Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 22/10/2008 21:47'(GMT+7)

Âm nhạc cho thiếu nhi: vừa thừa vừa thiếu

Còn thiếu những bài hát trẻ em yêu thích (ảnh: 24h)

Còn thiếu những bài hát trẻ em yêu thích (ảnh: 24h)

Hội thảo do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức sáng nay (22/10) tại Hà Nội.

Các ý kiến tại Hội thảo nhận định, đời sống âm nhạc hiện nay phát triển rất năng động, đa dạng và có tác động to lớn tới nhận thức của công chúng. Ca khúc- thế mạnh của âm nhạc Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển và đã có một số nhạc sĩ khẳng định được phong cách riêng. Tuy nhiên, có một thực trạng đáng báo động là giới trẻ đang đứng trước nguy cơ mất thói quen nghe nhạc lành mạnh. Một số ca khúc bị coi là “rẻ tiền” ra đời do các cây bút trẻ viết bài hát theo đơn đặt hàng của các hàng băng đĩa, của các ca sĩ trẻ muốn nhanh chóng thành danh. Một số Sở Văn hoá của các tỉnh, thành đã dễ dãi cho phép phát hành nhiều ca khúc kém chất lượng.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên cảnh báo về tình trạng ca khúc cho thiếu nhi vừa thừa lại vừa thiếu: thừa vì có quá nhiều bài mang tính áp đặt cho trẻ em, còn thiếu những bài hát trẻ em yêu thích. Một số nhạc sĩ quan niệm quá đơn giản về sáng tác bài hát cho các em, việc định hướng về nội dung cũng chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí có tình trạng ca khúc thiếu nhi bị thương mại hoá.

Tuy nhiên, nhạc sĩ Nguyễn Cường lại có cái nhìn khá lạc quan về tình hình sáng tác ca khúc hiện nay. Ông cho rằng không nên quá bức xúc về các ca khúc do giới trẻ sáng tác hiện nay, bởi giới trẻ hướng ngoại là "biết hướng ra thế giới để hội nhập với cái mới, thẩm thấu cái mới". Những tài năng bao giờ cũng lặng lẽ toả sáng, họ sẽ sáng tác bằng tài năng và trách nhiệm với cuộc đời. Những giá trị tác phẩm âm nhạc cũng như tài năng nhạc sĩ cần có thời gian để kiểm chứng.

Một vấn đề của nền âm nhạc hiện nay là các cơ sở dạy và đào tạo âm nhạc không đáp ứng và tương xứng với nhu cầu của xã hội. Tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (trước đây là Nhạc viện Hà Nội) và các cơ sở đào tạo âm nhạc khác của đất nước, giáo trình đào tạo và giảng dạy là âm nhạc cổ điển hàn lâm chuyên nghiệp, âm nhạc dân gian truyền thống và nhạc Jazz, trong khi trên các phương tiện thông tin đại chúng đa phần chỉ giới thiệu các ca khúc. Rất hiếm tác phẩm âm nhạc cổ điển được giới thiệu.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiếu Hoa, Chủ nhiệm Khoa Lý luận, sáng tác, chỉ huy Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam bức xúc: "Không ít học sinh của chúng tôi tốt nghiệp rồi không làm đúng chuyên môn vì không có "đất dụng võ". Nhiều học sinh, sinh viên của chúng tôi bỏ học giữa chừng vì viết được một số ca khúc ăn khách trên "Làn sóng xanh", "Bài hát Việt", "Sao Mai"... đã thấy đạt được "đỉnh cao" của sự nghiệp" nên thấy không cần phải học tiếp, bởi vì tăng tính chuyên nghiệp cũng chẳng làm gì, vất vả, mất thời gian...".

Để một nền âm nhạc phát triển lành mạnh, rất cần sự đánh giá, nhận xét, định hướng của đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu lý luận phê bình. Nhưng dường như trong thời gian qua, các nhà phê bình âm nhạc còn có tư tưởng né tránh, ngại ngùng, nhường phần "đất" này cho các nhà báo viết về lĩnh vực văn hoá văn nghệ. Nhạc sĩ Vũ Tự Lân thẳng thắn nhìn nhận rằng: "các vấn đề thì chúng tôi cũng biết cả, nhưng vẫn cứ có tâm lý ngại nói, và ngại nói khác với không khí chung".

Để một nền âm nhạc phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập, ý kiến của nhiều nhạc sĩ, nhà nghiên cứu cho rằng Hội nhạc sĩ cần quan tâm hơn nữa tới việc đưa những tác phẩm âm nhạc đích thực đến với công chúng, chứ không chờ công chúng tìm đến với mình. Nhạc sĩ Cát Vận cho rằng: các phương tiện truyền thông đại chúng cần chọn lọc để đưa tới công chúng những tác phẩm âm nhạc giàu bản sắc văn hoá dân tộc, giàu tính nhân văn.

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cần “quan tâm tới đội ngũ các nhạc sĩ trẻ, đẩy mạnh giáo dục thẩm mỹ âm nhạc của quần chúng và tăng cường sự phối hợp giữa hội nhạc sĩ với các cơ quan quản lý văn hoá, các cơ quan truyền thông đại chúng”./.

(Theo VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất