Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ
tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở
Trung ương; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Quỹ Dân số của Liên
Hợp Quốc và các đơn vị tham gia cuộc Tổng điều tra lần thứ 5 kể từ khi
thành lập nước tới nay.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng,
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết đây là cuộc tổng điều tra có quy mô lớn
nhất nhưng thời gian thực hiện ngắn nhất (hơn 3 tháng, trong khi lần
Tổng điều tra trước mất một năm) và tiết kiệm kinh phí, nguồn lực
thực hiện nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp về công nghệ thông tin trong
tác nghiệp.
“Không phải in phiếu điều tra, không phải nhập số liệu hoặc quét số liệu
nên tiết kiệm được kinh phí in ấn, vận chuyển, chương trình phần mềm
chuyển đổi dữ liệu từ phiếu giấy sang dạng số hóa và các chi phí liên
quan khác… Ngoài ra, với việc không đầu tư máy tính bảng hoặc điện thoại
thông minh tập trung mà huy động sử dụng thiết bị của điều tra viên
thống kê, do vậy đã tiết kiệm được ngân sách nhà nước trong đầu tư thiết
bị”, ông Nguyễn Chí Dũng nói.
Cuộc tổng điều tra đã nâng cao vị thế
của thống kê Việt Nam trong cộng đồng thống kê thế giới khi là một trong
ít quốc gia thực hiện phiếu điện tử di động (CAPI) trong điều tra,
chiếm 99,9%, còn lại chỉ sử dụng phương pháp điều tra phiếu giấy truyền
thống và webform.
Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân
số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đánh giá Tổng điều tra năm 2019 này đã
tuân thủ hoàn toàn các quy định, quy chuẩn điều tra dân số, nhà ở của
quốc tế nên các thông tin thu được là đầy đủ và chính xác.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh cuộc tổng
điều tra vào 0h ngày 1/4/2019 đã diễn ra theo đúng kế hoạch, bảo đảm an
toàn và thành công tốt đẹp. Kết quả của tổng điều tra là nguồn thông tin
chủ yếu và tin cậy về tình hình dân số, nhân khẩu học, tình trạng nhà ở
của dân cư nhằm đáp ứng mục tiêu để tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu
trong hệ thống thống kê quốc gia, phục vụ nhu cầu thông tin của Đảng,
Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, cả ở Trung ương và địa phương trong đánh
giá tình hình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các chiến lược,
chính sách phát triển kinh tế-xã hội nói chung, đặc biệt là vấn đề dân
số và nhà ở.
Cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở lần này cũng có ý nghĩa phục vụ dữ
liệu cho các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xem
xét, cơ cấu và hoạch định đường lối, chiến lược phát triển kinh tế-xã
hội, hệ thống pháp luật, chính sách về dân số và nhà ở đến năm 2030 -
thời điểm 100 năm thành lập Đảng và tầm nhìn đến năm 2045 - 100 năm
thành lập nước.
Đánh giá cao về áp dụng triệt để và rộng
rãi công nghệ thông tin, Phó Thủ tướng nêu ví dụ điển hình Hà Giang là
tỉnh miền núi khó khăn nhưng lãnh đạo tỉnh quyết tâm áp dụng 100% kê
khai điện tử.
“Bản thân tôi, khi được các điều tra
viên đến nhà để lấy thông tin số liệu thì thấy làm rất nhanh chóng so
với lần trước khi điều tra viên sử dụng hoàn toàn bằng điện thoại thông
minh”, Phó Thủ tướng chia sẻ và đánh giá cao sự phối hợp của các bộ,
ngành, địa phương và vai trò quan trọng của Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông trong bảo đảm an toàn, an ninh, trợ giúp về kỹ thuật.
Trích xuất một số dữ liệu từ Tổng điều
tra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết sau 10 năm, dân số Việt Nam
tăng 10,4 triệu lên trên mức 96,2 triệu người, bình quân tăng dân số
1,14%/năm, chậm hơn so với tốc độ của giai đoạn 1999- 2009, để đến năm
2020 dân số không vượt quá 98 triệu người, đạt được yêu cầu của Chiến
lược dân số và tập trung vào nâng cao chất lượng dân số.
Về nhà ở, 93,1% số hộ có nhà kiên cố và
bán kiên cố, tăng đều qua 10 năm và so với cả các giai đoạn trước. Về
bình quân diện tích/đầu người thì đến nay đã có 23,5 m2/đầu người, cao
hơn mức 6,8 m2 của năm 2009,...
Phó Thủ tướng cho biết số liệu từ Tổng điều tra 2019 sẽ giúp các cơ
quan, chuyên gia có dữ liệu để phân tích xu hướng dân số để có đối sách,
chính sách kịp thời để tận dụng thời kỳ dân số “vàng”, giúp dân số Việt
Nam không rơi vào tình trạng “chưa giàu đã già” và tránh bẫy thu nhập
trung bình, quan tâm tới người yếu thế, những người có thu nhập thấp.
Về nhà ở, Phó Thủ tướng bày tỏ chia sẻ
số liệu 1,4 triệu hộ với 5 triệu người còn sống nhà ở sơ sài, đặc biệt
còn 4.800 hộ không có nhà ở và nhấn mạnh thông điệp của Chính phủ và Thủ
tướng Chính phủ là “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong xác định đối
tượng và chính sách hỗ trợ cho người dân.
“Các bộ, ngành, địa phương phải đặc biệt
chú ý để tập trung chính sách giảm nghèo, làm giàu cho người dân. Chính
sách nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, người thu nhập thấp đã có
rồi nhưng nhiều người còn khó khăn về nhà ở. 65,6% dân số còn ở nông
thôn, trong đó nhiều nơi vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số, ven biển, hải
đảo, bãi ngang còn rất khó khăn”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu vấn
đề từ số liệu điều tra.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, đây
mới chỉ là kết quả sơ bộ bước đầu và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương
huy động trí lực, nguồn lực để sử dụng, gia cố giá trị của các số liệu
này trong các báo cáo phân tích, đánh giá chi tiết để đạt được các mục
tiêu hoạch định chiến lược và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách.
Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị Ngày
26/12/2019 là ngày Dân số Việt Nam, Ban Chỉ đạo sẽ công bố kết quả chính
thức của tổng điều tra dân số và nhà ở./.
Thành Chung (VGP)