Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 22/10/2008 21:30'(GMT+7)

Nâng cao tính chuyên nghiệp của văn học - một vấn đề cấp bách

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ở thời điểm hiện tại, việc nâng cao tính chuyên nghiệp của văn học đang trở thành vấn đề sinh tử đối với số đông các nhà văn cũng như đối với nền văn học nước nhà. Vấn đề này không chỉ liên quan hoạt động chuyên môn của một hội nghề nghiệp, mà còn có ý nghĩa xã hội và chính trị rộng lớn, luôn được Hội Nhà văn Việt Nam đặt ở vị trí hàng đầu trong các công việc hằng năm. Chúng ta còn nhớ, tại Ðại hội lần thứ VII của Hội, năm 2005, vấn đề này đã từng vang lên, đầy lo âu, qua Báo cáo của Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa VI: "Tâm lý chạy theo số lượng dẫn đến sự xuất hiện nhiều tác phẩm trung bình, tầm tư tưởng không cao. Ðã thấy có bóng dáng của sự lặp lại, dẫn đến sự mờ nhạt cá tính sáng tạo". Ðó là lời cảnh báo về tình trạng "nghiệp dư hóa" trong sáng tác và hoạt động văn học. Và, gần đây, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về văn học, nghệ thuật đã chỉ rõ: Tình trạng nghiệp dư hóa các hoạt động văn học - nghệ thuật chuyên nghiệp có chiều hướng gia tăng. Những nhận định trên là hoàn toàn chính xác.

Thực tế văn học ở đời sống hiện đại cho thấy, các hoạt động văn học là một chỉnh thể bao gồm: sáng tác (văn, thơ), lý luận - phê bình, dịch thuật và các công việc có liên quan như báo chí và xuất bản, kết nạp hội viên và giải thưởng văn học. Làm thế nào để nâng cao được tính chuyên nghiệp của các công tác này, trên cơ sở đó, đặt ra vấn đề về trách nhiệm nhà văn và tổ chức hội, kiến nghị với Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, các cơ quan chức năng của Ðảng, Nhà nước những giải pháp có tính khả thi, nhằm khắc phục chiều hướng nghiệp dư đang có nguy cơ tăng lên? Ðó là những câu hỏi cần phải trả lời, và thiết nghĩ, phải xuất phát từ sự phát triển chung của cả nền văn học. Dù không nên quan trọng hóa việc các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận - phê bình đang làm, nhưng hiểu vấn đề, ý nghĩa có tầm vóc như thế, chúng ta sẽ có khoảng rộng của tư duy trong cách đặt ra và đề xuất giải pháp cho từng vấn đề chúng ta quan tâm.

Là nhà văn hội viên, có nghĩa là người sáng tác chuyên nghiệp, song tác phẩm có đạt được tính chuyên nghiệp hay không, hoặc đạt đến mức độ nào, lại là vấn đề khác. Tính chuyên nghiệp trong sáng tác của nhà văn, là phải viết hay, phải có tác phẩm lớn, giá trị bền vững. Tác phẩm hay là tác phẩm có tính chuyên nghiệp cao. Theo tinh thần Báo cáo của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam tại Ðại hội VII, thì tác phẩm hay là tác phẩm tiêu biểu rực rỡ cho tài năng, bản lĩnh nhà văn, góp phần làm nên chất lượng sống của con người và xã hội, đó là tác phẩm đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ và nhu cầu xã hội của thời đại, thỏa mãn những đòi hỏi ngày càng cao về tình cảm, đạo đức, tư tưởng của con người. Tất nhiên chúng ta hiểu, muốn viết được như thế, nhà văn phải có tài. Ðó là vấn đề số một. Tôi xin góp thêm một ý, cùng với tài năng, nhà văn phải có khát vọng sống. Ðiều này mới làm cho cái tài của nhà văn bừng nở, thăng hoa. Khát vọng sống, là nhà văn phải "đánh cược" cuộc đời mình vào tác phẩm, với hy vọng tác phẩm sẽ sống sau khi mình không còn. Ðấy là kinh nghiệm mà chúng ta từng tìm thấy ở những nhà văn lớn, sáng tạo ra những tác phẩm để đời. Cùng với khát vọng sống là tự do tư tưởng và tôi cho rằng, tự do tư tưởng một cách lành mạnh và nghiêm túc sẽ không có gì mâu thuẫn với trách nhiệm công dân, với lợi ích của đất nước, của dân tộc. Tôi sợ nhất là nhà văn không có tư tưởng, đã thế "phông" văn hóa lại không đủ dày (ở đây, "phông" văn hóa bao gồm cả sự tiếp nhận và chiết xuất thực tế cuộc sống theo một kiểu nào đó, mang cá tính sáng tạo của chính nhà văn). Cái thứ hai này sẽ tạo ra phong cách và làm cho nhà văn thật sự có tính chuyên nghiệp. Tất nhiên, còn nhiều yếu tố khác nữa của đời sống văn học tác động vào, như chủ trương, giải pháp, các thiết chế phù hợp cho sự phát triển và khuyến khích sáng tạo, của các nhà quản lý, chính sách đãi ngộ, chế độ nhuận bút... Nhưng tố chất nhà văn và cố gắng của bản thân nhà văn trong lao động nghệ thuật như đã trình bày ở trên, là điều không gì thay thế được, để nâng cao tính chuyên nghiệp của chính mình, rồi từ đó mà nâng cao tính chuyên nghiệp của cả nền văn học.

Thực tế sáng tác cho thấy, có nhà văn vào Hội Nhà văn trong khi dự cảm về nghề nghiệp của mình còn có những điểm non yếu, vì thế đã chịu khó rèn luyện ngòi bút, sau vài năm đã vượt lên, có người vượt lên rất xa so với lúc ban đầu. Cho nên, nói chuyên nghiệp hóa văn học là nói chuyên nghiệp hóa ngòi bút của chính mình. Ở điểm này, nếu có lỗi trong nghiệp dư hóa là lỗi tự ta, lỗi tại ta, không thể đổ cho khách quan được, dù nó có tác động vào đó ít nhiều. Có nhà văn, nhà thơ vài ba năm mới thấy đăng báo một chùm thơ hay một truyện ngắn, dăm bảy năm mới xuất bản một đầu sách, vậy mà đọc lên, vẫn thấy vững vàng, thâm thúy. Cho nên, chống nghiệp dư hóa là chống ở chính bản thân mình. Không nên tự nghiệp dư hóa chính mình, rồi sau đó sẽ tự chìm trong làn sóng nghiệp dư hóa của đời sống văn học. Số này không nhiều, nhưng không thể không tính đến, khi xem xét một cách khách quan...

Trước đây có ý kiến cho rằng, trong cấp ủy, một số đồng chí chỉ đạo văn nghệ lại ít hiểu văn nghệ. Ðiều khó nói ấy, bây giờ Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã nói rồi. Vì có một thực tế là, một số đồng chí lãnh đạo, chỉ hiểu ở khía cạnh văn hóa cơ sở, có tính tuyên truyền, một yếu tố cấu thành của phong trào văn nghệ nghiệp dư. Ðã thế, tham mưu và thực hiện là lãnh đạo các hội văn nghệ địa phương, mà thành phần tham gia, ở một số hội, càng ngày càng thiếu vắng các nhà văn hoặc các nhà văn có tài. Ðấy cũng là một lý do để xu hướng nghiệp dư hóa văn học có cơ sở tồn tại trong tận gốc rễ, nghĩa là trong chính nó, là yếu tố tạo thành các hoạt động văn nghệ của cả đất nước. Nhiều đồng chí lãnh đạo địa phương chỉ cần tác phẩm "mì ăn liền", phục vụ càng cụ thể càng tốt những nhiệm vụ chính trị trước mắt của địa phương, trong đó mọi điều phải rõ ràng, chính xác, thiết thực. Một số hội văn nghệ địa phương gần đây hoạt động như câu lạc bộ, tính chuyên nghiệp ít nhiều có những năm trước đây, giờ hầu như không còn. Có hội làm thay chức năng của Trung tâm văn hóa thông tin của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Ðiều này sở dĩ phải tính đến, vì đó là môi trường sống và viết của tất cả các nhà văn hội viên hiện tác động trực tiếp vào tác phẩm. Vô hình trung, sau hơn 20 năm đổi mới, với rất nhiều thắng lợi trong kinh tế và xã hội, tất nhiên cả trong văn học và nghệ thuật, ở một phương diện nào đó, có cảm giác văn học như đang ở tình trạng sức ì quá cao, góp phần hạ thấp vị thế của văn học và sức sáng tạo của các nhà văn, làm chúng ta mất dần bạn đọc. Nếu không có quyết tâm thật cao và đồng bộ, tình trạng này không những không hạn chế được, mà sẽ phát triển thêm, vì những cơ chế hiện hành đang ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho nó phát triển. Tất nhiên, cũng có nhà văn sống ở địa phương mà vượt qua được sự ràng buộc này, vượt lên một cách quả cảm, vô cùng gian khó, thành công của họ đã đóng góp xứng đáng vào nền văn học Việt Nam đang phát triển.

Cũng xin nói thêm rằng, qua tiếp xúc với các nhà văn nước ngoài, chúng tôi thấy rằng văn chương của chúng ta ít được biết đến trên thế giới. Ðiều đó có nguyên nhân từ công tác dịch thuật và quảng bá, nhưng cái chính là chúng ta còn ít tác phẩm đạt giá trị cao về tư tưởng - nghệ thuật. Cho nên, theo tôi, phấn đấu để nâng cao tính chuyên nghiệp trong văn học, không chỉ vì nền văn học, mà còn vì vị thế của dân tộc chúng ta trên chặng đường mở cửa và hội nhập quốc tế./.

(Theo Nhân Dân điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất