Thứ Sáu, 22/11/2024
Xã hội
Thứ Hai, 1/5/2023 14:35'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc và tôn giáo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Trao quyết định công tác cán bộ tại huyện Buôn Đôn

Trao quyết định công tác cán bộ tại huyện Buôn Đôn

Đắk Lắk là một trong 5 tỉnh Tây Nguyên có nhiều tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trên địa bàn tỉnh hiện có 49 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 35,7% dân số, sinh hoạt chủ yếu tại 4 tôn giáo lớn là Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài một số hiện tượng tôn giáo mới. Trong số 615.222 tín đồ (khoảng 32% dân số), có 255.267 người đồng bào DTTS.

Thời gian qua, vấn đề dân tộc và tôn giáo ở tỉnh Đắk Lắk luôn được cấp ủy và chính quyền các cấp quan tâm thực hiện, giải quyết gắn với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và tôn giáo được triển khai nghiêm túc, hướng tới các mục tiêu: tuân thủ pháp luật, thích nghi, hoà dịu, “tốt đời, đẹp đạo”... đồng thời góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Lắk nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng xuất hiện những biểu hiện phức tạp. Cùng với những giá trị tích cực, sự phát triển mạnh mẽ của đạo Tin Lành trong đồng bào các dân tộc thiểu số đã hình thành một số cộng đồng có biểu hiện cực đoan, lệch chuẩn. Sự xuất hiện các hiện tượng tôn giáo mới, trong đó có cả những tà đạo đã gây ra nhiều hệ luỵ trong đời sống đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk. Đặc biệt, các phần tử xấu, các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng những biến đổi về quan hệ dân tộc và tôn giáo để kích động tư tưởng dân tộc, tôn giáo cực đoan, chống đối chính quyền, tạo nên những “điểm nóng” về tôn giáo nhằm làm bất ổn tình hình chính trị - xã hội để tiến tới mục tiêu: kích động ly khai, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước tình hình phức tạp đó, cùng với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương, Đảng bộ và chính quyền địa phương đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, đầu tư nhân lực, vật lực... từng bước xử lý các “điểm nóng” về vấn đề tôn giáo và dân tộc. Song, trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc, bất cập, hiệu quả các giải pháp còn hạn chế, bởi phần lớn mới chỉ là giải pháp tình thế.

Nhận thức vai trò, tầm quan trọng của hệ thống chính trị trong giải quyết vấn đề dân tộc tôn giáo, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, các cấp ủy, nhất là cấp cơ sở vùng dân tộc thiểu số, vùng có đạo trong tỉnh đã quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và địa phương về công tác dân tộc, tôn giáo; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, quy chế công tác dân tộc, tôn giáo của địa phương. Tập trung lãnh đạo thực hiện tốt các nội dung cốt lõi của công tác dân tộc, tôn giáo, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc. Tăng cường lãnh đạo xây dựng cơ sở chính trị vùng tôn giáo, vùng dân tộc thiểu số; chú trọng phát triển đảng viên trong cộng đồng tôn giáo và dân tộc thiểu số...

Việc kiện toàn, nâng cao chất lượng các tổ chức, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp làm công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh được xác định là một trong những nội dung, giải pháp quan trọng. Theo đó, cần đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao trình độ lý luận chính trị và kiến thức về dân tộc, tôn giáo cho đội ngũ cán bộ làm công tác này, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tập trung đông đồng bào tôn giáo.

Hiện nay, cán bộ làm công tác dân tộc, tôn giáo ở tỉnh Đắk Lắk hầu hết đều xuất phát từ các ngành nghề khác nhau, nhìn chung chưa có cán bộ được đào tạo chuyên ngành, bài bản, chính quy về lĩnh vực này. Đây là bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo nói chung và công tác quản lý xã hội về hoạt động dân tộc, tôn giáo nói riêng.

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng các tổ chức, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp làm công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, cần quan tâm, chú trọng thực hiện đồng bộ, chất lượng một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, đối với cán bộ chuyên trách, cần có sự sắp xếp, bố trí phù hợp với từng nhiệm vụ cụ thể.

Việc tuyển chọn, điều động cán bộ làm công tác dân tộc, tôn giáo cần phải xuất phát từ tính chấtyêu cầu của công tác này. Dân tộc, tôn giáo là các vấn đề xã hội nhạy cảm và phức tạp, do đó cán bộ làm tốt công tác này phải là những người có trình độ, năng lực và tâm huyết. Cần tránh tình trạng phân công tràn lan, hoặc xếp những cán bộ đã mất uy tín, không có tâm huyết với công tác vào làm công tác; mạnh dạn thay thế cán bộ có năng lực yếu kém, thiếu tinh thần trách nhiệm, uy tín thấpcó quan điểm không đúng trong công tác dân tộc, tôn giáo.

Hai là, có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo thường xuyên, định kỳ, cơ bản, chuyên sâu kiến thức về dân tộc, tôn giáo và mối quan hệ giữa dân tộc và tôn giáo.

Hiện nay, cán bộ làm công tác dân tộc, tôn giáo ở tỉnh Đắk Lắk không nhiều, nhưng rất đa dạng về mặt bằng xuất phát. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác. Chính vì thế, đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác này cần phải có sự quan tâm về nhiều phương diện, trong đó quan trọng nhất là nâng cao kiến thức. Theo chúng tôi, tỉnh cần có chính sách về kinh phí để phối hợp với các cơ sở đào tạo về lĩnh vực liên quan (Ban Dân tộc, Ban Tôn giáo Chính phủ; các học viện, trường đại học...) mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn khoảng từ 2 đến 3 tháng tại tỉnh. Đối tượng tham gia lớp đào tạo là đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo ở các cấp, các ngành và chính quyền địa phương.

Xây dựng kế hoạch đào tạo cơ bản, chuyên sâu cho cán bộ làm công tác dân tộc và tôn giáo. Hiện nay, một số học viện, trường đại học đã có kế hoạch đào tạo những khoá ngắn hạn về dân tộc, tôn giáo học ở khu vực Tây Nguyên. Để cán bộ làm công tác dân tộc, tôn giáo có kiến thức chuyên sâu và trình độ cao trong lĩnh vực này, tỉnh cần có quy hoạch cụ thể và cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo này. Theo đó, địa phương phải tiến hành xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc và tôn giáo tinh gọn, hoàn chỉnh, thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Đội ngũ cán bộ làm công tác này phải có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, kiến thức rộng đáp ứng yêu cầu giải quyết vấn đề dân tộc và tôn giáo đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

Thực tế hiện nay ở cấp xã không có cán bộ chuyên trách về tôn giáo, phần lớn là cán bộ văn hóa, thống kê, tư pháp... kiêm nhiệm. Một số cán bộ chưa qua tập huấn công tác tôn giáo, chưa hiểu tôn giáo, thiếu thông tin, kinh nghiệm. Có nơi cán bộ cấp ủy, chính quyền cơ sở nhận thức về công tác này chưa đúng, chưa nắm vững nội dung các văn bản của Đảng và Nhà nước về dân tộc, tôn giáo, dẫn đến trong công tác giải quyết mối quan hệ giữa dân tộc và tôn giáo góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn gặp không ít khó khăn.

Cán bộ phụ trách công tác này ở cấp huyện luôn biến động, thay đổi, luân chuyển, do đó việc tiếp cận, tìm hiểu, tham mưu, giải quyết công việc của cán bộ mới còn thiếu tự tin, chưa mạnh dạn đề xuất theo đúng tinh thần Nghị định số 162-NĐCP ngày 30/12/2017 của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo”.

Vì vậy, cần chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực đảm nhiệm chức vụ được giao; thường xuyên bám nắm cơ sở, thực sự sát dân, hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân, phát huy sức dân - đồng lòng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Đồng thời, tăng cường cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức cho cơ sở ở vùng dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo, nhất là ở những địa bàn trọng điểm,... Cán bộ công tác ở vùng dân tộc, tôn giáo phải biết tiếng dân tộc bản địa, am hiểu phong tục, tập quán, tôn giáo của đồng bào; thực hiện tốt phong cách dân vận “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; không quan liêu, tham nhũng; làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong giải quyết những vấn đề về tôn giáo nói chung và Tin Lành nói riêng.

 Ba là, lãnh đạo chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc và tôn giáo.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục vùng dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo. Nâng cao hiệu quả quản lý đối với tổ chức tôn giáo và hoạt động của các chức sắc tôn giáo; đối với vấn đề đất đai, cơ sở thở tự liên quan đến tôn giáo; đối với hoạt động xã hội hóa giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo của các tôn giáo.

Bốn là, kiện toàn tổ chức, củng cố và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân trong công tác dân tộc, tôn giáo.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ công tác này. Tranh thủ người có uy tín trong vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và vùng có đông đồng bào các tôn giáo để giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh; vận động quần chúng thực hiện hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng nông thôn mới.

Năm là, quan tâm chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số cả về số lượng và chất lượng.

Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số nói riêng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các cấp ủy, tổ chức đảng mà trước hết là người đứng đầu cấp ủy và cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng, trong đó cơ quan tổ chức, cán bộ là nòng cốt. Trong thời gian tới, quán triệt Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 19/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, phải đặt tổng thể công tác cán bộ của tỉnh gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...

Ảnh minh họa (Nguồn: sotuphap.daklak.gov.vn)

Ảnh minh họa (Nguồn: sotuphap.daklak.gov.vn)

Tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, nâng cao nhận thức về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nhằm tạo nguồn cán bộ mang tính chiến lược. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các khâu của công tác cán bộ bao gồm: tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, năng lực, bố trí, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, nhiễm nhiệm, điều động, luân chuyển và phân cấp quản lý cán bộ. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung thực hiện chế độ, chính sách đối với học sinh, sinh viên và cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số.

Sáu là, tăng cường công tác tham gia phối hợp giữa lực lượng Quân đội, Công an với các cấp, ngành, đoàn thể nhằm xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo để phá hoại của các thế lực thù địch.

Các đơn vị Quân đội, Công an tham gia xây dựng cơ sở chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trước hết là tham gia xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng; tham mưu lựa chọn nguồn bồi dưỡng cán bộ kế cận là người dân tộc thiểu số; xây dựng, nâng cao nhận thức chính trị của dân quân tự vệ, dự bị động viên, bảo đảm đủ mạnh và tin cậy để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền; phối hợp thực hiện tốt các phong trào xã hội “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở thôn, buôn, xã, có nhiều tín đồ Tin lành là người dân tộc thiểu số.

Luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, xây dựng các phương án đánh địch khi có sự can thiệp vũ trang từ bên ngoài, các phương án phòng chống, dập tắt “biểu tình, bạo loạn” bằng cách thức giải quyết đúng đắn các tình huống, không để bất ngờ, bị động.

*

Nâng cao chất lượng các tổ chức, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị làm công tác dân tộc, tôn giáo góp phần đảm bảo an ninh, trật tự ở Đắk Lắk là một trong những giải pháp căn bản nhằm giải quyết hiệu quả, chất lượng mối quan hệ giữa dân tộc và tôn giáo trên địa bàn. Đây là nhiệm vụ, giải pháp không chỉ liên quan đến sự ổn định, phát triển bền vững của tỉnh Đắk Lắk mà còn đối với khu vực Tây Nguyên nói chung; góp phần củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng quê hương - đất nước ấm no, hạnh phúc, phồn vinh, thịnh vượng; đảm bảo mối quan hệ dân tộc và tôn giáo luôn phát triển đúng với phương châm “tốt đời đẹp đạo”./.

Thượng tá, TS. TRẦN VIỆT HÀ
Học viên ĐINH HOÀI CHÂU GIANG 
Học viện Cảnh sát nhân dân

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất