Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 30/10/2008 10:5'(GMT+7)

Thiết chế văn hóa: Tìm hướng đi, cách làm hiệu quả.

Nhà Rông-nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng của đồng bào Tây Nguyên (Ảnh minh hoạ)

Nhà Rông-nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng của đồng bào Tây Nguyên (Ảnh minh hoạ)

Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cả nước hiện có 59 Trung tâm Văn hóa - Thông tin; bốn Trung tâm Thông tin - Triển lãm; năm Nhà văn hóa Trung tâm cấp tỉnh; 614 Phòng Văn hóa - Thông tin cấp huyện; 349 Trung tâm Văn hóa - Thông tin cấp huyện; 214 Nhà văn hóa cấp huyện; 668 đội Thông tin lưu động; 4.422 Nhà văn hóa xã; 17.970 cụm cổ động; 5.688 trạm truyền thanh; gần 1.000 Trung tâm giáo dục cộng đồng của xã; 38.338 Nhà văn hóa ở làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố; 3.390 điểm vui chơi trẻ em cấp xã; 29.193 tổ, đội văn nghệ quần chúng; 27.462 câu lạc bộ các loại...

Có một thực tế là hiện nay các thiết chế văn hóa ở cơ sở rất khó để có thể hoạt động tốt, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Ðặc biệt đối với các tỉnh miền núi, điều kiện giao thông đi lại rất khó khăn, địa hình phức tạp như Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Cạn, Ðiện Biên, Lai Châu, Sơn La... Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Lai Châu Lò Ngọc Minh, việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, trong đó có thiết chế văn hóa cơ sở vẫn còn hạn chế.

Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở rất thiếu, các thiết chế văn hóa ở các huyện, thị như Nhà văn hóa, thư viện, sân vận động, khu vui chơi thể thao... hầu như không có. Hiện mới chỉ duy nhất huyện Mường Tè là có Nhà văn hóa và thư viện huyện, còn lại các huyện khác vẫn chưa được đầu tư xây dựng nên việc tìm địa điểm tổ chức các kỳ Ðại hội thể dục thể thao, ngày hội văn hóa các dân tộc... là rất khó khăn. Ở cấp tỉnh thì hệ thống thiết chế văn hóa của địa phương này cũng không khả quan hơn.

Trung tâm văn hóa thông tin triển lãm và Thư viện tỉnh Lai Châu đã được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng nhà làm việc. Vậy nên việc đáp ứng nhu cầu xem, tìm hiểu kho tàng kiến thức còn gặp nhiều khó khăn; việc tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn hằng năm chỉ được tổ chức trong khuôn khổ của hội trường, rạp chiếu phim với vẻn vẹn trên 200 ghế ngồi... Tại Yên Bái, công tác xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở cũng còn nhiều bất cập. Số xã, phường, thị trấn có Nhà văn hóa còn rất ít, số xã, phường có thiết chế văn hóa đạt chuẩn lại càng ít hơn, các hoạt động  văn hóa thường phải làm ngoài trời hoặc nhờ hội trường UBND xã. Nhiều Nhà văn hóa còn xây dựng ở những địa điểm không thuận tiện giao thông, trình độ nghiệp vụ của cán bộ văn hóa xã vẫn còn yếu, kinh phí đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở chưa được quan tâm đồng đều... cũng là những yếu tố làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện một số dự án và chỉ tiêu nêu ra. "Hoàn cảnh" của Trung tâm VH - TT Sơn La cũng không ít khó khăn, hằng năm Trung tâm này phải thật sự "gồng mình" với mức kinh phí chỉ 700 triệu đồng (bao gồm cả quỹ lương 500 triệu) dành cho các hoạt động nghiệp vụ...

Không chỉ ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa..., ngay tại Bắc Ninh, vùng quê cận kề Hà Nội cũng tồn tại hiện trạng một số thiết chế văn hóa đã cũ và dột nát nhưng chưa được tu sửa, xây dựng. Trừ một số Nhà văn hóa thôn, làng, khu phố được xây dựng mới, Nhà văn hóa cấp xã chủ yếu chỉ sử dụng hội trường UBND. Nhà văn hóa thành phố Hà Nội hiện tại cũng có quy mô không tương xứng tầm vóc và vị trí của một trung tâm văn hóa của Thủ đô, nơi vốn là một hội quán trong khu phố cổ của quận Hoàn Kiếm, với diện tích chưa đầy 1.000 m2.

Vẫn là những khó khăn "biết rồi, nói mãi" nhưng để tìm câu trả lời cho bài toán đã cũ này lại không đơn giản. Tuy nhiên, cũng từ những hoàn cảnh, điều kiện khó khăn mà ở nhiều nơi đã tìm cách "thích nghi" bằng những giải pháp kiểu "liệu cơm gắp mắm". "Không thể vì quá khó khăn mà ngồi yên không hoạt động" - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Tuyên Quang khẳng định.

Ông cho rằng, trong hoàn cảnh khó khăn mà chỉ loay hoay tìm cách để xây dựng những thiết chế văn hóa đủ tiêu chuẩn thì sẽ là vô vọng. Bởi thiết chế văn hóa không chỉ cần "cái vỏ" vật chất mà điều cốt yếu là cần được tăng cường nội dung hoạt động. Tình trạng nhiều Nhà văn hóa xây lên rồi bỏ không là một sự lãng phí. Mặt khác, cũng là không khả thi khi chỉ ngồi chờ định biên biên chế cho đội ngũ cán bộ chuyên trách tại các thiết chế văn hóa cấp xã, phường. Vì thế, Tuyên Quang đang mạnh dạn thí điểm với cách làm khá táo bạo: Xã hội hóa về... con người.

Những nhân tố điển hình tại các thôn, bản sẽ được hỗ trợ và giao trách nhiệm tổ chức các hoạt động phục vụ đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư. Những con người này thậm chí có thể chỉ là chủ một quán cà-phê, một người dân yêu văn nghệ..., nhưng chính họ là những người có đủ tố chất để tạo nên những điểm sinh hoạt hiệu quả ngay tại cộng đồng dân cư thôn, bản. Tại Quảng Ninh, tiềm lực kinh tế mạnh hơn đã giúp Trung tâm văn hóa tỉnh mạnh dạn thiết kế và triển khai nhiều chương trình hoạt động hiệu quả, vừa tạo nguồn thu vừa góp phần nâng cao "thương hiệu" của mình trong nhiều hoạt động lớn. Mỗi năm kinh phí dành cho các hoạt động nghiệp vụ của Trung tâm văn hóa tỉnh Quảng Ninh từ nguồn vốn được đầu tư và từ nhiều hoạt động mà đơn vị này chủ động thực hiện lên tới khoảng 7 tỷ đồng - con số "mơ ước" của nhiều địa phương, nhất là các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn...

Ở góc độ khác, một số địa phương như Hà Giang, Sơn La, Lào Cai... đã chủ động khai thác thế mạnh về bản sắc văn hóa để phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở. Hà Giang đến nay đã xây dựng được 40 làng văn hóa du lịch cộng đồng, thông qua các hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống để giới thiệu các bản sắc văn hóa dân tộc với du khách, đồng thời góp phần nâng cao đời sống và phát triển kinh tế trong các thôn, bản. Tại Sơn La, không ít khách du lịch nước ngoài tự len lỏi tìm đến những bản làng vùng cao, những nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng để được thưởng thức hương vị núi rừng với rượu cần, với những điệu xòe Thái quyến rũ...

Bà Dương Thùy Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh Lào Cai cho rằng, ở vùng cao vấn đề xây dựng các thiết chế văn hóa - nhà văn hóa cộng đồng gắn với xây dựng các đội văn nghệ là một nhiệm vụ cấp bách, nhất là trước hiện tượng nhiều nơi chỉ chú ý xây dựng nhà văn hóa chứ không coi trọng xây dựng các nội dung hoạt động.

Chủ động, sáng tạo bằng nhiều giải pháp táo bạo và cách làm mới, tránh thụ động, ngồi chờ và ỷ lại vào nguồn vốn kinh phí đầu tư của Nhà nước... là hướng đi mà nhiều địa phương đã và đang triển khai để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở.../.

(Báo Nhân dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất