Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 26/10/2008 9:31'(GMT+7)

Âm nhạc Việt Nam vẫn ở cung trầm

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhạc thính phòng yếu thế...

Hội thảo tập trung vào những chủ đề liên quan đến đặc thù âm nhạc của các khu vực như: Âm nhạc dân tộc truyền thống - vấn đề sáng tác và biểu diễn các tác phẩm mới; âm nhạc giao hưởng thính phòng - tiến trình cụ thể cho giai đoạn tới; ca khúc trong đời sống âm nhạc hiện nay; việc quảng bá âm nhạc trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước; công tác đào tạo nhạc sĩ, nghệ sĩ trẻ... Song một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất vẫn là vấn đề khí nhạc và ca khúc.

Đa số các sáng tác khí nhạc được tài trợ hoặc được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ hàng năm vẫn theo nhau chui vào tủ sắt lưu trữ của hội, không xuất bản, không dàn dựng, không mấy ai tới hỏi mượn... Theo nhạc sĩ Minh Châu là do sự phổ cập, dẫn giải tác phẩm khí nhạc tới đông đảo công chúng không được đặt thành mục tiêu. Bởi lẽ, các tác phẩm khí nhạc vừa mang tính nhà nghề, vừa đòi hỏi trình độ biểu diễn và thưởng thức cao.

Bên cạnh đấy, để dàn dựng một tác phẩm khí nhạc đòi hỏi rất nhiều yêu cầu, trong đó có vấn đề tài chính... Vai trò cầu nối giữa tác phẩm với người nghe mặc nhiên thuộc đặc quyền của những cây bút không chuyên ngành lý luận âm nhạc, và muốn hiểu tác phẩm không lời nói gì, công chúng chỉ biết nhờ cậy những tay “thông ngôn” chưa chắc đã thông tỏ ngôn ngữ khí nhạc. Công chúng chưa có thói quen và nhu cầu thưởng thức nhạc giao hưởng, thính phòng.

Giới trẻ ngày càng trở nên dị ứng với nhạc hàn lâm, nhạc bác học. PGS-TS Đỗ Bảo đau xót thừa nhận, trong xu thế toàn cầu hóa, tiếp nhận văn hóa đại chúng, âm nhạc đại chúng, âm nhạc giải trí một cách không chọn lọc; giới trẻ Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất thói quen nghe nhạc lành mạnh, không còn trân trọng những âm điệu dân tộc, độc đáo, giàu màu sắc hoặc những cảm thụ về nhạc giao hưởng thính phòng, suy tư sâu sắc.

Khí nhạc Việt Nam rồi sẽ đi đâu? Đồng cảm với câu hỏi lớn này, NSƯT Nguyễn Thiếu Hoa, Chủ nhiệm khoa Lý luận, sáng tác, chỉ huy, Học viện Âm nhạc quốc gia, thừa nhận: “Sau khi tốt nghiệp bằng những tác phẩm cổ điển, hầu hết các nhạc sĩ chỉ viết ca khúc. Không ít học sinh, sinh viên sáng tác bỏ học giữa chừng sau khi có một vài ca khúc ăn khách trên “Làn sóng xanh”, “Bài hát Việt”...”.

Nhạc phong trào lên ngôi

Đây có thể gọi là thời kỳ hoàng kim của nhạc nhẹ. Các ca sĩ trẻ liên tục ra các CD mới cùng những tác phẩm mới nhất được sáng tác độc quyền. Trên các phương tiện nghe nhìn, chương trình biểu diễn tại nhiều tụ điểm ca nhạc, trung tâm văn hóa; nhạc nhẹ chiếm ưu thế gần như tuyệt đối, choán hết giờ vàng. Trong thời gian gần đây hàng loạt các tác phẩm âm nhạc xuất hiện, có một số tác phẩm mang lại hiệu ứng cao. Nhạc sĩ thế hệ 7X, 8X... luôn cố gắng cách tân về đề tài, tiết tấu, giai điệu, cách phối âm và dàn dựng như Giáng Son với “Giấc mơ trưa”; Lưu Hương Giang với “Quạt giấy” rồi Lưu Hà An, Võ Thiện Thanh... Nhạc sĩ Nguyễn Cường cho rằng, thế hệ trẻ biết hướng ngoại, họ biết hướng ra thế giới để hội nhập và thẩm thấu cái mới... Lớp trẻ được học hành bài bản, có điều kiện về vật chất, phương tiện kỹ thuật hành nghề, biết hướng ra cái mới...

Nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng không khỏi băn khoăn bởi có lẽ chính sự thuận lợi quá khiến họ không có thời gian để chiêm nghiệm, không kịp kiểm nghiệm các tác phẩm trước khi “ra lò”... Trong đời sống âm nhạc, nhiều nhạc sĩ trẻ phần vì muốn thành danh nhanh, phần vì áp lực của đồng tiền đã cho ra đời nhiều tác phẩm “rẻ tiền”. Các nhạc sĩ có tay nghề, có tuổi đời chỉ thấy xuất hiện ở các cuộc thi viết của hội, của tỉnh, của ngành, về bưu điện, về công đoàn...Tuy nhiên, ông khẳng định: “Không nên quá bức xúc về tình hình sáng tác ca khúc hiện nay”. Bởi lẽ thời gian sẽ kiểm chứng và chắt lọc, các tài năng sẽ lặng lẽ tỏa sáng...

Hội thảo chỉ diễn ra vẻn vẹn một buổi. Hy vọng - dù mỏng manh, qua hội thảo sẽ góp thêm tiếng nói trong bức tranh toàn cảnh của nền âm nhạc Việt Nam, góp phần làm sáng tỏ thêm những điểm mạnh, điểm yếu, những bất cập trên các lĩnh vực sáng tác, lý luận, phê bình, đào tạo và biểu diễn âm nhạc; đưa ra những giải pháp cụ thể, góp tiếng nói từ góc độ nghề nghiệp để có những quyết sách trước mắt và lâu dài trong việc phát triển nền âm nhạc nước nhà./.

(SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất