Thứ Tư, 25/9/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 23/1/2015 14:1'(GMT+7)

Thông điệp “không lùi bước trước khủng bố” từ nước Pháp

Cảnh sát chuyên chống khủng bố của Pháp tăng cường bảo vệ an ninh ở thủ đô Pa-ri. Ảnh: (Getty Images)

Cảnh sát chuyên chống khủng bố của Pháp tăng cường bảo vệ an ninh ở thủ đô Pa-ri. Ảnh: (Getty Images)

Những nguy cơ tiềm ẩn

Theo AP, phát biểu tại thủ đô Pa-ri ngày 21/1, Thủ tướng Pháp Ma-nuy-en Van (Manuel Valls) cho rằng, chưa bao giờ nước Pháp lại bị ảnh hưởng bởi nạn khủng bố như hiện nay, đồng thời nhận định cuộc chiến chống lại các phần tử khủng bố và cực đoan sẽ vô cùng gian nan và kéo dài. “Chúng tôi nhận thức được rằng chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố, phong trào thánh chiến và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan là một cuộc chiến lâu dài”, ông Ma-nuy-en Van nói.

Nước Pháp vẫn chưa hết rúng động bởi hàng loạt vụ tấn công khủng bố xảy ra cách đây ít ngày. Kể từ đó đến nay, an ninh tại Pháp luôn được đặt trong tình trạng báo động cao nhất. Ước tính, khoảng 122.000 cảnh sát và binh sĩ đã được triển khai khắp đất nước để bảo vệ các khu vực tập trung đông người.

Tuy nhiên, như vậy dường như vẫn chưa đủ, bởi thực tế cho thấy, an ninh quốc gia và cuộc sống thường nhật của người dân Pháp vẫn đang bị ám ảnh bởi vô vàn mối đe dọa bắt nguồn từ khủng bố. Theo Thủ tướng Ma-nuy-en Van, trong năm qua đã có khoảng 3.000 người nằm trong tầm theo dõi của lực lượng an ninh Pháp, trong số đó có khoảng 1.300 công dân Pháp hoặc người nước ngoài sinh sống tại Pháp bị tình nghi có liên hệ với các mạng lưới khủng bố ở Xy-ri và I-rắc. Cũng chỉ trong vòng 12 tháng qua, đã có thêm hàng trăm đối tượng gia nhập các mạng lưới thánh chiến hoặc “thánh chiến ảo” trên internet.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 21/1, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Giăng Y-vơ Lơ Đri-ăng (Jean-Yves Le Drian) còn cho biết, có khoảng 10 cựu binh sĩ Pháp nằm trong số những người đã đến Xy-ri và I-rắc để gia nhập hàng ngũ của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Những người này đã đem những kiến thức quân sự tiếp thu được từ khi còn phục vụ trong quân đội để huấn luyện những phần tử người Pháp có quan điểm cực đoan. Một số cựu quân nhân khác trở thành các chuyên gia về chất nổ. Những đối tượng này được cho là nguy hiểm hơn các chiến binh khác, vì họ được đào tạo chính quy về quân sự tại Pháp, thông thạo kỹ năng tác chiến và ít nhiều nắm được bí mật quân sự của Pháp.

Gần đây, Pháp cũng đã triển khai binh sĩ ở nhiều địa điểm nhạy cảm, đặc biệt ở các khu vực quanh các tòa nhà đông đúc. Tuy nhiên, việc bảo vệ các mục tiêu như siêu thị hay những nơi diễn ra các sự kiện thể thao, vẫn là một thách thức lớn.

Bên cạnh đó, những vấn đề còn tồn tại như nạn phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa bài Do Thái, tỷ lệ nhập cư, nghèo đói cao, thất nghiệp tràn lan cùng với sự bất bình đẳng còn rơi rớt trong xã hội Pháp cũng được coi là những “mồi lửa” tạo nên chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Tăng cường đội ngũ chuyên chống khủng bố        

Thủ tướng Ma-nuy-en Van đã khẳng định, Chính phủ Pháp sẽ chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố với “sự quyết tâm, sự kiên trì và hành động thống nhất”, đồng thời sẽ có những biện pháp để bảo đảm an toàn cho người dân Pháp và chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Để bảo đảm không bị động trong cuộc chiến đầy thách thức này, ông Ma-nuy-en Van tuyên bố, Chính phủ Pháp sẽ chi 425 triệu ơ-rô cho các hoạt động chống khủng bố trong 3 năm tới.

Theo tờ Người bảo vệ của Anh, các biện pháp được Thủ tướng Ma-nuy-en Van công bố bao gồm tăng cường theo dõi nhằm loại bỏ các đối tượng tình nghi là khủng bố, bổ sung lực lượng nhân viên tình báo và cảnh sát, đồng thời trang bị tốt hơn cho các đội ngũ an ninh. Với 425 triệu ơ-rô nói trên, lực lượng an ninh Pháp sẽ được trang bị các loại vũ khí hiện đại hơn. Để tăng cường bảo đảm an ninh nội bộ, Pháp dự kiến sẽ tuyển mộ thêm 2.680 nhân viên an ninh chuyên trách chống khủng bố. Khoảng 122.000 cảnh sát, binh sĩ sẽ thường xuyên túc trực bảo vệ những khu vực nhạy cảm, trong đó có các trung tâm tôn giáo ở Pháp.

Ngoài ra, Chính phủ Pháp cũng sẽ tập trung vào việc ngăn chặn lan truyền tư tưởng cực đoan, giám sát hiệu quả hơn các phần tử thánh chiến cực đoan và đây được coi là một nhiệm vụ lâu dài. Bên cạnh “Gói chống khủng bố” nói trên, Pháp còn chi thêm 60 triệu ơ-rô để thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình trạng những người trẻ tuổi ở Pháp trở thành các đối tượng cực đoan.

Được biết thời gian tới ở Pháp, những người truyền bá hoặc ủng hộ chủ nghĩa khủng bố trên internet sẽ bị truy tố trước pháp luật. Các chuyên gia về hiến pháp của nước này cũng đang xem xét việc tước quốc tịch Pháp của những đối tượng khủng bố bị kết tội.

Bộ máy tình báo của Pháp sẽ được “gia cố” đáng kể, trong đó có bổ sung các biện pháp nhằm theo dõi các cuộc điện thoại một cách dễ dàng hơn. Dự kiến, ngành tình báo nước này sẽ có thêm tổng cộng 1.100 việc làm mới chuyên về lĩnh vực chống khủng bố.

Internet và các phương tiện truyền thông xã hội cũng sẽ là một phương tiện hữu hiệu để đối phó với khủng bố. Theo đó, Chính phủ Pháp sẽ đề nghị các công ty cung cấp dịch vụ internet và truyền thông tham gia vào cuộc chiến này bằng cách cung cấp dữ liệu về những kẻ cực đoan bị nghi ngờ, thu thập tin tức tình báo về các phần tử thánh chiến và các đối tượng cực đoan khác. Dự kiến trong vài tuần tới, Pháp sẽ đưa ra một điều luật trong đó cho phép các cơ quan chức năng có thể yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet chặn các trang web “tôn vinh” chủ nghĩa khủng bố./.

Trung Dũng (QĐND) 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất