Thứ Ba, 26/11/2024
Sức khỏe
Thứ Năm, 18/9/2014 17:46'(GMT+7)

Thích ứng với già hóa dân số

Ảnh minh họa (Nguồn: UNFPA)

Ảnh minh họa (Nguồn: UNFPA)

Việt Nam có tốc độ già hóa dân số nhanh

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế tại Hội nghị bên lề Hội nghị bộ trưởng Y tế ASIAN lần thứ 12, Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số. Theo số liệu thống kê, số lượng người cao tuổi tăng nhanh trong thời gian tới và trong những năm tới, dự báo sẽ còn tăng nhanh hơn, thời gian quá độ từ “già hóa dân số” sang “dân số già” ngắn hơn nhiều nước trên thế giới. 

Sau Tổng điều tra Dân số năm 2009, các nhà khoa học đã dự báo đến năm 2017 Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số nhưng năm 2011, tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên là 7%, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số”, sớm hơn 6 năm so với dự báo. Nguyên  nhân là tuổi thọ người dân tăng nhanh, làm tăng số lượng và tỷ lệ người cao tuổi; đồng thời do làm tốt công tác giảm sinh nên số lượng và tỷ lệ trẻ em cũng giảm mạnh. 

Tỷ trọng dân số cao tuổi tăng lên, dẫn đến gia tăng chỉ số già hóa (tỷ số giữa nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên so với nhóm dân số dưới 15 tuổi tính theo phần trăm) từ 16% năm 1979 lên 24,3% năm 1999 và 42,7 năm 2012 – cao hơn mức trung bình của Đông Nam Á (30%). Như vậy, nếu năm 1989, khoảng 6 trẻ em có 1 người già thì đến năm 2012, khoảng 2,3 trẻ em có một người già. 

Thời gian quá độ từ “già hóa dân số” sang “dân số già” của Việt Nam chỉ khoảng 18 năm. Đây là khoảng thời gian ngắn, thậm chí ngắn hơn rất nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển. 

Phần lớn người cao tuổi sống ở nông thôn. Đô thị hóa và xu hướng cấu trúc gia đình thay đổi khiến người cao tuổi đang đối mặt với các vấn đề về chăm sóc và phụng dưỡng. 

Tuy tuổi thọ trung bình của Việt Nam là 73 tuổi nhưng tuổi thọ trung bình khỏe mạnh chỉ được 64 tuổi. 

Tận dụng đối đa cơ hội của dân số già hóa

Theo báo cáo của Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), trên thế giới, cứ một giây qua đi, lại có hai người tổ chức sinh nhật tròn 60 tuổi – trung bình một năm có gần 58 triệu người tròn 60 tuổi. Hiện nay, toàn thế giới cứ chín người lại có một người từ 60 tuổi trở lên. Con số này dự tính đến năm 2050 sẽ tăng tới mức cứ năm người sẽ có một người trên 60 tuổi. Như vậy, già hóa dân số thế giới là một vấn đề không thể bỏ qua. Vấn đề này đang diễn ra trên tất cả các khu vực và quốc gia với các tốc độ khác nhau, đặc biệt tốc độ nhanh ở các nước đang phát triển. Hiện nay, 7 trong số 15 nước có hơn 10 triệu người già là thuộc các nước đang phát triển. 

UNFPA nhìn nhận già hóa là một thành tựu của quá trình phát triển từ thành tựu nâng cao tuổi thọ của nhân loại. Nhưng già hóa dân số cũng đang tạo ra những thách thức về mặt xã hội, kinh tế và văn hóa cho các cá nhân, gia đình, xã hội và cộng đồng trên toàn cầu. 

Để đối mặt với thách thức, đồng thời tận dụng các lợi thế và cơ hội do quá trình già hóa dân số đem lại, báo cáo kêu gọi những cách tiếp cận mới đối với mô thức qua đó các xã hội, lực lượng lao động, quan hệ giữa các thế hệ dân số được thiết lập. Những nỗ lực cần phải được duy trì trên cơ sở các cam kết chính trị mạnh mẽ, nền tảng kiến thức và số liệu vững chắc để đảm bảo sự lồng ghép hiệu quả sự già hóa toàn cầu trong phạm vi rộng. Con người ở mọi nơi trên thế giới cần phải được đến với tuổi già trong sự tôn trọng và an sinh, được hưởng thụ cuộc sống với tất cả những quyền con người và quyền tự do nền tảng được  hiện thực hóa đầy đủ. 

Đối với Việt Nam, để người cao tuổi được “sống vui, sống khỏe, sống có ích”, những năm qua, cùng với các ngành, các cấp, ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp và các hoạt động nhằm chăm sóc người cao tuổi. 

Tuy nhiên, hệ thống y tế - lão khoa ở Việt Nam chưa đầy đủ và trang bị chưa đáp ứng nhu cầu đề giải quyết được các bệnh mãn tính – bệnh đặc trưng của 95% người cao tuổi. Hệ thống bảo trợ, an sinh xã hội cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi. Chỉ 30% người cao tuổi có lương hưu hoặc trợ cấp từ ngân sách nhà nước. Trong khi còn 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất, khoảng 30% người cao tuổi không có bảo hiểm y tế. Thêm vào đó là sự khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế và xã hội của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. Hiện tại, người cao tuổi nghèo và người cao tuổi sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ít có khả năng tiếp cận được tới dịch vụ chăm sóc cần thiết. Đây là thách thức lớn trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. 

Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam khuyến nghị, việc xây dựng hệ thống lão khoa trên toàn quốc nhằm bắt kịp sự biến đổi nhân khẩu học và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn của người cao tuổi là cần thiết. Cần mở rộng, phát triển các hệ thống chăm sóc người cao tuổi dựa vào gia đình và cộng đồng với sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể và hệ thống chính quyền địa phương. Đồng thời, cải cách hệ thống bảo trợ xã hội, mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm y tế. Khuyến khích các đơn vị sử dụng lao động tạo việc làm và môi trường việc làm phù hợp năng lực, sức khỏe người cao tuổi.

Thảo Nguyên
 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất