cực kỳ quan trọng, trước hết là nguồn lợi dầu mỏ và khí đốt.

Theo tiết lộ của báo chí nước ngoài, tháng 5-2013, khi cuộc chiến ở Xy-ri đang ở đỉnh điểm cam go, một quan chức cấp cao trong giới tinh hoa chính trị của phương Tây, được gọi là “nhân vật bí ẩn” (xin được dấu tên), đã bí mật tới thăm thành phố It-lip (Idlib) nằm trong khu vực lãnh thổ Xy-ri do các lực lượng đối lập kiểm soát để gặp trực tiếp các thủ lĩnh của ISIL, trong đó có Mô-ha-met Nu-ra (Mohamed Nur), một trong các thủ lĩnh của “Al-Qaeda” ở Xy-ri.

Một tháng trước khi “nhân vật bí ẩn” này thăm Xy-ri, I-bra-him An-ba-đi (Ibrahim Al-Bardi)-thành viên Bộ tham mưu của “Đội quân tự do Xy-ri”, núp dưới một tên khác là A-bu Ba-ca An-ba-đa-đi (Abu Bakr al-Baghdadi), đứng ra thành lập ISIL. Chính A-bu Ba-ca An-ba-đa-đi đã từng đích thân tổ chức cuộc tấn công nhà tù A-bu Grai-ep (Abu Ghraib) để giải thoát gần 1.000 chiến binh hồi giáo cực đoan, sau đó đưa những chiến binh này gia nhập hàng ngũ ISIL. Thế nhưng, hiện nay, sau khi ISIL tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo (IS-Islamic State) trên lãnh thổ I-răc, tổ chức này lại bỗng nhiên bị chính các nước phương Tây coi là “tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới”.

Câu chuyện này lặp y nguyên việc “Al-Qaeda” đã từng là đồng minh của Mỹ chống lại Quân đội Liên Xổ ở Ap-ga-ni-xtăng trong những năm 1980, thì sau vụ khủng bố 11-9 bỗng nhiên biến thành “kẻ thù nguy hiểm” đối với thế giới.   

Đáng chú ý là, việc xúc tiến loại bỏ Tổng thống Xy-ri Ba-sa An At-xat nằm trong chiến lược tổng thể giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở U-crai-na, theo đó sẽ đưa U-crai-na gia nhập NATO, chặn đứng tuyến đường dẫn khí đốt của Nga sang EU, còn nhu cầu khí đốt của Châu Âu sẽ được cung cấp từ Trung Đông, trước hết là từ Xy-ri và Ca-ta ngay sau khi dựng lên chính quyền mới ở Đa-mat.  

Vì thế, ngày 9-9-2014, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xec-gây La-vrôp (Xergey Lavrov) tuyên bố, liên minh do phương Tây đứng đầu để chống khủng bố hiện nay núp dưới chiêu bài “chống IS” để tấn công vào các lực lượng của Chính phủ Xy-ri. Do đó, Chính quyền Đa-mat đã ra tuyên bố, các nước phương Tây không được phép tấn công các mục tiêu của IS trên lãnh thổ Xy-ri một khi chưa được Chính phủ Xy-ri đồng ý. Còn Ma-ri-e Ha-phơ (Marie Harf) người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, thì tuyên bố Lầu Năm Góc sẽ không kích các mục tiêu của IS ở Xy-ri mà không cần hỏi ý kiến của Chính phủ Xy-ri vì họ “đã không còn là một chính thể hợp pháp”!?


Đại tá PGS-TS Đồng Xuân Thọ




 
Chiến tranh khi đốt từ Ap-ga-ni-xtăng tới Xy-ri, U-crai-na và Ma-kê-đô-nhi-a (Phần 1)

 

(Theo dõi tiếp: Ma-kê-đô-nhi-a: điểm nhấn của cuộc chiến tranh khí đốt giữa phương Tây và Nga)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất