Lợi ích nhóm và sở hữu chéo là những rào cản khó vượt nhất khi tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng.
Trong năm 2012
và những ngày đầu năm 2013, chủ đề “nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân
hàng” đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Nợ xấu tích tụ từ nhiều
năm trước nhưng bộc lộ rõ nét trong năm 2013 cả về con số tương đối và
tuyệt đối đã buộc các NHTM phải duy trì thế “phòng thủ” trong hoạt động
tín dụng. Do vậy, mức tăng trưởng tín dụng thấp trong cả năm 2011 là
hoàn toàn phù hợp.
Ngân hàng Nhà nước đã bắt tay vào việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém bằng việc cho sáp nhập một số ngân hàng thương mại.
Lần đầu tiên trong năm 2012, phát biểu
trước Quốc hội và cả trong trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thống
đốc đã mạnh dạn chỉ ra những tiêu cực của ngành ngân hàng trong đó có
lợi ích nhóm, sở hữu chéo. “Có nhiều tổ chức tín dụng chi phối bởi một
nhóm cổ đông và dư nợ của nhóm cổ đông này và các khách hàng có liên
quan chiếm một tỷ trọng rất lớn trong tổng dư nợ của một tổ chức tín
dụng, thậm chí có thể chiếm tới 90%”- Thống đốc nói trước Quốc hội hồi
tháng 11/2012.
Và cũng trong năm 2012, lần đầu tiên
Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng (tháng
10/2012). Đến hết năm 2012, cơ quan này công bố đã xử lý được 39.000 tỷ
đồng nợ xấu. Và cũng từ đây, nợ xấu tăng phổ biến trên 8%/tháng trong
quý I/2012 nhưng từ tháng 6/2012 trở lại đây tăng bình quân khoảng
2%/tháng.
Có thể nói, điều quan trọng của năm 2012
là chúng ta đã biết được “bệnh” của hệ thống ngân hàng là gì và tìm
biện pháp xử lý. Theo TS Nguyễn Đức Độ (Viện Kinh tế-Tài chính (Học viện
Tài chính), để giải quyết nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu bất động sản hiện
nay, việc tăng cung tiền là cần thiết nhưng chưa đủ mà cần phải có
phương thức phù hợp mới giải quyết được vấn đề. Nếu không, dòng tiền sẽ
chỉ loanh quanh trong hệ thống ngân hàng để đảm bảo thanh khoản, hoặc
được dùng để mua trái phiếu Chính phủ.
Với việc lòng tin của các chủ thể trong
nền kinh tế giảm sút mạnh như hiện nay, cách giải quyết là NHNN phải bơm
tiền trực tiếp vào thị trường thông qua việc mua tài sản xuấu hay trợ
giá cho việc mua tài sản xấu, chứ không thể thông qua các biện pháp
khuyến khích gián tiếp như giảm lãi suất, giảm thuế. Nói cách khác, NHNN
cần bơm tiền vào nền kinh tế theo cách thức của chính sách tài khóa, có
nghĩa là bơm trực tiếp.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đức Độ, về lâu
dài, việc bơm quá nhiều tiền sẽ dẫn đến lạm phát nếu số tiền thừa không
được hút về kịp thời. Trong ngắn hạn, chừng nào vấn đề nợ xấu chưa được
giải quyết, thị trường bất động sản chưa phục hồi thì lạm phát chưa thể
tăng cao.
Cần dùng các biện pháp mạnh
Để giải quyết nợ xấu, theo TS Nguyễn
Minh Phong, NHNN cần có các qui định cụ thể, an toàn hơn về việc kiểm
soát hoạt động tín dụng, hạn chế việc cho vay rủi ro, sở hữu chéo và
tăng cường tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng cố tình giữ tỷ lệ
nợ xấu thấp hơn thực tế hiện nay. Và quan trọng hơn là cần minh bạch
hóa số liệu chính thức về nợ ngân hàng và tồn kho doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo ông Phong, NHNN cũng có
cần sử dụng các biện pháp quản lý đặc biệt, kiểm soát hoặc cho dừng hoạt
động, sáp nhập và thậm chí là phá sản đối với những ngân hàng, doanh
nghiệp yếu kém là cần thiết. Việc này cần làm đúng qui trình pháp lý,
đảm bảo sự minh bạch và giảm thiệu các hệ quả tiêu cực về kinh tế-xã
hội. Đặc biệt, cần phòng tránh sự lạm dụng theo đề án 254 tái cấu trúc
hệ thống hệ thống NH đã được Chính phủ phê duyệt; cũng như cần có cơ
chế hợp lý, bám sát nguyên tắc thị trường cho các hoạt động của thị
trường mua bán nợ quốc gia thời gian tới.
Bước sang năm 2013, ngành Ngân hàng tập
trung triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các
TCTD theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhiệm vụ trọng
tâm được NHNN đặt ra là triển khai Đề án xử lý nợ xấu được Chính phủ
thông qua; thành lập và đưa vào hoạt động Công ty Quản lý tài sản; xây
dựng Nghị định về tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản.
Tiếp tục triển khai đánh giá đầy đủ và
toàn diện thực trạng tài chính, chất lượng tín dụng, xác định rõ những
yếu kém, hạn chế của từng TCTD theo Kế hoạch thanh tra năm 2013.
Ngoài ra, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho
biết: “Ngành cũng sẽ triển khai đồng bộ các quy định liên quan đến an
toàn hoạt động của TCTD, phân loại tài sản, trích lập và sử dụng dự
phòng rủi ro, các quy định liên quan đến việc xử lý các TCTD yếu kém làm
cơ sở cho việc đánh giá chính xác hơn các rủi ro trong hoạt động ngân
hàng và hình thành nên các chuẩn mực an toàn cao hơn để phòng ngừa, ngăn
chặn rủi ro, đặc biệt là các rủi ro phát sinh từ những quan hệ mang
tính lợi ích nhóm, sở hữu chéo cũng như tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý
các TCTD yếu kém không thể tự tái cơ cấu và những cán bộ lãnh đạo có
nhiều vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, điều hành TCTD”.
Ngoài ra, NHNN tiếp tục giám sát, theo
dõi chặt chẽ việc triển khai phương án cơ cấu lại các ngân hàng đã được
phê duyệt trong năm 2012 để bảo đảm thực hiện đúng lộ trình đã đề ra
trong phương án.
Và cuối cùng, “Giải quyết những khó khăn
của nền kinh tế Việt Nam nói chung và xử lý nợ xấu nói riêng không chỉ
là trách nhiệm của ngành ngân hàng mà là của toàn bộ hệ thống chính trị”
– một chuyên gia của ngành ngân hàng khẳng định./.
Vũ Hạnh/VOV