Thứ Ba, 26/11/2024
Thế giới
Thứ Tư, 21/1/2015 14:40'(GMT+7)

Thông điệp Liên bang Mỹ năm 2015 tập trung vào vấn đề đối nội

Tổng thống Mỹ Barak Obama. (Nguồn: AP)

Tổng thống Mỹ Barak Obama. (Nguồn: AP)

Tuy nhiên, Thông điệp Liên bang 2015 được đọc trong bối cảnh mâu thuẫn đảng phái trong chính trường Mỹ ngày càng gia tăng với việc Quốc hội mới do phe Cộng hòa nắm trọn quyền lãnh đạo, khiến các chủ trương chính sách trong hai năm cầm quyền còn lại của ông Obama sẽ càng khó khăn hơn, nếu không muốn nói là bị bế tắc.

Bản Thông điệp Liên bang năm 2015 của Tổng thống Obama đặc biệt tập trung nhấn mạnh tới khối cử tri đông đảo nhất trong các kỳ bầu cử, đó là tầng lớp trung lưu.

Thông điệp Liên bang 2015 dành tới gần một nửa thời gian cho việc tung hô những thành quả của nền kinh tế Mỹ, một nền kinh tế được đánh giá là điểm sáng nhất trong kinh tế toàn cầu năm 2014 và có thể cả trong năm 2015.

Ông chủ Nhà Trắng khẳng định năm 2014 là năm kinh tế Mỹ có tốc độ tăng trưởng ngoạn mục, có số lượng việc làm được tạo ra nhiều nhất kể từ thập kỷ 1990 của thế kỷ trước.

Trong 5 năm qua, các doanh nghiệp Mỹ đã tạo ra được hơn 11 triệu việc làm mới, bằng tổng số việc làm mới của châu Âu, Nhật Bản và các nước công nghiệp phát triển cộng lại, khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1984, hiện chỉ còn ở mức 5,4% như trước khi nước Mỹ rơi vào cuộc đại suy thoái 2007-2009.

Theo Tổng thống Obama “sự trỗi dậy của Mỹ là sự thật và giờ đây nhiệm vụ của chúng ta là giúp mọi người dân Mỹ cảm nhận được một phần của sự trỗi dậy này.”

Ông Obama nhấn mạnh tới một thực tế là nước Mỹ ngày nay là nước khai thác dầu khí và có nguồn phong điện nhiều nhất thế giới. Trước một Quốc hội do đảng Cộng hòa nắm quyền chi phối, trong bản Thông điệp Liên bang 2015, ông Obama cũng nhiều lần hối thúc các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa hãy gạt sang một bên những đấu đá chính trị để hình thành “một đội hình” nhằm thông qua những dự luật quan trọng, ngay cả khi hai bên tiếp tục bất đồng quan điểm về hàng loạt vấn đề gây tranh cãi, cả trong đối nội và đối ngoại.

Để mọi người dân đều cảm nhận được sự chấn hưng của nền kinh tế, Tổng thống Obama đề xuất nâng thuế thu nhập từ 23,8% lên 28% đối với thiểu số những người giàu có nhất nước Mỹ, có thu nhập từ 500.000 USD/năm trở lên và các tập đoàn công ty tài chính để có thêm tiền thực thi một loạt biện pháp nhằm cải thiện cuộc sồng của tầng lớp trung lưu.

Ông cũng nhắc lại đề xuất miễn học phí hai năm cho sinh viên các trường cao đẳng cộng đồng, cho rằng biện pháp này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng cho các gia đình có thu nhập thấp mà còn tạo điều kiện cho nhiều người Mỹ được đào tạo thêm kiến thức giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Obama kêu gọi các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa hãy cùng Nhà Trắng tìm kiếm sự đồng thuận trong việc thay đổi bộ luật thuế, luật an ninh mạng, nỗ lực tinh giản chính phủ, cắt giảm ngân sách và cải cách chế độ nhập cư cũng như trong các biện pháp thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn nữa.

Ông Obama kêu gọi Quốc hội sớm thông qua dự luật trả lương bình đẳng giữa nam và nữ, đồng thời nhắc lại lời đe dọa sẽ phủ quyết nếu Quốc hội thông qua dự luật thay đổi chương trình cải cách bảo hiểm y tế, thường gọi là ObamaCare.

Tổng thống Mỹ một mặt hối thúc Quốc hội ủng hộ các hiệp định thương mại tự do với nước ngoài nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, kêu gọi tăng cường an ninh mạng, hối thúc các công ty công nghệ tư nhân chia sẻ thông tin nhiều hơn với chính phủ nhưng vẫn bảo đảm được quyền riêng tư của công dân.

Ông cũng đề xuất thực thi chương trình nghỉ phép được hưởng lương có tổng kinh phí 2 tỷ USD nhằm khuyến khích các bang xây dựng chương trình phúc lợi mới để trả lương tạm thời và chăm sóc y tế cho các lao động buộc phải nghỉ việc 7 ngày/năm vì gia đình có người bệnh nặng hoặc mới sinh con.

Về đối ngoại, vụ khủng bố mới đây tại Pháp đã làm cho vấn đề chống khủng bố trở thành một đề tài được nhấn mạnh trong Thông điệp Liên bang 2015. Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố sẽ tiếp tục truy diệt các phần tử cực đoan, khủng bố để bảo đảm an toàn cho nước Mỹ và các đồng minh.

Tổng thống Mỹ một lần nữa khẳng định chính sách bao vây cấm vận nửa thế kỷ qua đã lỗi thời, hối thúc Quốc hội trong năm 2015 này bỏ phiếu chấm dứt các biện pháp bao vây phong tỏa để bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba.

Ông Obama cũng hối thúc Quốc hội ủng hộ cuộc chiến chống nhóm "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Iraq và Syria; phản đối và dọa sẽ dùng quyền phủ quyết nếu Quốc hội áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế trong lúc đang tiến hành đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.

Quan điểm của ông Obama cho rằng nước Mỹ và cộng đồng thế giới đang đứng trước cơ hội chưa từng có để có thể ngăn chặn một nước Iran có vũ khí hạt nhân. Ông Obama cũng tuyên bố sẽ tiếp tục cùng các đồng minh gây áp lực nhằm cô lập nước Nga trong vấn đề Ukraine.

Thông điệp Liên bang năm 2015 được đọc trong bối cảnh Quốc hội mới do phe Cộng hòa nắm quyền lãnh đạo, kể từ khi nhóm họp đầu tháng 1 tới nay, đã có một loạt bước đi theo hướng ngăn chặn các chủ trương chính sách của Tổng thống Obama, trong đó có dự luật xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu Keystone XL từ Canada xuyên qua lãnh thổ nước Mỹ tới tận các bang phía Nam mà Nhà Trắng nhiều lần đe dọa sẽ dùng quyền phủ quyết. Phe Cộng hòa cũng đã thông qua ngân sách tài khóa 2015 nhưng không cho phép Bộ An ninh Nội địa sử dụng tiền vào việc thực thi sắc lệnh hành chính của Tổng thống Barack Obama không trục xuất khoảng 5 triệu người nhập cư bất hợp pháp đang sinh sống trên lãnh thổ Mỹ. Phe Cộng hòa cũng dọa sẽ tìm mọi cách thay thế chương trình ObamaCare.

Với dư luận, theo thăm dò của HuffPost/YouGove công bố ngày 20/1, nếu năm 2014 có 45% nói rằng họ có kế hoạch sắp xếp thời gian để nghe Thông điệp Liên bang, thì năm 2015 số người có ý định này chỉ là 39%.

Một lý do khiến người dân Mỹ ít quan tâm tới Thông điệp liên bang năm 2015 là do họ có cảm nhận rằng tình hình chính trị nước Mỹ sẽ không có gì cải thiện sau Thông điệp Liên bang, nhất là trong bối cảnh đảng Cộng hòa nắm quyền chi phối tại Quốc hội, khiến cho các đề xuất chính sách trong bản thông điệp khó có thể trở thành hiện thực./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất