Thứ Bảy, 23/11/2024
Môi trường
Thứ Bảy, 30/3/2013 13:0'(GMT+7)

Miền Bắc có nguy cơ hứng chịu mưa đá diện rộng

(Nguồn: laocai.gov.vn)

(Nguồn: laocai.gov.vn)

Trao đổi với phóng viên Vietnam+ chiều 29/3, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó phòng khí tượng hạn vừa - hạn dài (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương) cho biết: “Mưa đá là hiện tượng thường xuyên diễn ra vào thời điểm giao mùa và đúng quy luật. Vì vậy, trong những ngày tới, mưa đá rất có thể sẽ tiếp tục xảy ra ở bất cứ đâu trên địa bàn các tỉnh phía Bắc, trong đó có cả Hà Nội”.

Cũng theo ông Hòa thì mưa đá là hiện tượng bình thường và hầu như năm nào mưa đá cũng xảy ra ở các địa phương như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Sơn La, Thái Nguyên… với cường độ khác nhau. Tuy nhiên theo ông Hòa, những trận mưa vừa xảy ra ở Lào Cai dị thường ở chỗ là những viên đá có đường kính lớn, được xác định là chưa từng có từ trước tới nay.

Theo lý giải của ông Hòa, mưa đá xảy ra là do sự bất ổn định trong không khí giữa hai luồng khí hậu lạnh và nóng gặp nhau. Cụ thể, trong khoảng 4-5 ngày trước khi xuất hiện mưa đá thường có nắng nóng khá gay gắt, khiến mặt đất bị hun nóng. Tuy nhiên, sau đó do có sự xuất hiện của gió mùa Đông Bắc tràn xuống, gây nên sự xung đột giữa hai khối khí nóng và lạnh kích thích sự đối lưu phát triển mạnh. “Hơi nước bốc lên cao, ngưng tụ lại thành hạt đá nhỏ, những hạt đá này tiếp tục đông kết và dính lại với nhau tạo nên những hạt đá to hơn và rơi xuống mặt đất. Bởi vậy, kích thước của những hạt mưa đá trong các trận mưa vừa qua thể hiện sự chênh lệch quá lớn trong không khí”, ông Hòa cho biết thêm.

Khoảng 23 giờ đêm 26/3, sau cơn gió lốc mạnh, một trận mưa đá kích cỡ lớn, dày đặc đổ xuống khắp các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai (Lào Cai), trong khoảng 15 phút. Trận mưa đá kéo dài đã phá hỏng nhiều nhà cửa và tài sản của nhân dân. Trận mưa đá này tuy không có thiệt hại lớn về người, nhưng hiện tượng thời tiết này cũng khiến người dân địa phương lo ngại.

Tiếp đến, rạng sáng ngày 29/3, lại thêm một trận mưa đá dữ dội đổ xuống ba xã Lương Sơn, Xuân Thượng, Long Phúc và thị trấn Phố Ràng của huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai làm hư hỏng gần 12.000 mái nhà; hàng trăm hécta hoa màu, cây ăn quả bị hỏng. Ước tổng thiệt hại lên đến hơn 70 tỷ đồng.

Tại tỉnh Hà Giang, mưa đá đã xảy ra trên diện rộng tại Hà Giang ngày 27/3 làm thiệt hại nhiều diện tích hoa màu vụ xuân. Đây là trận mưa đá thứ hai, sau trận mưa đá dày đặc xảy ra vào ngày 13/3, gây thiệt hại lớn về hoa màu của xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.

Tại Thái Nguyên cũng xảy ra trận mưa đá vào lúc 1 giờ 30 ngày 29/3, khiến cho gần 1.200 ngôi nhà thuộc địa bàn hai huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ bị hư hỏng. Sáng cùng ngày, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cũng xuất hiện gió to kèm theo mưa đá, khiến nhiều nhà dân và nhiều diện tích lúa, hoa màu bị hư hỏng nặng.

Trước hiện tương dị thường mà các trận mưa đá ập đến, ông Hòa khẳng định mưa đá là hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm. Hiện tượng này chỉ giảm dần khi mùa mưa đến, tức đến hết tháng 5.

“Để tránh thiệt hại về người và của cải, người dân tại các tỉnh ở miền Bắc, đặc biệt là khu vực Tây Bắc cần theo dõi các bản tin thời sự và nhận biết được mưa đá dựa vào một vài đặc điểm như: ban ngày có giông mạnh, mây đen kịt trên bầu trời. Vào ban đêm có sấm sét, gió đang thổi đều bỗng lặng đi, trời lạnh đột ngột...”, ông Hòa khuyến nghị./.

(Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất