Thứ Hai, 23/12/2024
Thi đua yêu nước
Thứ Năm, 9/2/2012 20:25'(GMT+7)

Thi đua phải bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương và các thành viên của Hội đồng tham dự.

Năm 2011, hoạt động của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng và Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng đã bám sát những phương hướng, nhiệm vụ đề ra, nêu cao tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm trong tổ chức chỉ đạo và tập trung triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và công tác thi đua, khen thưởng trong phạm vi cả nước, trong đó đã chú trọng thực hiện kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác thi đua, khen thưởng.

Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp đã luôn nêu cao vai trò tham mưu, tổ chức chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng ở các bộ, ngành, địa phương.

Phong trào thi đua của các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các địa phương đã có những tiến bộ, từng bước khắc phục tính hình thức trong thi đua; công tác thi đua, khen thưởng đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo và có sự phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Các phong trào thi đua được phát động với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.”

Trong năm 2011, Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng 13 Huân chương Sao vàng, 30 Huân chương Hồ Chí Minh, 7.776 huân chương các loại, trên 228.630 huy chương các loại; phong tặng 163 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 26 anh hùng lao động, 11 Anh hùng Lực lượng vũ trang...

Bộ máy tổ chức và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng có sự ổn định hơn. Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng; chất lượng các cuộc họp của Hội đồng ngày càng được nâng lên; việc xét danh hiệu anh hùng đảm bảo chặt chẽ, chính xác...

Năm 2012, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng xác định một số nhiệm vụ chủ yếu như đẩy mạnh các phong trào thi đua ngay từ những tháng đầu năm. Hướng dẫn, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết đánh giá 8 năm thực hiện luật Thi đua, Khen thưởng, trên cơ sở đó đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, Khen thưởng.

Hội đồng Thi đua-Khen thưởng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ đề án “Tổ chức lễ trao tặng các hình thức khen thưởng bậc cao của Nhà nước và tổ chức biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến toàn quốc” vào dịp 11/6 hàng năm và đề án phát động phong trào thi đua “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.”

Hội đồng cũng sẽ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong “Thực hiện làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,” tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, đảm bảo khen thưởng phải đúng quy định, kịp thời, chính xác; quan tâm đến việc phát hiện nhân tố mới, điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt để khen thưởng, tôn vinh kịp thời...

Thảo luận tại phiên họp, ý kiến của các thành viên Hội đồng Thi đua-Khen thưởng, các đại biểu đều cơ bản bày tỏ đồng tình với những nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2012 mà Hội đồng Thi đua-Khen thưởng đã xác định; đồng thời đề nghị cần làm rõ hơn nữa trách nhiệm của Hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp; quan tâm tới công tác kiểm tra, đôn đốc các phong trào thi đua cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến…

Khẳng định các phong trào thi đua trong năm 2011 vừa qua đã có những đóng góp thiết thực đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, song Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng các phong trào thi đua cần được phát động sâu rộng và hiệu quả hơn nữa; việc phát động các phong trào thi đua phải luôn lưu ý tới tính trọng tâm, trọng điểm, tránh phát động thi đua theo hình thức, tràn lan, hiệu quả thấp.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm đề xuất rằng cần hết sức quan tâm tới hình thức khen thưởng đột xuất và khen thưởng đối với người lao động trực tiếp sản xuất, công tác... hạn chế tối đa việc bình bầu thi đua, khen thưởng trong một cơ quan, đơn vị theo hình thức tuần tự từ cao tới thấp; nâng dần tỷ trọng người lao động trực tiếp được nhận các danh hiệu thi đua, khen thưởng so với các lãnh đạo trong cơ quan, đơn vị...

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trong năm 2011, công tác thi đua, khen thưởng được sự quan tâm của các bộ, ngành, các các cấp chính quyền; Hội đồng Thi đua-Khen thưởng và Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng đã hoạt động tích cực, trách nhiệm; phong trào thi đua luôn nhằm vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của đất nước như ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh... Cùng với đó, công tác khen thưởng có nhiều tiếu bộ, chất lượng được tốt hơn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ công tác thi đua, khen thưởng năm 2012 phải luôn bám sát vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra; khen thưởng đúng người, đúng việc.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các thành viên của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng phải luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, quan tâm tới công tác kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở Hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua. Cùng với đó là việc quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các phong trào thi đua; nhân rộng các điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất…

Cũng tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các thành viên Hội đồng Thi đua-Khen thưởng, các đại biểu cũng đã nghe báo cáo, thảo luận về những nội dung cơ bản của Đề án đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và Đề án tổ chức lễ trao tặng các hình thức khen thưởng bậc cao của Nhà nước và tổ chức biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến toàn quốc./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất