Kênh truyền hình NTV đưa tin, có tất cả 52 quan chức quân sự hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có 17 tướng đã nghỉ hưu, 4 đô đốc đang tại vị và nhiều sĩ quan khác, đã bị bắt giữ trong các cuộc vây bắt ở thủ đô Istanbul, thành phố Ankara và Izmir.
Chỉ huy Các Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ - Tướng Ilker Basbug đã buộc phải hoãn một chuyến đi đến Ai Cập sau khi xảy ra hàng loạt vụ bắt giữ nói trên.
Trong số những người bị bắt giữ có cựu Tư lệnh Không quân Ibrahim Firtina, cựu Tư lệnh Hải quân Ozden Ornek và cựu Phó Tổng tham mưu trưởng - Tướng Ergin Saygun.
Theo các nguồn tin, cái gọi là âm mưu đảo chính của các quan chức quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã được lên kế hoạch từ năm 2003. Khi đó, tờ Taraf đưa tin quân đội nước này có kế hoạch kích động một cuộc khủng hoảng với Hy Lạp bằng cách bắn hạ một máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ ngay trong không phận Hy Lạp. Lực lượng quân đội còn âm mưu cài một loạt bom trong các nhà thờ Hồi giáo ở thủ đô Istanbul để gây ra tình trạng hỗn loạn và tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm gây bất ổn cho chính phủ của Thủ tướng Tayyip Erdogan.
Âm mưu đảo chính nói trên được cho là có liên quan đến Tổ chức điệp báo bí mật tại Thổ Nhĩ Kỳ - Ergenekov. Theo đó, các quan chức quân sự và những người theo chủ nghĩa thế tục có ý định gây ra tình trạng bất ổn, hỗn loạn và sau đó biến thành một cuộc đảo chính. Khoảng 200 người, trong đó có các sĩ quan quân đội, cảnh sát, luật sư, các chính khách và nhà báo, tham gia vào âm mưu này.
Người đứng đầu lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ những cáo buộc trên, nói rằng những âm mưu đảo chính đã thuộc về quá khứ ở đất nước Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO đang nỗ lực tìm cách gia nhập vào Liên minh Châu Âu.
Những tướng lĩnh quân đội bị bắt giữ từng là những người bất khả xâm phạm. Một số là những thành viên của tầng lớp quân sự tinh tuý của Thổ Nhĩ Kỳ, còn được gọi là “Pasha” (tổng trấn) - một từ được dùng để chỉ giới được kính trọng thời Ottoman. Trong nhiều thập kỷ, các sĩ quan cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ - những người tự xưng là người bảo vệ truyền thống lâu đời của đất nước - đã được gọi bằng danh từ này.
Với việc hàng loạt tướng lĩnh bị bắt giữ hôm qua, cán cân quyền lực ở Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã trải qua một cuộc biến chuyển gây chấn động. Nhiều người coi đây là một cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với Đảng cầm quyền AK.
Chính phủ dường như đang cố gắng giành thế thượng phong trước quân đội - lực lượng đã từng thực hiện 4 vụ đảo chính kể từ năm 1960 đến giờ. Quân đội là lực lượng nắm giữ ảnh hưởng vô cùng to lớn kể từ khi ông Mustafa Kemal Ataturk sáng lập ra đất nước Thổ Nhĩ Kỳ từ tro tàn của Đế chế Ottoman. Ông Mustafa Kemal Ataturk đi lên từ một sĩ quan quân đội và trở thành Thủ tướng cũng như Tổng thống đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ.
Với sự ủng hộ từ kết quả bầu cử thuận lợi và sự hậu thuẫn từ Liên minh Châu Âu (EU), Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tìm cách nắm giữ sức mạnh quân sự và nhiều lần ám chỉ sẽ thực hiện những bước đi mạnh mẽ, nhằm đưa các tướng lĩnh quân đội vào tầm kiểm soát. Nhưng những vụ vây bắt hôm qua, tiếp theo một loạt động thái thu thập bằng chứng bằng cách nghe trộm điện thoại cũng như việc phát hiện ra nhiều kho vũ khí bí mật của quân đội là hành động mạnh tay nhất của chính phủ đối với quân đội từ trước đến giờ.
Kiệt Linh - VnMedia