Sau 15 năm kể từ khi vỡ bong bóng "dot-com," tên thường gọi của các công
ty công nghệ mạng Internet, lĩnh vực công nghệ cao lại một lần nữa “bay
cao” với lượng vốn đầu tư chạm những mức kỷ lục mới và làm dấy lên sự
lo ngại về nguy cơ giá trị của các doanh nghiệp công nghệ bị thổi phồng
quá mức.
Một cuộc khảo sát điều tra của tập đoàn Ernst & Young (EY) cho hay
năm 2014 chứng kiến 3.512 thương vụ sáp nhập và mua bán doanh nghiệp
(M&A) trong lĩnh vực công nghệ với tổng giá trị 237,6 tỷ USD, mức
cao nhất kể từ năm 2000.
Báo cáo này cho biết, triển vọng của các hoạt động M&A trong năm
2015 vẫn khá mạnh và hiện chưa có dấu hiệu cho thấy xu hướng này giảm
nhiệt.
Theo nhà phân tích Brenon Daly của công ty nghiên cứu 451 Research, các
nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và những quan chức phụ trách kế
hoạch/chương trình phát triển của các doanh nghiệp đều ngụ ý họ sẽ có
một “mùa” M&A bận rộn hơn trong năm 2015.
Báo cáo 451 Research cho hay hoạt động M&A sẽ sôi động hơn trong
những tháng tới ở những “mảng” công nghệ di động, an ninh và dịch vụ lưu
trữ dữ liệu trên mạng Internet.
Trong khi đó, theo tổ chức nghiên cứu CB Insights chuyên theo dõi xu
hướng dòng vốn đầu tư, các công ty mới khởi nghiệp như Uber và Snapchat
đều có giá trị doanh nghiệp gia tăng với các luồng vốn mới tiếp tục đổ
vào. Có 38 doanh nghiệp công nghệ đã gia nhập Câu lạc bộ doanh nghiệp tỷ
USD trong năm 2014, trong đó có 25 công ty tại Mỹ.
Một phần của sự bùng nổ nói trên cũng đến từ các đại công ty như Apple,
"gã công nghệ khổng lồ" đã phá vỡ tất cả mọi kỷ lục với mức lợi nhuận
“khủng” 18 tỷ USD trong quý 4/2014, và doanh nghiệp thương mại trực
tuyến Alibaba (Trung Quốc) đã huy động được con số kỷ lục 25 tỷ USD
thông qua đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Công ty nghiên cứu thị trường PwC nhận định năm 2014 là năm “phất” nhất
trong một thập niên qua của hoạt động IPO trong lĩnh vực công nghệ toàn
cầu. Tuy vậy, câu hỏi mang tính quyết định đối với các nhà đầu tư đang
tìm kiếm lợi nhuận trong lĩnh vực công nghệ là liệu mức giá trị cao
“chót vót” này có phải là những dấu hiệu báo hiệu một triển vọng tăng
trưởng mạnh mẽ của các công ty công nghệ hay đơn thuần chỉ là những hành
vi có tính chất đầu cơ.
Trong khi giá trị của dịch vụ chia sẻ xe hơi Uber tăng, dịch vụ chia sẻ
nơi ăn ở của Airbnb được xác định ở mức 10 tỷ USD (tương tự của ứng dụng
nhắn tin hình ảnh Snapchat và dịch vụ lưu trữ dữ liệu trên mạng
Internet Dropbox), thì giá trị của dịch vụ chia sẻ âm nhạc Spotify là 7
tỷ USD.
Các khoản đầu tư nói trên xuất hiện với sự nổi lên của thương vụ mạng xã
hội Facebook chào mua ứng dụng Whatsapp với giá 22 tỷ USD.
Theo nhà phân tích Roger Kay của Endpoint Technologies Associates, giá
trị của các doanh nghiệp công nghệ đã vượt mức thông thường nhưng ông
vẫn lưu ý rằng, “tình hình hiện nay hoàn toàn khác với năm 2000, khi mọi
người ngủ quên trên chiến thắng và cho rằng thời hoàng kim không bao
giờ kết thúc. Giờ đây, họ đã có sự cảnh giác nhất định."
Báo cáo của EY cho hay, giá trị hiện nay của các doanh nghiệp công nghệ
sát với thực tế hơn so với năm 2000 và đây không phải là một sự phát
triển có tính chất bong bóng.
Một số nhà phân tích thì cho rằng chỉ số chứng khoán công nghệ Nasdaq,
được coi là một hàm thử biểu đo tình hình "sức khỏe" của ngành công
nghệ, vẫn chưa hồi phục lại mức cao kỷ lục 5.100 điểm hồi tháng 3/2000.
Nhà phân tích Michael Stiller của Dịch vụ Tư vấn của Nasdaq cho biết,
lĩnh vực công nghệ "nhìn chung vẫn có giá trị thấp hơn so với thời điểm
năm 1999 và các công ty này giờ đây có mô hình kinh doanh thực tế hơn.
Ông cho biết tình hình giờ đây hoàn toàn khác. Hiện có 3 tỷ người sử
dụng dịch vụ Internet trên toàn thế giới, tăng gấp 7,5 lần so với con số
400 triệu người vào năm 2000. Nhiều ý tưởng nhen nhóm từ năm 2000 nay
đã khả thi hơn, trong khi quy mô của thị trường công nghệ đã lớn gấp 8
lần so với thời kỳ cách đây 15 năm.
Ông Stiller lưu ý rằng, mặc dù giá trị một số doanh nghiệp công nghệ
nhìn ngoài có vẻ quá cao nhưng thật ra những công ty này đã lớn mạnh và
đang có doanh thu và lợi nhuận thực sự. Các công ty công nghệ lớn hiện
có rất nhiều tiền và dòng tiền này đang chạy tới nhiều lĩnh vực khác
trong ngành công nghệ. Lợi nhuận khổng lồ của các doanh nghiệp công nghệ
được thể hiện thực tế ngay trong sổ sách kế toán chứ không phải chỉ là
các con số ước tính “trên trời”./.
Anh Quân (TTXVN)