Chủ Nhật, 13/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 22/5/2010 8:41'(GMT+7)

Thị trường bất động sản: "Chạy đà" cho trung và dài hạn

Ông Nguyễn Trần Nam

Ông Nguyễn Trần Nam

Năm 2010 thị trường BĐS Việt Nam được đánh giá là có được bước "chạy đà" tốt từ năm 2009, để tăng trưởng nhanh cả về quy mô, phạm vi, số lượng và chất lượng, đặc biệt là ở các khu đô thị... Thứ trưởng Bộ Xây dựng kiêm Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam đã có cuộc trao đổi với PV về vấn đề này.

PV: Ông đánh giá như thế nào về thị trường BĐS Việt Nam thời gian qua?

Ông Nguyễn Trần Nam: Nhìn lại năm 2009, thị trường BĐS Việt Nam đã trải qua những nét thăng trầm, biến động trái chiều. Đầu năm, các DN kinh doanh BĐS gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, không ít dự báo rằng sẽ có nhiều DN phải phá sản. Tuy nhiên, thực tế thị trường đã chuyển động không như dự báo. Các DN kinh doanh BĐS không những đã vượt khó mà còn gặt hái được nhiều kết quả tốt trong kinh doanh. Thị trường BĐS Việt Nam đã trở thành một trong số ít thị trường có sự phục hồi nhanh và phát triển mạnh nhất trong khu vực. Sự phục hồi này đã kéo theo hàng loạt ngành nghề, lĩnh vực khác cùng phát triển theo.

Có được sự phục hồi mạnh trong bối cảnh suy thoái là do thị trường BĐS có sự "trợ lực" của Nhà nước thông qua các gói giải pháp kích thích nền kinh tế. Bên cạnh gói kích thích kinh tế 1 tỷ USD hỗ trợ lãi suất cho các DN, Chính phủ cũng đã có nhiều động thái tăng cường đầu tư nguồn lực xã hội cho phát triển cơ sở hạ tầng, trường học, giao thông... Đặc biệt trong gói huy động trái phiếu Chính phủ 20.000 tỷ đồng năm qua, Chính phủ đã trích ra hơn 3.500 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên. Nhiều cơ chế chính sách miễn giảm tiền đất, miễn giảm thuế, hỗ trợ tín dụng... để khuyến khích các DN huy động các nguồn vốn từ bên ngào vào xây dựng nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp đã được triển khai. Cùng với đó, chính sách cho người nước ngoài mua nhà và mở rộng quyền cho Việt kiều sở hữu nhà ở Việt Nam; Ngân hàng cũng quay trở lại hỗ trợ DN kinh doanh BĐS; Chính sách hỗ trợ người thu nhập thấp vay tiền mua nhà, thuê nhà với lãi suất ưu đãi trong dài hạn... Tất cả các yếu tố đó cùng hợp lực kích cầu cho thị trường BĐS gạt bỏ mọi khó khăn để phục hồi phát triển mạnh.

Ngoài ra, với sự tham gia tích cực từ luồng vốn của các NĐT nước ngoài đổ vào lĩnh vực BĐS tăng mạnh trong năm qua cũng góp phần làm cho thị trường BĐS sôi động trở lại. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 50% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là đổ vào lĩnh vực BĐS. Nhiều DN FDI triển khai các dự án có vốn hàng chục thậm chí đến hàng trăm triệu USD. Các quỹ đầu tư nước ngoài đã tìm đến thị trường BĐS Việt Nam ngày càng một nhiều, các quỹ đầu tư chuyên ngành BĐS, xây dựng nước ngoài cũng xuất hiện tại Việt Nam ngày một đông... khiến cho thị trường BĐS Việt Nam ngày càng sôi động và đa dang hơn.

Thị trường BĐS Việt Nam đang có những bước chuyển biến tốt. Để tiếp tục phát huy tốt những yếu tố tích cực đó thì định hướng thị trường BĐS trong thời gian tới phải được quán triệt theo phương châm phát triển bền vững gắn với kinh tế vĩ mô, để chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển mới.

PV: Theo ông, về trung và dài hạn, thị trường BĐS Việt Nam sẽ phát triển theo hướng nào?

Ông Nguyễn Trần Nam: Trong thời gian tới, thị trường BĐS Việt Nam sẽ tiếp tục có bước phát triển tốt. Nguyên nhân cơ bản là do tình hình kinh tế có nhiều khởi sắc; Niềm tin của các NĐT vào Việt Nam ngày một tăng. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức năm 2009 Việt Nam đã gặt hái được kết quả tăng trưởng khá ấn tượng, GDP đạt trên 5,2%; TTCK cũng đã phục hồi mạnh trở lại và đã có sự liên thông với thị trường BĐS; Các mục tiêu kinh tế năm 2010 đã được đặt ra trong một triển vọng khá lạc quan. Tuy nhiên, về trung và dài hạn thị trường BĐS Việt Nam cũng sẽ tập trung vào phát triển trên một số bình diện:

Thứ nhất: Cùng với quá trình phát triển kinh tế, việc đô thị hóa những năm tới tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Đi liền với đó là sự bùng phát của thị trường xây dựng, kinh doanh nhà, đất, đặc biệt là sản phẩm của các khu đô thị mới. Đây chính là những nòng cốt của thị trường BĐS Việt Nam trong những năm tới.

Thứ hai: Thị trường đất công nghiệp cần có những điều chỉnh bổ sung để tiếp tục hoàn thiện, hướng đến phát triển ổn định vào năm 2020 theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển các khu công nghiệp, kinh tế. Đây có thể coi là động lực cho sự phát triển kinh tế trong năm 2010 và những năm tiếp sau đó.

Thứ ba: Thị trường nhà, đất, thương mại dịch vụ cần phát triển mạnh hơn và đi liền với việc xem xét, điều chỉnh đúng định hướng. Cho đến nay đã có những bước khởi đầu tốt nhưng phân mảng thị trường nhà đất thương mại vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được tận dụng, đặc biệt là phân nhánh thị trường BĐS du lịch. Nước ta có lợi thế về địa chính trị, địa kinh tế, bờ biển dài, nhiều danh thắng nhưng cơ sở hạ tầng nhằm phát huy các tiềm năng lại còn thiếu và yếu. Để phát huy lợi thế này, tới đây chúng ta cần có những quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết đối với phân nhánh thị trường này nhằm phát triển bền vững góp phần phát triển kinh tế và tạo vị thế trên trường quốc tế.

Thứ tư: Thị trường nhà ở cho các đối tượng xã hội sẽ tiếp tục được chú trọng phát triển trong năm 2010 và những năm tiếp theo. Triển khai tinh thần Nghị quyết số 18/2009/NQ-CP của Chính phủ, các chủ thể kinh tế đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung nỗ lực để phát triển mảng này của thị trường BĐS. Đây là khía cạnh ổn định xã hội, ổn định thị trường BĐS và cần phải quan tâm xem xét phát triển như một chính sách ổn định, lâu dài.

PV: Theo ông để thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới cần ưu tiên thực hiện các giải pháp nào?

Để thực hiện được những định hướng phát triển thị trường BĐS như trên, có nhiều nội dung cần phải tiến hành đồng bộ: Trước hết, tăng cường hoàn thiện các thủ tục hành chính để tháo gỡ khó khăn cho các chủ thể kinh tế đầu tư vào thị trường BĐS. Thứ đến là hệ thống ngân hàng cần tiếp tục cung cấp tín dụng cho thị trường BĐS. Hơn nữa, các DN, NĐT cần tích cực đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện các dự án đã khởi công hoặc sẽ khởi công.

Về trung hạn, cần nhanh chóng hình thành các cơ sở hành lang pháp lý liên quan đến thị trường BĐS để các thể chế, các tổ chức tài chính - tiền tệ từng bước tham gia thị trường BĐS một cách dễ dàng, thuận tiện và minh bạch. Trước hết cần triển khai thí điểm và nghiên cứu ban hành chính sách về quỹ tiết kiệm nhà ở; chính sách về hệ thống tái thế chấp BĐS; chính sách về quỹ đầu tư BĐS và quỹ tín thác BĐS. Tiếp đến là tăng cường thu hút các nguồn vốn từ tất cả các thành phần kinh tế tham gia vào thị trường BĐS. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các chủ thế đầu tư có yếu tố nước ngoài vào các phân khúc thị trường cần vốn lớn, trình độ quản lý hiện đại như các phân khúc thị trường BĐS du lịch, cao ốc phức hợp... Đồng thời, chuẩn bị điều kiện địa điểm, khung pháp lý để thu hút các nguồn vốn này khi các nền kinh tế vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Mặt khác, thử nghiệm tính toán các chỉ số liên quan đến thị trường BĐS. Trước mắt thử nghiệm tính toán các chỉ số giá nhà, chỉ số giá BĐS. Cần thống nhất từ chủ trương, chế độ báo cáo và quyền lợi của các bên trong việc tham gia đóng góp và thực hiện các chỉ số này.

Về lâu dài, cần quy hoạch và triển khai xây dựng những đô thị hoàn toàn mới theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại. Từ trước đến nay, các đô thị của nước ta chủ yếu phát triển dựa trên những trung tâm dân cư đã có sẵn, nên bộ mặt đô thị thường bị chắp vá, thiếu đồng bộ cả về giao thông, xây dựng lẫn kiến trúc, cảnh quan. Để tạo dựng đô thị hoàn toàn mới, chúng ta cần có sự tham gia chủ động, cụ thể của Nhà nước, DN và người dân. Đặc biệt là cấp trung ương, từ khâu quy hoạch tổng thể đến việc hình thành các tập đoàn kinh tế lớn đủ tiềm lực, nhằm phát triển đồng bộ từ cơ sở hạ tầng đến các công trình xây dựng quy mô lớn./.

Xin cảm ơn ông!

Đức Trung (thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất