Nguyên nhân xảy ra hàng trăm cuộc đình công mỗi năm là do các thiết chế đối thoại, thương lượng, giải quyết tranh chấp lao động tập thể chưa thực sự hiệu quả.
Công nhân Công ty KL Texwell Vina nghe phổ biến các thủ tục làm đơn
chấm dứt hợp đồng lao động sau khi chủ bỏ trốn. (Ảnh: TTXVN)
Quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường được hình thành và phát triển khá nhanh chóng. Lực lượng lao động trong doanh nghiệp tăng nhanh, cùng với đó, quan hệ lao động ngày càng phát sinh nhiều bất cập. Nguyên nhân xảy ra hàng trăm cuộc đình công mỗi năm là do các thiết chế đối thoại, thương lượng, giải quyết tranh chấp lao động tập thể chưa thực sự hiệu quả.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo tham vấn ý kiến về Báo cáo Quan hệ lao động Việt Nam năm 2017 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 9/5 tại Hà Nội.
Xảy ra 8.000 cuộc đình công
Kể từ khi Bộ Luật Lao động năm 1995 chính thức thừa nhận khái niệm về quan hệ lao động cho đến năm 2017, trong hơn 20 năm qua đã xảy ra khoảng 8.000 cuộc tranh chấp lao động tập thể dẫn đến đình công. Đặc biệt, các cuộc đình công xảy ra tập trung chủ yếu từ năm 2006 đến nay, bình quân có khoảng 600 cuộc đình công/năm. Từ năm 2015 đến nay, số cuộc đình công có xu hướng giảm, chỉ xảy ra 300-400 cuộc/năm và vẫn tập trung ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, cổ phần.
Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tất cả các cuộc đình công đều xảy ra không theo quy định của pháp luật, gây hậu quả không nhỏ đến người sử dụng lao động, người lao động cũng như an ninh trật tự xã hội và ảnh hưởng đến cả môi trường đầu tư chung. Hàng trăm vụ đình công mỗi năm cũng cho thấy một sự thật là quan hệ lao động ở Việt Nam chưa thật sự hài hòa, ổn định nên tranh chấp lao động vẫn xảy ra.
Tiến trình công nghiệp hóa ở Việt Nam tiếp tục diễn ra nhanh chóng dẫn tới việc tập trung rất nhiều lao động trong các khu công nghiệp, quan hệ lao động ngày càng được mở rộng. Mặt khác, đa số người lao động có thu nhập thấp và rất yếu thế so với chủ sử dụng lao động nên quy luật tất yếu là người lao động sẽ liên kết để tạo sức mạnh tập thể, đình công để đòi quyền lợi.
Tiến sỹ Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học-Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng, không nên coi tranh chấp lao động, kể cả đình công là điều gì đó hoàn toàn xấu. Cần coi tranh chấp lao động là cơ hội để đánh giá tính hiệu quả, phù hợp của các quy định, chính sách, cơ chế hiện hành làm cơ sở cho việc điều chỉnh, sửa đổi.
“Chúng ta cần tổ chức nghiên cứu một cách tỉ mỉ, đầy đủ nguyên nhân, diễn biến, tác động của các cuộc tranh chấp lao động và đình công để rút kinh nghiệm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, lành mạnh. Không nên đặt yêu cầu giải quyết nhanh chóng đình công để ổn định an ninh trật tự và ổn định sản xuất trong khi chưa giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của nó”, Tiến sỹ Đào Quang Vinh nhấn mạnh.
Thiết chế giải quyết tranh chấp yếu
Các quy định về quan hệ lao động liên tục được hoàn thiện trong những lần sửa đổi Bộ Luật Lao động. Một số thiết chế hỗ trợ quan hệ lao động như ủy ban quan hệ lao động, hội đồng trọng tài, hòa giả viên lao động… đã được hình thành. Tuy nhiên, các thiết chế này khi được áp dụng trong thực tiễn chưa đem lại hiệu quả cao. Thực tế, người lao động thường lựa chọn đình công để đòi quyền lợi thay vì lương thượng, hòa giải.
Tư vấn pháp luật cho người lao động. (Ảnh: TTXVN)
Tiến sỹ Đào Quang Vinh nhận định, hiện nay, thiết chế quan hệ lao động về hòa giải chưa hoạt động hiệu quả, hòa giải viên hoạt động bán chuyên trách trong khi họ quá bận vào các công việc khác. Hội đồng trọng tài gần như mất hết vai trò trong thực tế. Đặc biệt, công đoàn cơ sở còn yếu, không đủ năng lực để thương lượng sòng phẳng với chủ doanh nghiệp và lãnh đạo đình công.
Ông Phạm Minh Huân thì cho rằng, hiện nay đang thiếu vắng vai trò của cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chính sách để bảo đảm quan hệ lao động ổn định, hài hòa.
“Cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương mới làm tố điều kiện cần là ban hành chính sách, còn điều kiện đủ là hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, thực hiện chính sách cụ thể của mình thì gần như chưa hiệu quả hoặc có nơi chưa thực hiện”, ông Phạm Minh Huân nói.
Ông Lê Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cũng thừa nhận, lực lượng cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về quan hệ lao động còn mỏng, chưa đáp ứng được yêu nhầu của nhiệm vụ.
“Các thiết chế giải quyết tranh chấp còn bất cập, chưa hiệu quả và chưa phù hợp với thực tiễn. Những thách thức này đòi hỏi phải hoàn thiện mô hình tổ chức và nâng quả hiệu quả hoạt động của các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động theo hướng chuyên nghiệp hóa, chuyên môn sâu”, ông Lê Xuân Thành nhấn mạnh
Tiến trình hội nhập, nhất là việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang đặt ra các yêu cầu mới và cấp bách về quan hệ lao động. Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng và giải quyết tranh chấp lao động sẽ là “chìa khóa” để xây dựng một mối quan hệ lao động hài hòa, cùng phát triển. Mọi cơ chế, thiết chế quan hệ lao động phải được xây dựng phù hợp với nhu cầu liên kết thực sự của người lao động và doanh nghiệp./.
Hồng Kiều (Vietnam+)