Thứ Năm, 21/11/2024
Xã hội
Thứ Hai, 15/5/2023 10:5'(GMT+7)

Thiêng liêng Trường Sa!

Đoàn Công tác Trường Sa số 8, năm 2023. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Đoàn Công tác Trường Sa số 8, năm 2023. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Đúng 15h ngày 3/5/2023, một hồi còi dài báo hiệu con tàu Trường Sa 571 bắt đầu rời khỏi Cảng quốc tế Cam Ranh, mang theo bao sự háo hức, phấn chấn của các thành viên trong đoàn. Có người đã đến Trường Sa một vài lần nhưng đa phần là mới lần đầu song ai cũng có chung một niềm tự hào vì được có mặt trên chuyến tàu đến với Trường Sa. Sau gần 2 ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi đã được trải nghiệm chế độ sinh hoạt của nhà binh: thức dậy, ăn ngủ theo hiệu lệnh. Mỗi khi nghe tiếng kèn báo thức, tiếng loa phát thanh thông báo giờ ăn, nghỉ, chúng tôi giống như những người lính thực thụ, răm rắp làm theo. Sự ngăn nắp và tính kỷ luật là bài học đầu tiên chúng tôi học được trên tàu.

Sau gần 2 ngày 1 đêm trên tàu, chúng tôi được đặt chân lên đảo đầu tiên. Cảm xúc khi lần đầu nhìn thấy đảo thật khó tả - bồi hồi, xúc động. Bước chân như níu lại - phần vì chếnh choáng khi mới rời tàu, phần vì nóng lòng muốn tận mắt nhìn thấy quang cảnh của đảo, ở nơi mà xung quanh chỉ có bốn bề sóng biển. Cảm động biết bao khi nhìn thấy những anh lính trẻ tuổi trong bộ quân phục hải quân, giữa cái nắng, gió biển khắc nghiệt nhưng vẫn ôm chắc tay súng, ánh mắt luôn kiên định hướng về phía trước. Nhìn thấy chúng tôi, ánh mắt ánh lên nụ cười, tôi đọc thấy trong đó niềm vui khó tả khi thấy đất liền ra với biển đảo.

Đoàn Công tác Trường Sa số 8, năm 2023. (Ảnh: tác giả cung cấp)

Đoàn Công tác Trường Sa số 8, năm 2023. (Ảnh: tác giả cung cấp)

Khi đặt chân đến các đảo, cảnh quan tươi đẹp được phủ bởi màu xanh của cây cối do chính tay những người lính hải quân ươm trồng, chăm sóc đã xua tan trong tôi cảm giác về những hòn đảo xa xôi, thưa vắng, đìu hiu. Mọi vật trở nên thật gần gũi, thân thuộc như trong đất liền. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo chào đón đoàn công tác bằng tình cảm nồng ấm, tay bắt mặt mừng khiến chúng tôi cũng thấy thân quen như gặp lại chính người thân của mình. Lúc đó tôi nhận ra giá trị thiêng liên của hai chữ ĐỒNG BÀO. Đã có nhiều lời thăm hỏi, động viên cùng những món quà nhỏ được trao như gửi gắm sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành của đất liền dành cho những cán bộ, chiến sĩ đã không tiếc tuổi thanh xuân của mình để giữa chắc tay súng bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hình dáng các anh khi đứng gác đã tạc thành dáng hình của biển đảo và trở thành những hình ảnh đẹp nhất, thiêng liêng nhất!

Đoàn Công tác Trường Sa số 8, năm 2023. (Ảnh: tác giả cung cấp)

Đoàn Công tác Trường Sa số 8, năm 2023. (Ảnh: tác giả cung cấp)

Ấn tượng của chúng tôi trên hành trình ra đảo là những buổi giao lưu, liên hoan văn nghệ trên đảo để mang tiếng hát từ đất liền ra đảo. Dưới cái nắng, cái gió của biển, những thanh niên trong đội xung kích Hải Đăng đã cháy hết mình qua các bài hát, điệu nhảy để mang niềm vui đến cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Ban đầu còn ngại ngùng nhưng lời ca, điệu nhạc để mang họ đến gần với nhau, cùng nắm tay nhau nối thành những vòng tay lớn, thắm thiết tình quân dân.

Cảm động hơn cả là trong số những ca khúc được mang đến đảo, có một bài hát do con gái của một liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc xung đột tại khu vực đảo Gạc Ma năm 1988 trình bày - hài hát “Cha ơi” được viết riêng cho người chiến sĩ ấy. Mặc dù những ca từ được vang lên đứt đoạn, có lúc bị lạc nhịp bởi những tiếng nấc nghẹn của cô gái ấy nhưng những người nghe vây kín thành một vòng quanh cô gái, không ai bảo ai cùng rưng rưng lệ, đồng cảm với những cảm xúc vừa nhớ thương, vừa tự hào của người con gái dành cho cha của mình ngay giữa sóng gió trùng khơi.

Cũng trên hành trình ấy, có một cuộc gặp gỡ nhận được sự quan tâm của cả chỉ huy tàu và những thành viên trong Đoàn công tác. Đó là cuộc gặp của một người vợ có chồng đang làm nhiệm vụ trên đảo Sinh Tồn. Tôi may mắn ở cùng phòng và nằm cạnh giường cô gái ấy. Vì cũng có chồng là quân nhân nên tôi hiểu sự xa cách là điều không thể thiếu nhưng dù đã lấy nhau được bao lâu song khi chuẩn bị được gặp nhau vẫn không khỏi bồi hồi, nhất là lại gặp nhau trong một không gian đặc biệt, giữa nơi đảo xa mênh mông biển trời sau khoảng thời gian gần một năm xa cách. Vì thế, cô gái ấy là người có mặt trên chiếc xuồng đầu tiên được ra đảo và trở về tàu trên chiếc xuồng cuối cùng rời đảo. Sau cuộc gặp chóng vánh chỉ hai tiếng ấy, cố gái ấy như có thêm một sức sống mới, trên môi luôn nở nụ cười và luôn miệng kể về chồng bằng cách gọi thân thương - “anh xã em”. Có những tình cảm ấm áp như thế từ hậu phương, những người lính đảo lại ngày đêm chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đoàn Công tác Trường Sa số 8, năm 2023 đến thăm đảo Song Tử Tây. (Ảnh: tác giả cung cấp)

Đoàn Công tác Trường Sa số 8, năm 2023 đến thăm đảo Song Tử Tây. (Ảnh: tác giả cung cấp)

Lắng đọng nhất trong suốt hành trình có lẽ là lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc ở khu vực vùng 4 Hải quân và những chiến sĩ đã hi sinh trong khu vực đảo Gạc Ma, đảo Sinh Tồn, Trường Sa lớn… Vẫn là những âm vang kiêu hùng của tiếng nhạc tưởng niệm dành cho các liệt sĩ nhưng khi thấy những vòng hoa, những con hạc giấy được thả xuống biển, lòng ai cũng dâng lên một cảm xúc khó tả, nghẹn ngào, thương xót nhưng cũng rất đỗi tự hào. Sau đó, mỗi thành viên trong Đoàn Công tác được thắp hương chiêm bái Đức Phật trên những ngôi chùa trên đảo lại thấy lòng mình thanh tịnh, nhẹ nhàng đến lạ. Tôi nhận thấy chùa trên đảo không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo mà đó còn là cách đánh dấu chủ quyền biển đảo bằng những hoạt động văn hóa tâm linh thấm đẫm truyền thống Việt Nam.

Hành trình 7 ngày ra với đảo quả là một hành trình đáng nhớ. Được sinh hoạt trên tàu mới cảm nhận được sự chuẩn bị chu đáo, sự nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ hải quân cả trên đất liền và trên tàu. Chiếc tàu chính là ngôi nhà chung để gần 300 con người chia sẻ, gắn bó với nhau. Sau chuyến đi, khi chia tay, ai cũng bịn rịn, đầy lưu luyến.

Đoàn Công tác Trường Sa số 8, năm 2023. (Ảnh: tác giả cung cấp)

Các thành viên trong Đoàn Công tác Trường Sa số 8, năm 2023 cùng các chiến sỹ Hải quân. (Ảnh: tác giả cung cấp)

Đi để biết hơn, hiểu hơn về vẻ đẹp của biển đảo quê hương; để yên lòng, vững tin về những người lính đang ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo. Thương và biết ơn các anh đã không tiếc tuổi xuân, sẵn sàng rời xa quê hương, gia đình của mình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi cũng như các thành viên khác trong Đoàn công tác tự hứa với lòng mình sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa những nhiệm vụ được giao, bằng nhiều cách khác nhau để không ngừng lan tỏa, sẻ chia tình yêu với biển đảo để mỗi người dân Việt Nam, dù là đã từng hay chưa từng được đặt chân đến Trường Sa, vẫn luôn mang trong trái tim mình tình cảm thân thương, gần gũi với Trường Sa.

“Không xa đâu Trường Sa ơi!

Không xa đâu Trường Sa ơi!…”

Chiên Lê
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(Thành viên trong Đoàn Công tác Trường Sa số 8, năm 2023)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất