Thứ Hai, 2/12/2024
Văn kiện Đảng
Thứ Tư, 22/4/2009 14:44'(GMT+7)

Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về báo cáo kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về KH và CN

Tại phiên họp ngày 19-02-2009, sau khi nghe đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Trung 2 (khoá VIII) về khoa học - công nghệ (Tờ trình số 96-TTR/BTGTW, ngày 12-02-2009) và ý kiến đại diện lãnh đạo các bộ, ngành có nên quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận:

Bộ Chính trị cơ bản tán thành các nội dung đã được trình bày trong Báo cáo "Kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) về khoa học và công nghệ và nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2020", đồng thời nhấn mạnh một số điểm sau:

1- Những thành tựu của khoa học và công nghệ sau 12 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII)

Khoa học xã hội và nhân văn có những đóng góp quan trọng trong việc tiếp tục khẳng định, vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay; khẳng định xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi đây là mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; con đường và bước đi của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; lý luận về Đảng và xây dựng Đảng trong điều kiện mới; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân; xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khẳng định văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà nền tảng là liên minh công nhân - nông dân - trí thức; nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân với lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; nền ngoại giao độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá với tinh thần Việt Nam sẵn sàng và bạn, và đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển, không ngừng mở rộng các quan hệ đối ngoại, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế…Những lý luận đó đã góp phần quan trọng vào việc lý giải ngày càng sáng tỏ hơn các vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Trong khoa học tự nhiên, nghiên cứu cơ bản đã được tập trung chủ yếu vào các ngành toán học, vật lý, cơ học, hoá học, tin học, sinh học, khoa học về trái đất, đặc biệt là các chuyên ngành như: vật lý chất rắn, quang học, vật lý laser, vật lý hạt nhân; cơ học các kết cấu công trình, cơ học các vật liệu mới, động lực học, thuỷ khí động học; hoá hữu cơ, hấp thụ và xúc tác, hoá phân tích; công nghệ thông tin, điều khiển học; sinh vật học nhiệt đới, kỹ thuật tế bào, công nghệ gieo, sinh học phân tử; địa chất, vật lý địa cầu, nghiên cứu địa lý, biến đổi khí hậu, dự báo các quá trình tai biến thiên nhiên Việt Nam, nghiên cứu biển, thềm lục địa. . .

Một số công trình khoa học cơ bản đã xây dựng cơ sở khoa học cho đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ. Những kết quả nổi bật trong lĩnh vực toán học, vật lý, tin học, cơ học, hoá học, khoa học về sự sống, khoa học trái đất…đã tạo tiền đề cho việc tiếp thu công nghệ hiện đại, định hướng cho việc bảo vệ và sử dụng húp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng, chống tác hại của thiên tai . . .

Nhờ đó, khoa học và công nghệ đã góp phần tạo ra những chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá. Những đổi mới công nghệ trong các ngành công nghiệp, đặc biệt và sản xuất cơ khí chế tạo kết cấu thép chuyên dụng, đóng tàu, viễn thông, điện lực, dầu khí, khai thác tài nguyên khoáng sản... đã góp phần làm cho sản xuất công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế tăng trưởng cao liên tục những năm qua.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học và công nghệ đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Từ một nước thiếu lương thực, nước ta đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Ngoài ra, Việt Nam còn là một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhiều nông sản có giá trị khá như: thuỷ sản, cà phê, cao su, chè, hạt điều, bạc nhân, hồ tiêu, đồ gỗ chế biến… Các nhà khoa học đã tạo ra 142 giống cây trồng mới có năng suất và chất lượng cao trong 5 năm gần đây. Chương trình giống đã mang lại hiệu quả lớn trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, 100% diện tích điều.

Công tác đổi mới quản lý và tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ ngày càng được tăng cường và bước đầu phát huy tác dụng. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về khoa học và công nghệ, như: Luật Khoa học và công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, Luật Công nghệ thông tin, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Công nghệ cao... đã được ban hành, trở thành một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và đồng bộ, tạo môi trường pháp lý phù hợp, điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động khoa học và công nghệ; khuyến khích, động viên các lực lượng khoa học trong toàn xã hội tham gia tích cực và cống hiến cho sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ.

Tuy nhiên, khoa học và công nghệ nước ta chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, đội ngũ chưa đáp ứng tốt yêu cầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chưa trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và khắc phục được tình trạng tụt hậu so với một số nước trong khu vực. Chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ nhìn chung còn thấp, thiếu những cán bộ, chuyên gia giỏi đầu đàn trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ, đủ sức đảm nhiệm các nhiệm vụ nghiên cứu có tầm cỡ quốc tế, có đóng góp đột phá đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước. Chính sách đãi ngộ, sử dụng chưa thu hút được nhiều và sử dụng tốt cán bộ trẻ đã được đào tạo có trình độ cao về làm việc tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực. Kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ còn dàn trải, chưa tập trung vào giải quyết những vấn đề công nghệ trọng điểm, có ý nghĩa quyết định tạo ra nhiều ngành nghề mới. Chưa xây dựng đồng bộ các chính sách, cơ chế thúc đẩy nhu cầu đầu tư khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; tạo sự năng động và hiệu quả trong hoạt động khoa học và công nghệ của các tổ chức, cá nhân; sự gắn kết giữa nghiên cứu, đào tạo với sản xuất, kinh doanh. Thiếu cơ chế có hiệu quả để hỗ trợ các sản phẩm nghiên cứu và phát triển công nghệ trở thành sản phẩm hàng hoá, đáp ứng được nhu cầu của các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Quá trình đầu tư phát triển và làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến còn chậm nên chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp, chậm được cải thiện.

2- Hoạt động khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2020 cần tập trung những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

a) Chú trọng tổng kết thực tiễn để bổ sung và phát triển lý luận trong sự nghiệp đổi mới; dự báo kịp thời tình hình và xu thế phát triển của thế giới, khu vực và trong nước; lý giải những vấn đề thực tiễn đặt ra và cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

b) Nhanh chóng nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, làm nền tảng vững chắc và động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội; rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát triển kinh tế tri thức. Tạo sự phát triển vượt bậc về tiềm lực khoa học và công nghệ, đủ sức làm chủ và vận dụng sáng tạo tri thức mới nhất của thời đại trong một số ngành khoa học và công nghệ. Đổi mới tổ chức vá hoạt động khoa học và công nghệ phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các chuẩn mực quốc tế, có chất lượng và tính hiệu quả cao.

c) Kết hợp chặt chẽ nghiên cứu và phát triển trong nước với chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, đẩy nhanh tốc độ đầu tư đổi mới công nghệ trong tất cả các ngành, tạo nhiều ngành nghề mới có hiệu quả và sức cạnh tranh cao, nhiều việc làm mới có năng suất cao, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn nhằm nhanh chóng nâng cao mức sống nhân dân. Phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ dựa trên công nghệ cao, dịch chuyển nhanh cơ cấu kinh tế sang các ngành dựa nhiều vào công nghệ và tri thức, đưa nền kinh tế đất nước vượt qua khó khăn trong tình hình kinh tế thế giới suy giảm hiện nay và vươn lên vị trí cao hơn trong mạng lưới sản xuất quốc tế và trong quá trình hội nhập quốc tế. Tập trung phát triển và tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, đẩy nhanh quá trình xây dựng công nghiệp cơ bản, công nghiệp phụ trợ; phát triển một số sản phẩm công nghiệp chủ lực và các sản phẩm nông nghiệp chế biến có giá trị, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường thế giới.

d) Đến năm 2020, xây dựng được một nền khoa học và công nghệ có trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực; về cơ bản có khả năng tự chủ những công nghệ tiên tiến then chốt trong các lĩnh vực chính của nền kinh tế, với chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh cao; trở thành động lực trực tiếp, đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

3- Để thực hiện các nhiệm vụ trên, cần tập trung vào những giải pháp sau:

a) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và trình độ lãnh đạo của các cấp uỷ đảng và chính quyền đối với khoa học và công nghệ

- Các cấp uỷ đảng từ Trung ương đến địa phương và cơ sở phải thực sự coi phát triển khoa học và công nghệ là một trong những nội dung lãnh đạo chủ yếu của mình, coi dây là một trong những nhiệm vụ chính trị then chốt của tất cả các cấp uỷ đảng và chính quyền; phân công cán bộ phụ trách và chịu trách nhiệm chỉ đạo tìm ra những biện pháp thực hiện có hiệu quả để phát triển nền khoa học Việt Nam, đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ trong từng lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân; đưa nhanh, đưa mạnh các tiến bộ khoa học và công nghệ vào phục vụ thiết thực và hiệu quả cho sản xuất, đời sống, quốc phòng và an ninh.

- Nhà nước tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý, đầu tư nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia, khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh.

b) Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh đổi mới tổ chức và quản lý khoa học và công nghệ

Hoàn thiện, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế theo hướng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo động lực để các thành phần kinh tế đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.

Đổi mới cơ chế tài chính của hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng thay cơ chế tài chính hành chính hiện nay bằng cơ chế tài chính sự nghiệp để tạo động lực cho các tổ chức sự nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

- Nhà nước tập trung xác định, xây dựng và đặt hàng triển khai thực hiện những nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia thông qua Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình phát triển công nghệ cao quốc gia; xây dựng cơ chế thúc đẩy hình thành tổ chức khoa học và công nghệ theo nhiệm vụ trên cơ sở liên kết các tổ chức khoa học và công nghệ để tập hợp một cách linh hoạt những cán bộ giỏi về nghiên cứu, triển khai và quản lý nhằm tập trung lực lượng để giải quyết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho việc hình thành các sản phẩm trọng điểm quốc gia trong giai đoạn tới. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân cấp và tự chủ đối với các tổ chức khoa học và công nghệ phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ.

- Tăng cường chức năng nghiên cứu cơ bản tại các trường đại học. Nghiên cứu thành lập hệ thống đổi mới khoa học và công nghệ quốc gia để tạo sự gắn kết và liên thông giữa nghiên cứu, đào tạo, sản xuất và kinh doanh, giữa hoạt động khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế.

- Nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách nhằm tăng cường đầu tư, tập trung quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ t.rong đầu tư phát triển các ngành khoa học, các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính liên vùng, liên lĩnh vực, có ảnh hưởng đột phá đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

c) Đẩy mạnh phát triển và hoàn thiện thị trường khoa học và công nghệ - Nhà nước có chính sách tập trung hỗ trợ, tài trợ để khuyến khích liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ với trường đại học trong việc đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, hình thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ mới…

- Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm túc pháp luật về sở hữu trí tuệ.

- Phát triển nhanh và hiệu quả hệ thống Quỹ khoa học và công nghệ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia.

- Có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên - cứu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải đóng vai trò và lực lượng chủ lực và tiên phong trong việc đầu tư cho đào tạo, nghiên cứu và làm chủ những công nghệ chiến lược then chốt và công nghệ mũi nhọn để đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ và tri thức cao theo định hướng xuất khẩu.

d) Thể chế hoá những nội dung nên quan đến việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức về khoa học và công nghệ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước", nhất là những vấn đề sau:

- Chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trí thức.

- Hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức.

- Chính sách trọng đụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức.

- Đề cao trách nhiệm của trí thức, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các hội của trí thức.

- Nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của Đảng đối với trí thức.

4- Tổ chức thực hiện

- Các cấp uỷ, tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương phải coi việc đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2020 là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và thường xuyên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, có ảnh hưởng quyết định đến chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; nghiêm túc tổ chức quán triệt và có kế hoạch cụ thể thực hiện tốt Kết luận này.

- Đảng đoán Quốc hội chỉ đạo việc rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tạo điều kiện pháp lý thuận lợi nhất cho việc phát triển nền khoa học và công nghệ Việt Nam.

- Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo việc thể chế hoá các nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Kết luận này; xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020.

- Ban cán sự đảng các bộ, ngành; đảng đoàn của các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp tổ chức quán triệt và tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nội dung Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) và Kết luận này, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình.

- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì cùng với Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ giúp Bộ Chính trị dàm đầu mối thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết báo cáo tình hình nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) và Kết luận này.

T/M BỘ CHÍNH TRỊ

Đã ký

Trương Tấn Sang

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất