Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 24/10/2008 20:2'(GMT+7)

Ai là người có lỗi...?

Tôi có một anh bạn mặc dù chưa phải là hội viên Hội Nhà văn, nhưng có dễ đã in tới ba chục đầu sách. Thỉnh thoảng đến chơi chỗ tôi, anh lại bất ngờ “sùy” ra một cuốn mới. Lần ấy, sau khi kê gối viết tặng tôi những lời nồng thắm, anh hỏi tôi tên của những người làm thơ trong cơ quan để anh “tặng đọc cho vui”. Thú thật, tôi vừa đọc tên từng người vừa “run”, vì chẳng biết các đồng nghiệp vốn rất bận bịu của tôi có tranh thủ đọc hết cuốn sách của anh không, kẻo lần sau anh tới hỏi mà sách vẫn trong tình trạng “nguyên đai nguyên kiện” thì cứ gọi là anh chửi cho “ủng mả”. Vốn dĩ anh rất hay tự ái. Hồi tôi còn làm ở Hội Văn nghệ H., chính một vị lãnh đạo Hội đã bị anh đập bàn mắng té tát chỉ bởi vị này đã không khéo léo trả lời câu hỏi của anh về tập sách anh tặng trước đó mà lại buột miệng nói: “Bận quá, chưa kịp đọc”.

Nói thế, chứ một khi người ta đã không chịu đọc thì mình cũng chẳng cách nào buộc họ làm khác được. Có người còn phát biểu thẳng thừng: “Tôi chẳng dại đi đọc những tác phẩm mới ra lò, chưa rõ giá trị thế nào. Lắm khi vừa mất thì giờ vừa tốn sức. Cứ chờ nghe dư luận, xem có cuốn nào đáng đọc hãy tìm đọc cũng chưa muộn”.

Có năng đến các quầy sách báo cũ, ta mới thấy những người viết khát khao có người đọc tri âm với mình như thế nào, và việc này khó khăn đến mức nào. Có lần tình cờ, ghé vào một cửa hàng sách ở Hà Nội, tôi đã tận mắt chứng kiến những cuốn sách có bút tích đề tặng của tác giả nhưng vẫn mới toanh, nhiều trang dính nhau chưa kịp rọc. Chủ cửa hàng cho biết: giá mua lại những cuốn sách này chẳng là bao, tối đa chỉ khoảng 5 nghìn đồng/1kg. Và ông ta đã lần lượt mở cho tôi xem những cuốn sách dạng này với những dòng đề tặng rất “có cánh” của các tác giả, như sau: “Rất quý mến tặng TS-Nhà thơ-Họa sĩ (...) - niềm tự hào của quê hương(...)” (Xin phép bạn đọc cho tôi được "dấu đi" những tên tuổi cụ thể của người được tặng!)); “Tặng A -người có câu trả lời thông minh nhất (...)”; “Thân quý tặng anh (...) lược sử biên và một số hồi tưởng về phong trào sinh viên yêu nước, thời tiền khởi nghĩa trên mảnh đất Thăng Long, Hà Nội ngàn năm văn hiến của chúng ta”; “Thay mặt nhóm biên soạn tặng bạn (...)- Thư viện Viện (...)”; “Kính tặng cô chú và gia đình”; "Tặng (...), như để ghi nhớ về những kỷ niệm không thể nào quên!)... Ngoài ra còn có khá nhiều những cuốn sách mới toanh của một số tác giả cũng có tên tuổi, nhưng ngời được đề tặng, trước khi đem bán "đồng nát" vẫn còn "có ý tứ" dùng bút phủ xóa hết tên mình đi. Không biết những tác giả đã từng "cẩn thận" ghi những lời đề tặng kia mà bắt gặp lại những cuốn sách của mình được bày bán ở một hàng sách cũ chuyên thu gom theo kiểu "đồng nát" này, sẽ phải "nổi đoá" lên hay là "thở dài thườn thượt" như thế nào!? 

Tôi nhớ, có nhà văn nọ, chỉ có chục cuốn sách bản quyền, song anh phải mất tới cả năm trời anh mới … tặng hết, vì anh muốn cân nhắc tặng sao cho đúng đối tượng. Chao ôi, để có cuốn sách ra mắt bạn đọc đã là khó lắm rồi, vậy mà vấn đề “tặng ai, ai đọc?” cũng không kém phần nan giải. Lỗi tại tác giả hay tại người đọc? Tại cả hai hay là chẳng tại ai?./.
 
 AT & PK

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất