Thứ Ba, 1/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 26/4/2011 22:11'(GMT+7)

Thi sáng tác kịch ngắn về đề tài Biển, Đảo Việt Nam: Sôi động từ lễ phát động

  Nội dung cuộc thi tập trung phản ánh đời sống của nhân dân vùng biển đảo, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang, của những người tham gia hoạt động trên biển, tiềm năng của thiên nhiên và con người vùng biển, đảo; thành tựu phát triển kinh tế biển trong thời kỳ đổi mới; bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái biển đảo; giữ gìn trật tự, an ninh trên biển đảo; tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo; lòng tự hào dân tộc của mỗi người Việt Nam.

Theo ông Trần Minh Chính- Phó Cục trưởng phụ trách Cục văn hóa cơ sở, cuộc thi sáng tác kịch ngắn về đề tài Biển, Đảo Việt Nam này sẽ góp phần cung cấp các tác phẩm phục vụ cho Liên hoan nghệ thuật quần chúng dự kiến tổ chức vào năm tới: Biển đảo VN cũng là đề tài được các văn nghệ sĩ quan tâm sáng tác nhiều năm nay. Chúng tôi chọn loại hình kịch ngắn vì nó phù hợp với hoạt động tuyên truyền của lĩnh vực văn hóa cơ sở hơn, có thể biểu diễn ở cấp xã, cấp tỉnh. Năm 2012 chúng tôi dự định tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng, thì các tiểu phẩm này sẽ được sử dụng. Sau cuộc thi thì chúng tôi cho in để các đơn vị dàn dựng, biểu diễn. Ông Trần Minh Chính nói.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, các tác giả viết kịch và các nghệ sĩ có mặt tại lễ phát động, đề tài Biển, Đảo Việt Nam hiện nay là một đề tài hay. Nhà thơ- Tác giả kịch bản Lê Huy Quang nhận định: đây là đề tài "nóng, cần thiết, chỉ sau đề tài công nghiệp, nông nghiệp. Cục Văn hóa cơ sở phát động cuộc thi này là kịp thời".

Làm tiêu tan mối lo ngại của một số người là cuộc thi ngày quá ngắn (tính từ lúc phát động đến lễ trao giải chỉ trong vòng 7 tháng), nhạc sĩ Đồng Tâm- Chủ tịch Hội văn học- nghệ thuật Thanh Hóa cho rằng: Nhiều cuộc thi gần đây cũng chỉ tổ chức trong vài tháng. Cuộc thi này trong vòng 7 tháng cũng sẽ có đông tác giả hưởng ứng, bởi" biển quê hương mình quá đẹp nên nhiều tác giả nung nấu có sẵn đề tài để viết rồi".

Một trong những điểm hấp dẫn của cuộc thi là ở chỗ: Các tác giả không chuyên cũng có thể tham gia cuộc thi, với các kịch bản văn học ngắn cho các loại hình: kịch nói, kịch thơ, kịch hát truyền thống. Nhà thơ Lê Huy Quang nhấn mạnh: ngoài hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của các nhà hát Trung ương và các tỉnh, còn có phong trào nghệ thuật nghiệp dư- tiền đề quan trọng hình thành đời sống văn nghệ chuyên nghiệp, góp phần làm cho đời sống văn nghệ phong phú, đa dạng. Cuộc thi này góp thêm động lực cho phong trào nghệ thuật nghiệp du phát triển. Còn theo nữ NSUT Thanh Trầm- Chủ tịch Hội Sân khấu HN, thì "cái đáng yêu của sân khấu không chuyên chính là ở sự phong phú, đa dạng".

Theo nhìn nhận của PGS-TS Phạm Duy Khuê thì "đời sống sân khấu của nước ta chưa ra khỏi khủng hoảng, sân khấu chuyên nghiệp cũ kỹ, có một số nhân tài thì tuổi đã cao. Tác giả thì đội ngũ mới, trẻ trung, thì về mặt kỹ thuật, tay nghề còn non. Thế cho nên những cuộc thi sáng tác như thế này là những cuộc tập dượt rất tốt. Về nguồn sống thì những người viết không chuyên rất phong phú, sống động, đến mức những người viết chuyên nghiệp cũng phải thèm, anh em chỉ lúng túng về tay nghề thôi và những người tham gia thi cần đầu tư dụng công để có chất lượng chuyên môn cao".

Góp thêm tiếng nói để cuộc thi đạt hiệu quả cao, nhà biên kịch Phạm Huỳnh Công cho rằng "Kịch là hành động, Ban tổ chức cần chọn một số tác phẩm tốt để dàn dựng và khi trao giải thì có thể biểu diễn để công chúng xem và thấy được giá trị của tác phẩm".

Ban tổ chức nhận tác phẩm dự thi từ nay đến 15/10 và tổng kết, trao giải thưởng vào cuối tháng 11 năm nay. Cơ cấu giải thưởng của cuộc thi gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích./.

- Thạch Thảo -

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất